Bán tín chỉ giảm phát thải từ phát triển rừng
04/03/2024 16:08
Việt Nam đang tiến gần hơn và bắt kịp với xu hướng của thế giới trong việc tham gia mua bán, trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ carbon giảm phát thải từ phát triển rừng.
Nguồn lợi khổng lồ từ rừng
Theo báo cáo của Tổ chức Nông - Lương Liên Hợp quốc (FAO) về đánh giá tài nguyên rừng toàn cầu, trong khi diện tích rừng trên thế giới suy giảm mạnh, diện tích rừng trồng thấp, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có diện tích rừng trồng lớn nhất thế giới. Tại Việt Nam, ước tính có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế và nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ theo đơn giá Việt Nam đã bán cho Ngân hàng Thế giới (WB) trong năm 2023, mỗi năm có thể thu về hàng trăm triệu USD.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), mua bán tín chỉ giảm phát thải trên thị trường là phương pháp tiên tiến ngày càng được nhiều quốc gia triển khai, đã tạo ra thị trường carbon hay còn gọi là thị trường trao đổi tín chỉ giảm phát thải khí nhà kính. Với lâm nghiệp Việt Nam, cơ hội tham gia thị trường tín chỉ lớn và việc làm này sẽ giúp có thêm nguồn lực cho công tác bảo vệ, phát triển rừng.
Theo ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), việc phát triển thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam là phù hợp. Diện tích rừng cả nước hiện đạt 14,79 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%. Về kinh tế, cơ cấu sản xuất lâm nghiệp đã có sự chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất rừng, tăng trưởng ổn định 4,6%/năm. Hàng năm, cả nước trồng được trên 260.000 ha rừng, năng suất rừng trồng cung cấp trên 70% nguyên liệu gỗ cho chế biến lâm sản, phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt bình quân 15,8 tỷ USD/năm, tỷ lệ xuất siêu cao…
Bên cạnh đó, nguồn thu dịch vụ môi trường rừng đạt bình quân 3.650 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, năm 2023 đã thu được 4.130 tỷ đồng; trong đó có 997 tỷ đồng từ dịch vụ hấp thụ, lưu giữ carbon rừng, góp phần giảm áp lực chi ngân sách Nhà nước để chi trả kinh phí để bảo vệ khoảng 7,3 triệu ha rừng.
Xây dựng chiến lược bài bản
Thương mại tín chỉ carbon rừng trên thị trường carbon được đánh giá là cơ hội tốt để có thêm nguồn lực góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn Rừng keo đạt chuẩn FSC của người dân Trà Bồng (Quảng Ngãi). 2050, Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh gắn với phát triển bền vững và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết “đưa mức phải thải ròng về 0 vào năm 2050’’ của Việt Nam tại COP26.
Theo ông Trần Quang Bảo, thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) đã ký giữa Bộ NN&PTNT và WB đối với 6 tỉnh giai đoạn 2018 - 2024, Việt Nam chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 cho Ngân hàng Thế giới với tổng giá trị là 51,5 triệu USD, tương ứng 1.200 tỷ đồng.
Đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền từ WB và đã giải ngân toàn bộ để các tỉnh khẩn trương lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng. Trong đó, tỉnh Nghệ An được giải ngân hơn 282 tỷ đồng, Quảng Bình hơn 235 tỷ đồng, Thanh Hóa 162 tỷ đồng, Hà Tĩnh 122 tỷ đồng, Thừa Thiên - Huế 107 tỷ đồng và Quảng Trị hơn 51 tỷ đồng.
Để góp phần thúc đẩy việc sớm hình thành thị trường carbon cũng như việc trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho rằng, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cụ thể, rõ ràng cho việc triển khai, vận hành trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã xây dựng, tham mưu nội dung về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng trong dự thảo nghị định sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định số 156 và đang trình Chính phủ xem xét, ban hành.
Cùng với đó, việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp, cũng như thực hiện có hiệu quả quy định mới của Luật Đất đai 2024, đáp ứng mục tiêu Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 là việc làm cần thiết. Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế NN&PTNT Việt Nam Nguyễn Văn Tiến chia sẻ: Bộ NN&PTNT cần sớm hoàn thiện quy hoạch lâm nghiệp đảm bảo tính thống nhất với quy hoạch sử dụng đất theo 3 cấp: Quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện; phân bổ hợp lý quỹ đất cho phù hợp với yêu cầu sử dụng đất và quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp.
Ngành Lâm nghiệp cũng cần đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất rừng; khuyến khích tích tụ đất để phát triển sản xuất, kinh doanh, hình thành chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm lâm nghiệp quy mô lớn; sử dụng đất lâm nghiệp đa mục đích nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Sản lượng lúa các tỉnh phía Bắc năm 2024 đạt trên 12,7 triệu tấn
Xuất khẩu gỗ tìm được cơ hội lội ngược dòng để về đích vượt mục tiêu
Dong riềng được mùa, được giá, làng miến Bình Lư tất bật vào vụ sản xuất
Quảng Ninh: Tốc độ sản xuất nuôi trồng thủy sản đang phục hồi rất khả quan
Bất động sản phía Nam chuyển biến tích cực dịp cuối năm
Phát triển cây trồng chủ lực, có thế mạnh cạnh tranh
Lãi suất tiền gửi duy trì tăng
Nông sản Việt nhiều cơ hội thâm nhập thị trường Halal
TP Hồ Chí Minh I nhất toàn đoàn Giải vô địch Thể dục nghệ thuật toàn quốc
Xuất khẩu gạo Việt Nam vượt 8 triệu tấn với trị giá 5,05 tỷ USD