Chỉ số sản xuất công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tăng gần 7%
06/10/2024 14:24
Với vai trò là đầu tàu kinh tế, trung tâm công nghiệp, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã và đang chú trọng thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp mũi nhọn.
Trong 9 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) của Thành phố Hồ Chí Minh tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2023 và hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục phục hồi tích cực.
Kết quả này cho thấy sự đa dạng hoạt động thương mại hóa sản phẩm công nghiệp trên địa bàn bằng những chương trình kích cầu, kết nối chuỗi cung ứng nội địa và quốc tế của thành phố đã đạt hiệu quả thiết thực.
Nhiều chỉ số sản xuất phục hồi
Theo Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) của Thành phố Hồ Chí Minh 9 tháng năm 2024 duy trì ở mức tăng, tính riêng tháng 9/2024 chỉ số IIP cũng tăng 3,4% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ. Trong đó, chỉ số một số nhóm ngành đạt mức tăng cao như khai khoáng tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 38,6% so với cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 11,3% so với cùng kỳ; sản xuất và phân phối điện giảm 2,4% so với tháng trước và tăng 5,1% so với cùng kỳ…
Đặc biệt, lĩnh vực sản xuất công nghiệp được xác định là một trong những trụ cột tác động đến sự tăng trưởng kinh tế chung trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như chứng minh chương trình kích cầu đang được triển khai khá tốt.
Với vai trò là đầu tàu kinh tế, trung tâm công nghiệp, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã và đang chú trọng thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp mũi nhọn; trong đó, có ngành công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chính xác.
Ghi nhận thực tế ở một số ngành như ngành cơ khí đã dần dần làm chủ công nghệ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp. Còn những chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ, đã phát huy được hiệu quả tiếp thêm động lực cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, giúp nâng cao năng lực sản xuất và từng bước hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đánh giá tỷ lệ nội địa hóa đạt được kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng nên cần tiếp tục triển khai chương trình kích cầu, kết nối chuỗi cung ứng nội địa và quốc tế. Điển hình, với bối cảnh nhu cầu của các tập đoàn đa quốc gia về nguồn cung ứng nội địa ngày càng gia tăng, đòi hỏi cả chính quyền địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp phải nỗ lực bứt phá hơn nữa nhất là ở những lĩnh vực đòi hỏi trình độ công nghệ cao như hàng không, điện tử và ôtô…
Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan cũng cho rằng thúc đẩy hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp quốc tế trong thời gian qua đã mang lại nhiều cơ hội thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng không chỉ kết nối chuyển giao công nghệ, mà còn trở thành nhà cung cấp và mở rộng thị trường thương mại hóa sản phẩm công nghiệp.
Vừa qua, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Ban quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp, Ban quản lý Khu công nghệ cao và các đơn vị trên địa bàn tổ chức hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2024.
Hơn thế nữa, nhiều sở ngành Thành phố Hồ Chí Minh tham gia đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp kết nối cung cầu trực tiếp (offline) và trực tuyến (online) về sản phẩm tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ.
Ban tổ chức cũng thống kê kết quả của Hội nghị là nhận được sự đồng hành của hơn 22 lượt tham dự của các doanh nghiệp FDI, kết nối hơn 300 cuộc trực tiếp và trực tuyến cùng hơn 130 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Ngay từ đầu tháng 10, Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC), Trung tâm Phát triển Công nghiệp Hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh (CSID) cũng phối hợp với một số nhà triển lãm, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước tổ chức Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ 2024 (SIS 2024).
Thông qua triển lãm, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa được tạo điều kiện thuận lợi kết nối giao thương, giới thiệu những giải pháp chuyển giao công nghệ và sản xuất bền vững.
Chiến lược nội địa hóa sản phẩm
Trong chiến lược thực hiện định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2020-2025, Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) cho thấy, tập trung theo 3 mục tiêu, gồm hình thành được mạng lưới sản xuất nội địa đáp ứng được yêu cầu sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh nội địa và tham gia hỗ trợ trong chuỗi giá trị toàn cầu; thu hút doanh nghiệp FDI đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi công nghệ cao tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Cùng đó, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sản xuất cung cấp các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo hướng thay thế nhập khẩu và nâng cao giá trị gia tăng. Đây cũng là cơ hội để nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm; học hỏi kinh nghiệm quản lý, kỹ thuật và chiến lược… từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Theo bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC, với vai trò của mình, ITPC đã và đang phối hợp với cơ quan ban ngành của thành phố, đối tác nước ngoài trong và ngoài nước để tạo cơ hội cho doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cải thiện năng lực cạnh tranh và nâng cao giá trị sản phẩm công nghiệp, cũng như đáp ứng yêu cầu phục vụ thiết thực các ngành kinh tế khác.
Trên cơ sở hợp tác với đa dạng đối tác, ITPC cùng các bên cam kết chia sẻ nguồn lực và kinh nghiệm, tạo ra một môi trường hợp tác thuận lợi thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thiết bị máy móc tiên tiến nhất, cập nhật công nghệ kinh doanh thông minh, cũng như các giải pháp nâng cấp sản xuất và gia tăng giá trị sản phẩm công nghiệp.
Ở góc độ hiệp hội, ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh (JETRO) chia sẻ, kết quả khảo sát của JETRO, Việt Nam cũng là một điểm đến đầu tư rất hấp dẫn.
Trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam, nhưng một trong những vấn đề thách thức được chỉ ra là tỷ lệ mua sắm nội địa thấp hơn so với các quốc gia khác.
Để Việt Nam đạt được sự phát triển kinh tế bền vững hơn nữa, cần chuyển đổi từ cấu trúc công nghiệp hiện tại chủ yếu dựa vào gia công và lắp ráp sang một cấu trúc công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn, bao gồm sản xuất các linh kiện quan trọng. Điển hình, xác định phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ là rất cần thiết, nên JETRO đã đồng hành tổ chức Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ tại Thành phố Hồ Chí Minh, với sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam trong vai trò người mua và doanh nghiệp Việt Nam trong vai trò nhà cung cấp.
“Thông qua hoạt động hội chợ, triển lãm, kết nối nối giao thương… mà doanh nghiệp Nhật Bản tham gia với vai trò người mua sẽ giúp sản phẩm công nghiệp Việt nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc gia tăng tỷ lệ mua sắm nội địa. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi, tăng cơ hội gặp gỡ trực tiếp… hướng đến mở ra nhiều thương vụ được ký kết giữa doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam sẽ góp phần thương mại hóa sản phẩm công nghiệp Việt trên thị trường quốc tế," ông Matsumoto Nobuyuki cho biết thêm./.
Nguồn: vietnamplus.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Chuỗi tỷ USD rót vào sản xuất xanh
Làng hoa An Lạc hối hả chuẩn bị vụ Tết
Năng suất lúa sản xuất theo hướng hữu cơ tăng từ 10 - 15%
Xanh hóa quy trình sản xuất và chế biến trong xuất khẩu cá tra
Giá nhiều loại thủy sản tăng cao
Nhu cầu đặt hoa cúc mâm xôi Tết tăng cao, giá cũng tăng
Bến Tre: Mở rộng diện tích sản xuất dừa hữu cơ, đẩy mạnh xuất khẩu
Việt Nam và Malaysia hướng tới dấu mốc mới trong quan hệ thương mại
Sản xuất công nghiệp đang phục hồi mạnh mẽ
'Chất xúc tác' cho phát triển ngành logistics