Dự báo xuất khẩu hàng hóa còn nhiều dư địa khởi sắc

09/10/2024 10:12

Với những kết quả đạt được trong 9 tháng qua và nỗ lực của doanh nghiệp, dự báo xuất khẩu hàng hóa các tháng còn lại của năm 2024 tiếp tục khởi sắc.

Chú thích ảnh

Hết quý III/2024, xuất khẩu hàng hóa thu về gần 300 tỷ USD. Ảnh tư liệu: Tuấn Anh/TTXVN

Hết quý III/2024, xuất khẩu hàng hóa thu về gần 300 tỷ USD. Nếu duy trì được mức xuất khẩu tháng sau cao hơn tháng trước trong quý IV/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 ước lập mốc lịch sử khoảng 400 tỷ USD. Do đó, hiện tại doanh nghiệp đang chạy đua để hoàn thiện những kế hoạch đặt ra cho cả năm 2024.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2024 sơ bộ đạt 34,05 tỷ USD, giảm 9,9% so với tháng 8/2024 và tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý III/2024, kim ngạch xuất khẩu sơ bộ đạt 108,6 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 10,6% so với quý II/2024.   

Tính chung 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 299,63 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong số đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 83,47 tỷ USD, tăng 20,7%, chiếm 27,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 216,16 tỷ USD, tăng 13,4%, chiếm 72,1%. Đáng chú ý, về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, nhóm hàng công nghiệp chế biến sơ bộ đạt 263,47 tỷ USD, chiếm 87,9%.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, trong 9 tháng, các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; hàng dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ; thủy sản; rau quả.

Cùng đó, ghi nhận có 7 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; giày dép; dệt may; gỗ và sản phẩm gỗ; phương tiện vận tải và phụ tùng. Có 11 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD và có 31 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2024 sơ bộ đạt 31,76 tỷ USD, giảm 5,9% so với tháng trước và tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 278,84 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 100,85 tỷ USD, tăng 18,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 177,99 tỷ USD, tăng 16,5%.

Đặc biệt, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 89,5 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 105 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 9 sơ bộ xuất siêu 2,29 tỷ USD. Tính chung 9 tháng, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu 20,79 tỷ USD.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đánh giá, có thể thấy, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đang có chiều hướng tích cực. Nếu như vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng như hiện nay hoặc cao hơn trong quý IV/2024 hoàn toàn có được một mốc mới về kim ngạch xuất nhập khẩu. Từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 ở mức cao hơn. Tuy nhiên, để xuất khẩu bền vững, sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng. Từng doanh nghiệp phải chú trọng đến tính tiên phong, tính kiểu mẫu, từ đó đảm bảo hàng hóa có thương hiệu ăn sâu vào thị trường xuất khẩu.

Ngoài ra, việc giữ vững các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô như cố gắng giữ lạm phát dưới mức Quốc hội đề ra cũng như đảm bảo cân đối giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, đảm bảo giá trị tiền đồng Việt Nam (VND) với các đồng ngoại tệ khác nhất là với đồng USD. Đây là cơ sở để doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2025 và những năm tiếp theo một cách tốt hơn.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam bày tỏ, rau quả Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế tại các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc. Hơn nữa, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng ưa chuộng sầu riêng, chuối và xoài Việt Nam. Hơn nữa, chính nhờ vào sự tăng trưởng của các thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ và Hàn Quốc, xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm nay có thể sẽ cán mốc 7 tỷ USD.

Tương tự, tuy đối mặt với nhiều thách thức nhưng nhóm hàng dệt may vẫn duy trì phong độ khi mang về hơn 32,4 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, thời gian còn lại của năm, dự kiến xuất khẩu dệt may mỗi tháng thu về hơn 4 tỷ USD. Như vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dệt may dự kiến thu về hơn 41 tỷ USD.

Chia sẻ thêm về thị trường, ông Hoàng Hữu Yên - Tổng Giám đốc Tập đoàn Kỹ thuật và Công nghiệp Việt Nam (Intech Group) nhấn mạnh, thị trường năm nay sôi động hơn so với năm trước nên đến tháng 9/2024, lượng đơn hàng tại Intech Group đã tăng 30% so với năm 2023 và đáp ứng đủ công suất đến tháng 11/2024.

Hiện nay, công ty còn phải bố trí nhân sự làm thêm và phân bố kế hoạch sản xuất phù hợp để đảm bảo đơn hàng. Lượng đơn hàng của Intech Group hiện có 70% là gia công sản xuất cho đối tác trong nước; trong đó, chủ yếu là đối tác của Nhật Bản, Hàn Quốc… còn lại xuất khẩu sang Nhật Bản, Hoa Kỳ.

Là doanh nghiệp làm trong mảng công nghiệp hỗ trợ, đến hết quý III/2024, Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ thuật và Công cghiệp Việt Nam (Intech Group) thu được kết quả sản xuất tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm 2023. Ông Hoàng Hữu Yên – Tổng giám đốc Intech Group cho hay, 9 tháng qua có nhiều tín hiệu tích cực hơn năm ngoái do các yếu tố thị trường; trong đó, doanh nghiệp đã có sự phục hồi về kinh tế và đầu tư cho sản xuất mạnh tay hơn so với năm ngoái.

Thời gian qua, Intech Group đã có sự thay đổi rất lớn trong chiến lược đa dạng hóa sản phẩm cũng như khách hàng, không phụ thuộc vào một khách hàng nào cụ thể mà đa dạng hóa tệp khách hàng từ Nhật Bản, Hàn Quốc và doanh nghiệp trong nước. Hiện tại, 70% doanh thu của doanh nghiệp đến từ khách hàng trong nước, 30% còn lại đến từ thị trường xuất khẩu; thị trường Nhật Bản chiếm tỷ trọng lớn.

Ngoài việc ứng phó với sự biến động của thị trường, việc đổi mới công nghệ, hướng tới tự động hóa, đồng thời nhấn mạnh chất lượng sản phẩm khi tất cả các sản phẩm trước khi bán đến tay khách hàng đều được nghiên cứu, chạy thử tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D).

Theo các chuyên gia, quý IV là thời điểm doanh nghiệp FDI sẽ chạy đua nhằm hoàn thiện kế hoạch đã đặt ra cho cả năm 2024. Hiện tại, cộng đồng doanh nghiệp đang quyết tâm đẩy đà tăng trưởng xuất khẩu trong quý cuối của năm, tận dụng tối đa lợi thế về thị trường, nhất là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs). Hơn nữa, nhu cầu của các thị trường nhập khẩu cuối năm với nhiều lễ hội lớn vẫn đang tăng và điều này có lợi cho tăng trưởng xuất khẩu quý còn lại, đặc biệt với các ngành may mặc, giày dép, điện tử và nông lâm thủy sản.

Để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt tận dụng tối đa ưu đãi do các FTAs như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)…

Cùng đó, Bộ Công Thương sẽ đẩy nhanh đàm phán, ký kết, phê chuẩn các FTA, liên kết kinh tế mới, trước mắt với Israel, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) nhằm đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu. Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện xúc tiến thương mại tại thị trường mới, thị trường tiềm năng mà doanh nghiệp riêng lẻ chưa có điều kiện trực tiếp thâm nhập.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh việc cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Đặc biệt, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong việc ứng phó vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài đã và đang điều tra.

 

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới