CPI tháng 7 tăng 0,48% do mức tiêu thụ điện và mức đóng bảo hiểm xã hội tăng
30/07/2024 07:25
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng và mức đóng bảo hiểm y tế được điều chỉnh theo mức lương cơ sở mới là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2024 tăng 0,48% so với tháng trước.
Trong mức tăng 0,48% của CPI tháng 7/2024 so với tháng trước, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng; riêng nhóm bưu chính, viễn thông ổn định giá.
Cụ thể, một số nhóm có mức tăng đáng chú ý như nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,77% chủ yếu do giá bảo hiểm y tế tăng 28,45% khi mức lương cơ sở được điều chỉnh từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng.
Tiếp đến là nhóm giao thông tăng 1,45% (làm cho CPI chung 0,14 điểm phần trăm), chủ yếu do giá dầu diezen tăng 4,07%; giá xăng trong nước tăng 3,55% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng. Giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 20,44%; đường sắt tăng 4,4%; vận tải hành khách bằng đường bộ tăng 0,04%; vận tải hành khách kết hợp tăng 0,01% do nhu cầu đi lại trong dịp hè tăng.
Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,5% chủ yếu do giá điện sinh hoạt tăng 1,39%; nước sinh hoạt tăng 0,22% ; giá dầu hỏa tăng 4,02% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng; giá thuê nhà tăng 0,2%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,08%.
Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 7 tăng 0,48% do mức tiêu thụ điện và mức đóng bảo hiểm xã hội tăng.
Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,14%, trong đó giá dịch vụ du lịch trọn gói tăng 0,23%; nhà khách, khách sạn tăng 0,43% do tháng Bảy học sinh nghỉ hè nên nhu cầu đi du lịch của các cơ quan, doanh nghiệp và gia đình tăng cao.
Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,13%, trong đó giá khám chữa bệnh nội trú tăng 0,19%; dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú tăng 0,08%. Nguyên nhân do trong tháng 7/2024 tiếp tục có địa phương triển khai áp dụng giá dịch vụ y tế mới theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023 của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp.
Riêng nhóm bưu chính, viễn thông giữ mức giá ổn định do các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh tiếp tục thực hiện chương trình khuyến mại, kích cầu mua sắm. Trong đó, máy điện thoại di động thông minh và máy tính bảng giảm 0,39% so với tháng trước; giá sửa chữa điện thoại tăng 0,19%.
Lạm phát cơ bản tháng 7/2024 tăng 0,36% so với tháng trước, tăng 2,61% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2024, CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,73%, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,12%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Lãi suất ngân hàng ngày 15/5: Ngân hàng nào có lãi suất tốt nhất kỳ hạn ngắn?
Giá vàng thế giới giảm hơn 2%, xuống mức thấp nhất trong hơn một tháng
Việt Nam, Mỹ trao đổi cấp kỹ thuật về Hiệp định tránh đánh thuế hai lần
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: Không thể chủ quan dù xuất khẩu đã vượt 21 tỷ USD
Giảm VAT 2% hết năm 2026 để tạo nền tảng cho tăng trưởng hai con số
Tín dụng xanh: Động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững tại Việt Nam
Luật Quản lý vốn Nhà nước (sửa đổi) trao quyền nhiều hơn cho doanh nghiệp
Thủ tướng: Việt Nam mong muốn không xảy ra chiến tranh thương mại
Chứng khoán duy trì đà tăng, dư mua giá trần hơn 1,4 triệu cổ phiếu tân binh
Nghị quyết 68: Bước tiến thúc đẩy kinh tế tư nhân bứt phá