Bức tranh kinh tế Việt Nam tươi sáng

04/08/2024 09:34

Kinh tế 7 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam duy trì xu hướng tích cực, tạo đà tăng trưởng cho các tháng, quý còn lại và được nhiều tổ chức quốc tế đặt kỳ vọng cao về mục tiêu tăng trưởng cả năm.

Xuất khẩu ấn tượng

Theo các Hiệp hội doanh nghiệp, mặc dù khó khăn vẫn còn, nhưng đơn hàng sản xuất 7 tháng năm 2024 đã phục hồi đáng kể so với năm trước. Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Gia Định cho biết: “Do tình hình tiêu thụ và sức mua của thế giới tăng, thị trường xuất khẩu trong nước đang là ‘bức tranh’ sáng đối với những doanh nghiệp biết tận dụng. Xu hướng đơn hàng đang dịch chuyển từ Trung Quốc sang các thị trường mới, các doanh nghiệp cần phải tranh thủ cơ hội nắm bắt các đơn hàng”.   

Mặc dù nhu cầu tiêu dùng hàng hóa cuối năm chưa hồi phục đồng đều ở các thị trường, nhưng đã có những tín hiệu tốt hơn khi nhiều doanh nghiệp dệt may xác nhận đã cơ bản đủ đơn hàng quý III, IV/2024. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết: Xuất khẩu dệt may đang đà phục hồi, các doanh nghiệp đã có đơn đặt hàng đến hết năm 2024.

Xuất khẩu gạo cũng được xem là một trong những “điểm sáng” năm nay. Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu hơn 4,5 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch gần 3 tỷ USD, tăng 32% về giá trị so với cùng kỳ. Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), xuất siêu tháng 6 cao hơn ước tính và tiếp tục đà tích cực trong tháng 7, giúp cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng năm nay ước tính xuất siêu 14,08 tỷ USD. Tính chung 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 63,08 tỷ USD, tăng 21,1%, chiếm 27,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 163,9 tỷ USD, tăng 13,8%, chiếm 72,2%...

Chú thích ảnh

Nguyên phụ liệu dệt, may, da giày may, da, giày tăng 11,1%. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN.

TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương): Kinh tế tăng trưởng vững chắc vẫn phải dựa vào sản xuất.
Hoạt động sản xuất tháng 7/2024 và 7 tháng năm nay tiếp tục đà khởi sắc, nhưng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ chưa tăng như kỳ vọng. Để nền kinh tế tăng trưởng vững chắc, một mặt vẫn phải dựa vào hoạt động sản xuất, nhưng cần chú trọng tập trung hơn phát triển dịch vụ.
Bên cạnh việc vẫn tập trung phát triển hoạt động sản xuất, tạo mọi điều kiện cho tổ chức, cá nhân mở rộng sản xuất, kinh doanh, thu hút vốn FDI chất lượng cao, mặt khác phải tập trung phát triển khu vực dịch vụ, không chỉ là dịch vụ phục vụ cho nhu cầu của người dân trong nước, mà phục vụ cho người nước ngoài để thu hút khách du lịch quốc tế, qua đó phát triển được lĩnh vực du lịch, lưu trú, ăn uống, vui chơi, giải trí...
So với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam có lợi thế vô cùng lớn trong thu hút khách du lịch quốc tế. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã thu hút được gần 10 triệu lượt khách quốc tế, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước và tăng khoảng 2% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19.

Niềm tin của nhà đầu tư FDI

Điều đáng mừng là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tiếp tục tăng. Cùng kỳ 7 tháng đầu năm 2023, FDI thực hiện đạt 11,58 tỷ USD và 7 tháng năm nay, vốn FDI thực hiện đã tăng lên 12,55 tỷ USD.

Nguyên phụ liệu dệt, may, da giày may, da, giày tăng 11,1%. Các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá Việt Nam là điểm đến hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á và khẳng định sẽ tăng vốn, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. “Đã có hơn 18 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong 7 tháng năm 2024; trong đó Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới...”, đại diện TCTK cho biết.

Tại họp báo Chính phủ mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương dự báo: Thu hút FDI cả năm 2024 có thể đạt 39 - 40 tỷ USD, niềm tin của nhà đầu tư FDI đang tích cực và mong muốn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Nhiều tổ chức tài chính quốc tế đánh giá cao, lạc quan về thu hút FDI của Việt Nam dựa vào 3 yếu tố: Chiến lược đa dạng hoá cung ứng đầu tư; tăng trưởng kinh tế Việt Nam có nhiều triển vọng, tác động tích cực đến chiến lược đầu tư của các nhà đầu tư; Việt Nam có nền tảng dù gặp biến động từ các yếu tố bên ngoài. Ngoài ra, từ ngày 1/8, các bộ Luật: Đất đai, Kinh doanh Bất động sản, Nhà ở có hiệu lực thực thi được kỳ vọng giúp thị trường bất động sản phục hồi mạnh mẽ, dẫn dắt các ngành kinh tế khác phát triển.

Giải pháp duy trì tăng trưởng

Ngân hàng UOB phân tích dữ liệu từ TCTK và khẳng định, trong nửa đầu năm 2024, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,42%, cao hơn nhiều so với mức 3,84% trong nửa đầu năm 2023. Kết quả tích cực này là tín hiệu lạc quan cho những tháng còn lại của năm 2024. Tuy nhiên, theo UOB, cần thận trọng, do đối chiếu với số liệu cơ sở cao hơn của nửa cuối năm 2023, cùng với tình hình xung đột Nga - Ukraine, Trung Đông... có thể làm gián đoạn thương mại và thị trường năng lượng toàn cầu...

“Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 khoảng 6,0%, đồng nghĩa với việc Việt Nam có khả năng trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2024, vị trí Việt Nam đã tạm nhường cho Malaysia, Philippines trong năm 2022, 2023”, bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC cho biết.

Để giữ nhịp tăng trưởng, theo TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục có những dự báo, kịch bản ứng phó phù hợp với tình hình kinh tế, tài chính quốc tế; các xu hướng mới về rủi ro công nghệ cao, an ninh mạng; tăng cường bình ổn, lành mạnh hóa thị trường tài chính, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, vàng, củng cố niềm tin nhà đầu tư và người dân. “Cần thực thi hiệu quả hơn các chính sách, giải pháp tháo gỡ các vướng mắc (nhất là về pháp lý, định giá đất, hoàn thuế giá trị gia tăng, tiếp cận vốn, phát triển nhà ở xã hội, phòng cháy chữa cháy. Đặc biệt, triển khai hiệu quả Nghị định 73/2023/NĐ- CP về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”, TS Cấn Văn Lực cho biết. Ngoài ra, cần phát huy các động lực tăng trưởng truyền thống như xuất khẩu, đầu tư tư nhân, tiêu dùng và khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, liên kết vùng...

Theo lãnh đạo Bộ KH&ĐT, từ nay tới cuối năm, các bộ, ngành, địa phương cần tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp; rà soát, sửa đổi ngay các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật... không phù hợp với thực tế, không cần thiết cho quản lý Nhà nước, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp; giải quyết dứt điểm các dự án đất đai tồn đọng để giải phóng nguồn lực cho phát triển. Đồng thời, nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn mới của thị trường xuất khẩu, và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chíp, bán dẫn, chuyển đổi số...

Việt Nam cần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; xây dựng, hoàn thiện hệ thống ngành kinh tế xanh, quy định về chuyển đổi xanh, cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, lãnh đạo Bộ KH&ĐT chỉ rõ.

 

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới