Doanh nghiệp vật liệu xây dựng chờ sức bật từ đầu tư công
22/03/2024 15:44
Đầu tư công được kỳ vọng là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024. Dự kiến kết quả giải ngân đầu tư sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực nhờ các công trình giao thông trọng điểm đang được đẩy mạnh triển khai. Giải ngân đầu tư công tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa tới nhiều ngành nghề, doanh nghiệp; trong đó có các doanh nghiệp vật liệu xây dựng.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS), kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 tạo đà quan trọng cho các địa phương, bộ, ngành tiếp tục giải ngân đạt tỷ lệ cao trong năm 2024 - năm tăng tốc để hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Căn cứ dự toán năm 2024 được Quốc hội thông qua, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 1603/2023 về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 với tổng số tiền 677.349 tỷ đồng, tương đương 95% kế hoạch năm 2023.
Mặc dù tổng vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2024 giảm nhẹ so với năm 2023, nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, tình hình quốc tế dự báo tiếp tục diễn biến khó lường, để đạt mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn đầu tư công được giao, cần nhiều giải pháp quyết liệt từ tất cả các cấp, ngành, địa phương và chủ đầu tư, chuyên gia từ ABS nhìn nhận.
Thực tế, sự quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương thể hiện qua con số giải ngân vốn đầu tư công ngay trong những tháng đầu năm 2024. Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công 2 tháng kế hoạch năm 2024 đạt 8,7% tổng kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 9,13%, tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Riêng với các dự án trọng điểm, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 được Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương phân bổ chi tiết là trên 127.593 tỷ đồng.
Nhiều công trình giao thông quan trọng đã được thi công xuyên Tết Nguyên đán Giáp Thìn với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "thi công ba ca - bốn kíp" để đạt và vượt tiến độ.
Do đó, trong năm 2024, tiêu thụ xi măng nội địa được kỳ vọng tăng trưởng nhờ vào đầu tư công và các dự án hạ tầng và sự tái khởi động của 1 số dự án bất động sản lớn sau khi được gỡ vướng nhưng mức tăng khó đột phá. Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khó phục hồi như trước, trong khi đó động lực tăng trưởng vẫn phụ thuộc vào thị trường Philipines và Bangladesh.
Bên cạnh đó, để hạn chế phụ thuộc vào Trung Quốc, các doanh nghiệp đang mở rộng sang các thị trường như Mỹ, Australia, Nam Mỹ và châu Phi.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco), nhóm vật liệu xây dựng được hưởng lợi trực tiếp ngay sau giai đoạn giải phóng mặt bằng, bước vào triển khai dự án cho đến khi hoàn thành hoạt động xây dựng dự án.
Với ngành thép, các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng thép cho các dự án đầu tư công, hạ tầng giao thông sẽ hưởng lợi nhờ nhu cầu tiêu thụ thép gia tăng. Với các ngành mà chi phí vận chuyển tác động lớn đến khả năng tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp như xi măng và đá xây dựng, các doanh nghiệp có thị phần lớn và có vị trí gần các dự án đang triển khai sẽ được hưởng lợi tốt hơn phần còn lại của ngành.
Đặc biệt đối với ngành đá xây dựng, hiện nay tại nhiều dự án đầu tư công (cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2; cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, sân bay Long Thành) đang có tình trạng thiếu nguồn đất phục vụ san lấp. Do đó, Agriseco kỳ vọng các doanh nghiệp đầu ngành đá, sở hữu các mỏ đá với trữ lượng lớn, vị trí nằm gần các dự án trọng điểm sẽ được hưởng lợi.
Về mức độ cải thiện biên lợi nhuận của các doanh nghiệp vật liệu xây dựng, đối với doanh nghiệp thép, giá nguyên vật liệu đầu vào (quặng sắt, than cốc) giảm mạnh từ đầu năm trong khi giá thép, sản lượng tiêu thụ thép dự kiến phục hồi nhờ giải ngân đầu tư công và thị trường bất động sản khởi sắc sẽ giúp biên lợi nhuận cải thiện.
Đối với doanh nghiệp xi măng, dự kiến kết quả kinh doanh sẽ vẫn khó khăn trong năm 2024, tuy nhiên biên lợi nhuận phục hồi dần từ nửa cuối năm 2024 trên mức nền thấp 2023 nhờ giá than đầu vào dự báo giảm 24% so với cùng kỳ(theo World Bank) và sản lượng tiêu thụ cải thiện nhẹ. Đối với ngành đá xây dựng, kỳ vọng giá đá xây dựng duy trì ở mức cao do nguồn cung thiếu hụt sẽ giúp biên lãi gộp ổn định.
Các chuyên gia cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm của ngành vật liệu xây dựng nhưng một trong những nguyên nhân chính vẫn là do thị trường bất động sản không phát triển, thậm chí là suy giảm mạnh. Tuy nhiên, ảnh hưởng của bất động sản đến từng lĩnh vực của ngành vật liệu xây dựng có khác nhau.
Với xi măng, ngoài việc đưa vào công trình, dự án bất động sản, sản phẩm này có thể tiêu thụ cho các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, đường sá, cầu cống, thủy lợi, thủy điện; đồng thời, xuất khẩu một phần cũng là giải pháp tạm thời.
Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện rồi sau đó lại đến tình hình căng thẳng giữa Nga - Ukraine..., tình hình kinh tế thế giới biến động bất ổn, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ nói chung và tiêu thụ vật liệu xây dựng nói riêng giảm đi, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu. Bởi vậy, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng cũng không thể trông đợi xuất khẩu là cứu cánh.
Đầu ra cho ngành vật liệu xây dựng đang bế tắc. Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia nhận định, việc phục hồi thị trường nội địa có ý nghĩa “sống còn”. Bên cạnh đó là tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cũng là giải pháp quan trọng, không thể thiếu.
Một số doanh nghiệp lớn ngành vật liệu xây dựng đều có bức tranh lợi nhuận kinh doanh sụt giảm trong năm 2023. Nguyên nhân được nêu ra là do thị trường bất động sản suy giảm, lĩnh vực vật liệu xây dựng cũng khó khăn trong tiêu thụ, khách hàng thận trọng hơn trong chi tiêu, giá bán giảm...
Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2023 đạt 34.925 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.969 tỷ đồng, tăng 249% so với cùng kỳ 2022 và 48 % so với quý trước.
Tuy nhiên, lũy kế cả năm 2023, doanh thu đạt 120.355 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 6.800 tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2022, hoàn thành 85% kế hoạch năm.
Tập đoàn Hòa Phát nhìn nhận, trong thời gian tới, thị trường có khởi sắc nhưng chưa rõ nét do kinh tế trong và ngoài nước còn gặp nhiều khó khăn. Tập đoàn ưu tiên quản trị tốt dòng tiền, hàng tồn kho, sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình thị trường. Đồng thời, bám sát tiến độ đầu tư các dự án lớn, đặc biệt là Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 2, đảm bảo kiểm soát hiệu quả các dự án.
Dự án Dung Quất 2 khi hoàn thành, năng lực sản xuất thép của Tập đoàn sẽ đạt hơn 14 triệu tấn thép thô/năm, đưa Tập đoàn Hòa Phát vào Top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới từ năm 2025.
Với Tổng công ty Viglacera - CTCP (mã chứng khoán: VGC), quý IV/2023, doanh nghiệp có doanh thu thuần 3.020 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp từ đó cũng giảm 21% về còn 565 tỷ đồng.
Sau khấu trừ thuế, Viglacera lỗ ròng 48 tỷ đồng ( trong khi cùng kỳ năm 2022 lãi 222 tỷ đồng). Đây là quý lỗ đầu tiên kể từ khi công ty công bố thông tin.
Năm 2023, Viglacera báo doanh thu thuần đạt 13.194 tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2022. Lợi nhuận trước và sau thuế của công ty lần lượt ở mức 1.602 tỷ đồng và 1.162 tỷ đồng, giảm 30% và 39% so với năm 2022.
Trong ngành xi măng, Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên (mã chứng khoán: HT1) là doanh nghiệp lớn công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 với doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 23% so với cùng kỳ năm trước, xuống 1.783 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 54 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2022.
Năm 2023, doanh thu thuần của Xi măng Vicem Hà Tiên đạt hơn 7.000 tỷ đồng, giảm 21%. Công ty báo lãi chỉ 17 tỷ đồng, giảm hơn 93% so với mức thực hiện năm 2022.
Ngành vật liệu đã trải qua qua năm 2023 đầy khó khăn, do đó, kế hoạch kinh doanh năm 2024 được các doanh nghiệp đề ra khá thận trọng.
Đơn cử, Xi măng Vicem Hà Tiên đặt mục tiêu trong năm 2024 sản xuất clinker khoảng 17,03 triệu tấn, tăng 3% so với thực hiện năm 2023.
Tổng sản lượng tiêu thụ xi măng, clinker khoảng 24,31 triệu tấn, tăng 7,7%; trong đó, tiêu thụ xi măng trong nước khoảng 18,57 triệu tấn, tăng trưởng 5,3% so với thực hiện năm 2023, tổng doanh thu khoảng 29.814 tỷ đồng, giảm 1,2% so với năm 2023.
Với ngành thép, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát cho biết cho biết, 2024 sẽ là năm khởi động của ngành thép sau khi đã chạm đáy vào năm 2023. Thị trường sẽ bắt đầu vào đà phục hồi từ năm 2025. Tập đoàn lên kế hoạch tăng sản lượng thép trong năm nay trên 10% với kỳ vọng tăng trưởng tiêu thụ cũng ở mức tương tự.
Giới phân tích nhìn nhận, năm 2024, ngành vật liệu xây dựng đặt nhiều kỳ vọng vào những nỗ lực thúc đẩy đầu tư công. Từ những tháng cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, Chính phủ đã và đang quyết liệt chỉ đạo thúc đẩy đầu tư công. Nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được triển khai, cùng việc thông qua quy hoạch nhiều dự án hạ tầng công nghiệp, đô thị.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Dong riềng được mùa, được giá, làng miến Bình Lư tất bật vào vụ sản xuất
Quảng Ninh: Tốc độ sản xuất nuôi trồng thủy sản đang phục hồi rất khả quan
Bất động sản phía Nam chuyển biến tích cực dịp cuối năm
Phát triển cây trồng chủ lực, có thế mạnh cạnh tranh
Lãi suất tiền gửi duy trì tăng
Nông sản Việt nhiều cơ hội thâm nhập thị trường Halal
TP Hồ Chí Minh I nhất toàn đoàn Giải vô địch Thể dục nghệ thuật toàn quốc
Xuất khẩu gạo Việt Nam vượt 8 triệu tấn với trị giá 5,05 tỷ USD
Thúc đẩy phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp
Bắc Ninh: Khởi sắc trong hoạt động sản xuất công nghiệp