Cuộc 'đại di dời' các cơ sở chăn nuôi định hình lại 'sân chơi' doanh nghiệp

16/03/2024 12:56

Hàng chục nghìn cơ sở chăn nuôi trên cả nước sẽ phải di dời ra khỏi các khu vực dân cư hoặc ngừng hoạt động. Đây được xem là cuộc “đại di dời” của ngành nông nghiệp, giúp định hình lại lĩnh vực chăn nuôi.

Chú thích ảnh

Công nhân điều khiển máy cho đàn lợn ăn tự động. Ảnh minh họa: K GỬIH/TTXVN

Doanh nghiệp chăn nuôi được cho là có nhiều triển vọng phục hồi lợi nhuận nhờ giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt và giá lợn phục hồi do nguồn cung lợn sụt giảm vì các hộ nông dân “treo” chuồng sau giai đoạn dài thua lỗ. Đáng chú ý, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn được cho là sẽ hưởng lợi lớn khi quy định di dời trang trại chăn nuôi chính thức có hiệu lực từ năm 2025 khiến các hộ nhỏ lẻ gặp nhiều khó khăn.

Luật Chăn nuôi ra đời từ năm 2018, có hiệu lực từ năm 2020 nghiêm cấm hành vi chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư. Theo quy định của luật, các địa phương có 5 năm kể từ khi luật có hiệu lực, tức từ ngày 1/1/2025 để thực hiện di dời các cơ sở chăn nuôi không phù hợp.

Như vậy, hàng chục nghìn cơ sở chăn nuôi trên cả nước sẽ phải di dời ra khỏi các khu vực dân cư hoặc ngừng hoạt động. Đây được xem là cuộc “đại di dời” của ngành nông nghiệp, giúp định hình lại lĩnh vực chăn nuôi.

Theo giới phân tích, những cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán không còn phù hợp, dành “sân chơi” lại cho các cơ sở quy mô lớn. Đây cũng là xu thế tất yếu để ngành chăn nuôi được quy chuẩn lại.

Thực tế, quy định mới có hiệu lực sẽ tạo ra hàng rào lớn giúp việc chăn nuôi nhỏ lẻ không còn nữa.

Theo báo cáo hồi tháng 1/2024 do Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco) phát hành, nhiều hộ chăn nuôi sẽ phải bỏ nghề và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có dự thảo để hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi di dời nhưng đến hiện tại vẫn chưa được thông qua.

Các chuyên gia từ công ty chứng khoán này nhận định, thị phần từ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ chuyển sang các doanh nghiệp lớn hoàn thiện chuỗi giá trị như xu hướng của các quốc gia phát triển Mỹ, Nga. Khi các doanh nghiệp lớn chiếm thị phần lớn hơn, có thể xuất hiện tình trạng thao túng giá trên thị trường để đạt được lợi ích của các bên chi phối.

Thực tế cho thấy, với xu hướng thị phần từ hộ nhỏ lẻ sẽ chuyển sang các doanh nghiệp lớn hoàn thiện chuỗi giá trị (xu hướng chung của nhiều quốc gia phát triển trên thế giới), các doanh nghiệp niêm yết lớn trong ngành thức ăn chăn nuôi đã tích cực đầu tư mở rộng để gia tăng công suất. Nổi bật có thể kể đến Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã chứng khoán: DBC) và Công ty cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã chứng khoán: BAF) khi 2 doanh nghiệp này đã đầu tư vào một loạt trang trại chăn nuôi mới để tăng công suất.

Theo đó, Dabaco đã đầu tư mở rộng công suất đón đầu xu thế. Doanh nghiệp đã đầu tư tăng công suất với hàng loạt các dự án trang trại chăn nuôi quy mô lớn: Dự án chăn nuôi Thanh Hóa với công suất: 5.600 lợn nái, 77.400 lợn thương phẩm; Dự án lợn giống Dabaco Phú Thọ - giai đoạn 3 có công suất 4.800 lợn nái, hơn 70.000 lợn thương phẩm. Tổng công suất 2 dự án tăng gần 25% so với trước đó.

Một yếu tố cũng được cho là lợi thế của các doanh nghiệp lớn là nguồn cung từ các doanh nghiệp 3F (từ trang trại đến bàn ăn) cũng ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hơn các hộ chăn nuôi nhờ tuân thủ vệ sinh an toàn chuồng trại; đồng thời, các doanh nghiệp không có tình trạng bán tháo chạy dịch, giúp hạn chế biến động giá trên thị trường.

Dịch tả lợn châu Phi (ASF) lần đầu được phát hiện tại Việt Nam kể từ tháng 2/2019. Số đợt bùng phát qua các năm có sự sụt giảm cho thấy dịch bệnh đang dần được kiểm soát (năm 2019 có hơn 6.000 đợt bùng phát; năm 2022 là 1.256 đợt bùng phát và năm 2023 có 576 đợt bùng phát). Mặc dù vậy, thời gian gần đây, dịch ASF có chiều hướng gia tăng mạnh tại Việt Nam, chuyên gia từ Agriseco cho biết.

Do đó, Luật Chăn nuôi cũng đưa ra khái niệm về đơn vị vật nuôi, mật độ nuôi. Đây là những khái niệm mới, phù hợp với thông lệ quốc tế, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động chăn nuôi, giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch bệnh và các tác động đến môi trường xung quanh.

Việc triển khai các quy định mới này sẽ thúc đẩy nhanh xu hướng chuyển dịch thị phần từ các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ sang các doanh nghiệp lớn đã hoàn thiện chuỗi giá trị với mô hình chăn nuôi khép kín 3F.

Agriseco hiện dự báo kết quả kinh doanh của Tập đoàn Dabaco sẽ phục hồi tích cực trong năm 2024 nhờ biên lợi nhuận cải thiện khi giá lợn hơi đang dần phục hồi và giá thức ăn chăn nuôi giảm sâu; mảng vaccine phòng chống dịch tả lợn châu Phi đem lại nguồn thu mới và gia tăng chiếm lĩnh thị phần từ các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), trong năm 2024, giá lợn hơi có thể sẽ tăng 5% so với mức nền thấp của năm 2023, đạt trung bình 56.400 đồng/kg nhờ nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng thêm 5% trong khi nguồn cung trong nước duy trì ổn định.

VNDIRECT cho rằng, tình hình kinh tế dần khởi sắc được kỳ vọng sẽ kích thích chi tiêu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, ngành du lịch dự kiến sẽ đón một lượng lớn khách quốc tế tới Việt Nam, qua đó đẩy mạnh các hoạt động ăn uống trong năm 2024, giúp tiêu thụ thịt lợn tăng lên.

Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, một số doanh nghiệp đứng trước cơ hội mở rộng thị phần bởi doanh nghiệp thường có chi phí chăn nuôi thấp hơn so với hộ dân nhỏ lẻ.

Theo ước tính của Công ty cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam, chi phí chăn nuôi của hộ dân từ 52.000 - 54.000 đồng/kg, trong khi chi phí chăn nuôi của doanh nghiệp chỉ khoảng 47.000 đồng/kg.

Doanh nghiệp cũng sẽ có nền tảng để tiếp cận nguồn vốn hiệu quả và dễ dàng hơn so với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, ví dụ như vay ngân hàng hay huy động vốn bằng hình thức trái phiếu và phát hành cổ phiếu.

Do đó, nếu giá lợn giảm xuống dưới giá vốn, doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động lâu hơn, giành lấy thị phần của các hộ dân nhỏ lẻ rời khỏi ngành do thua lỗ.

Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định, mặc dù cũng gặp khó khăn như hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nhưng nhờ tiềm lực tài chính, doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn đang có cơ hội lấy thêm thị phần.

Tổng cục Thống kê hiện dự báo nguồn cung thịt lợn năm 2024 trong nước sẽ duy trì ổn định, tăng 4% so với năm 2023.

Giới phân tích cho rằng, để ngành chăn nuôi phát triển ổn định, tới đây các địa phương cần tích cực triển khai Luật Chăn nuôi, Chiến lược Phát triển chăn nuôi hiệu quả; tập trung phát triển chăn nuôi theo định hướng thị trường; phát huy thế mạnh của từng vùng, từng vật nuôi chủ lực để nâng cao hiệu quả sản xuất; đẩy mạnh chăn nuôi công nghiệp công nghệ cao với các sản phẩm chủ lực như gắn với xây dựng, phát triển thương hiệu; tiếp tục mở rộng chăn nuôi áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP…

Trong Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu tổng đàn lợn thường xuyên 30 triệu con; trong đó, đàn nái khoảng 2,5 triệu con; thịt xẻ khoảng 6 triệu tấn (thịt lợn chiếm khoảng 60%); xuất khẩu được từ 15-20% sản lượng thịt lợn…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, Việt Nam là nước có tiềm năng và lợi thế về chăn nuôi, dư địa tăng trưởng vẫn còn rất nhiều.

Năm 2024, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu giá trị sản xuất tăng khoảng 4-5% so với năm 2023, tỷ trọng chăn nuôi trong tổng thể ngành nông nghiệp ước đạt 28-30%.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của các doanh nghiệp chăn nuôi diễn biến khá tích cực. Theo đó, tính từ đầu năm đến chốt phiên giao dịch ngày 15/3, DBC tăng hơn 14,5% lên 31.500 đồng/cổ phiếu , BAF tăng hơn 9% lên 28.250 đồng/cổ phiếu.

 

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới