Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 5 tăng 9,5%
02/06/2024 07:25
Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2024 giảm nhẹ 0,1% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng, đi lại của người dân giảm sau kỳ nghỉ lễ dài của tháng trước. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước tăng 9,5% nhờ sự đóng góp tích cực của ngành du lịch.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 15,1%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 45,1%.
Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 5/2024 ước đạt 519,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 9,9%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 9%; may mặc tăng 9,3%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 17%; du lịch lữ hành tăng 34,3%.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 2.580,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 12,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,2% (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,3%).
Doanh thu bán lẻ hàng hóa năm tháng đầu năm 2024 ước đạt 1.998,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,5% tổng mức và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 4,5%).
Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,5%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 13,4%; may mặc tăng 10,3%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 1,3%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 15,5%.
Tổng cục Thống kê cho biết, một số địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước của tăng khá là: Quảng Ninh tăng 10,1%; Hải Phòng tăng 9,5%; Cần Thơ tăng 8,4%; Đà Nẵng tăng 8,2%; TP Hồ Chí Minh tăng 6,8%; Hà Nội tăng 6,7%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 296,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,5% tổng mức và tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, những địa phương có doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 5 tháng đầu năm 2024 tăng khá so với cùng kỳ năm trước là: Khánh Hòa tăng 26,4%; Quảng Ninh tăng 23,5%; Đà Nẵng tăng 22,2%; Hải Phòng tăng 14,9%; Hà Nội tăng 12,4%; Cần Thơ tăng 11,5%; TP Hồ Chí Minh tăng 8%.
Đáng ghi nhận, trong xu thế của tháng 4, doanh thu du lịch lữ hành 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 24,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 45,1% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, các địa phương du lịch nổi tiếng có mức doanh thu du lịch lữ hành 5 tháng đầu năm 2024 tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước như: Đà Nẵng tăng 52%; TP Hồ Chí Minh tăng 46%; Hà Nội tăng 44,6%; Quảng Ninh tăng 18%.
Theo Tổng cục Thống kê, với chính sách thị thực thuận lợi, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch năm 2024 được các địa phương trên cả nước đẩy mạnh, thu hút lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 5/2024, số lượng khách quốc tế đến nước ta đạt gần 1,4 triệu lượt người, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đạt gần 7,6 triệu lượt người, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 (năm chưa xảy ra dịch COVID-19).
Trong tổng số gần 7,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam 5 tháng đầu năm nay, khách đến bằng đường hàng không đạt hơn 6,3 triệu lượt người, chiếm 83,7% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 1,6 lần cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt gần 1,1 triệu lượt người, chiếm 14,2% và gấp 2,1 lần; bằng đường biển đạt 162,4 nghìn lượt người, chiếm 2,1% và gấp 3,2 lần.
Nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, phát triển thị trường trong nước từ nay đến cuối năm, Tổng cục Thống kê đề xuất, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, xây dựng và hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thị trường trong nước bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, phục vụ hiệu quả cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, không để xảy ra tình trang thiếu hàng, sốt giá; phối hợp với các bộ, ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá; trong đó, có mặt hàng xăng dầu nhằm bảo đảm cung ứng xăng dầu trên thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Phát triển cây trồng chủ lực, có thế mạnh cạnh tranh
Lãi suất tiền gửi duy trì tăng
Nông sản Việt nhiều cơ hội thâm nhập thị trường Halal
TP Hồ Chí Minh I nhất toàn đoàn Giải vô địch Thể dục nghệ thuật toàn quốc
Xuất khẩu gạo Việt Nam vượt 8 triệu tấn với trị giá 5,05 tỷ USD
Thúc đẩy phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp
Bắc Ninh: Khởi sắc trong hoạt động sản xuất công nghiệp
Ngân hàng Thế giới: Lộ trình để Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao
Không để thiếu hàng, tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán
Nhân rộng mô hình thí điểm thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao