Bà Rịa-Vũng Tàu: Giá thịt lợn, gà tăng, người chăn nuôi kỳ vọng vào vụ Tết

21/10/2024 07:21

Giá bán và nhu cầu tiêu thụ thịt lợn, gà gần đây tăng cao, đây là thời điểm tốt để các trang trại, hộ chăn nuôi ở Bà Rịa-Vũng Tàu tái đàn, bảo đảm nguồn cung cho thị trường, nhất là dịp Tết.

Chuẩn bị cho dịp Tết, anh Mai Xuân Du, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc nuôi 300 con lợn. Công tác vệ sinh chuồng trại, phun thuốc khử trùng và tiêm vaccine phòng bệnh được anh đặt lên hàng đầu. (Ảnh: Hoàng Nhị/ TTXVN)

Chuẩn bị cho dịp Tết, anh Mai Xuân Du, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc nuôi 300 con lợn. Công tác vệ sinh chuồng trại, phun thuốc khử trùng và tiêm vaccine phòng bệnh được anh đặt lên hàng đầu. (Ảnh: Hoàng Nhị/ TTXVN)

 

Hiện nay, giá lợn hơi ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang ở mức cao 64.000-65.000 đồng/kg, giá gà ta đang ở mức 85.000-95.000 đồng/kg,

Với giá bán này, người chăn nuôi đang có lợi nhuận, nhiều trang trại, hộ chăn nuôi trong tỉnh đã và đang tích cực tái đàn, tăng đàn, chuẩn bị nguồn cung phục vụ nhu cầu thị trường tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm thuận lợi cho các loại dịch bệnh trên gia súc gia cầm bùng phát, do đó người nuôi đang tăng cường phòng dịch để bảo đảm đạt hiệu quả cao nhất.

Giá lợn hơi hiện đang dao động từ 64.000-65.000 đồng/kg, cao hơn 10.000-12.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giá này cũng duy trì ổn định nhiều tháng nay, giúp người chăn nuôi có lợi nhuận tốt, chính vì vậy, nhu cầu tái đàn của các hộ dân cũng tăng theo, đặc biệt là nuôi bán vào dịp Tết.

Gia đình anh Mai Xuân Du, ở xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, đang nuôi 560 con lợn; trong đó có 300 con lợn để cung cấp cho thị trường Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025. Theo anh Du, với giá lợn như hiện tại, trung bình mỗi con lợn sau khi xuất bán, người nuôi sẽ có lãi từ 1,5-1,7 triệu đồng.

Chăn nuôi có lãi nên phòng dịch cũng được anh Du chú trọng hơn, tăng cường phun xịt khử trùng chuồng trại, tiêm vaccine và bổ sung vitamin, khoáng chất vào thức ăn cho đàn lợn.

Theo anh Du, chăn nuôi lợn vụ Tết, thời tiết lạnh, thường có mưa bão nên phòng dịch được anh ưu tiên hàng đầu. Chính vì vậy, trước khi tái đàn, anh tiến hành phun xịt khử trùng, vệ sinh toàn bộ chuồng trại cũng như các trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi nhằm hạn chế tối đa điều kiện phát sinh dịch bệnh.

"Hiện nay tôi không lo về giá cả thị trường mà lo nhất là dịch bệnh nên phòng dịch, an toàn sinh học luôn được người chăn nuôi như chúng tôi chú ý hàng đầu. Một tuần sát khuẩn 3 lần, thường xuyên tắm sạch sẽ cho đàn lợn, vệ sinh chuồng trại hằng ngày."

Được cung cấp con giống chất lượng lại bao tiêu đầu ra với giá cả ổn định nên chuẩn bị cho vụ Tết này, ông Trần Thanh Bình, ở ấp Nhân Hòa, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc đã mạnh dạn tăng gấp đôi số lượng gà để bán dịp Tết.

Hiện ông Bình đang nuôi 2.500 con gà Tàu Vàng - giống gà bản địa, nuôi phổ biến ở các tỉnh miền Nam, tăng 1.500 con so với vụ Tết năm ngoái.

Theo ông Bình, với giá bán ổn định thường ngày từ 85.000-95.000 đồng/kg; dịp Tết khoảng 100.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi lứa gà 1.000 con ông lãi khoảng 30 triệu đồng.

Như vậy, nếu thuận lợi, ước vụ Tết này ông sẽ thu gần 80 triệu đồng. Hiện phòng dịch cho đàn gà luôn được ông Bình chú trọng thực hiện.

 

TTXVN_Ba Ria Vung Tau dan lon chan nuoi 2.jpg

Anh Nguyễn Văn Lý, xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ chăm sóc đàn gà chuẩn bị cho vụ Tết. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Theo nhận định của ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, từ đầu năm đến nay tình hình kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc và gia cầm ở các địa phương trong tỉnh đang được thực hiện rất hiệu quả.

Do vậy, tổng đàn lợn của tỉnh hiện đang có gần 409.000 con và 6,87 triệu con gia cầm tăng 4% so cùng kỳ, đảm bảo 40% nhu cầu của địa phương và 60% xuất đi các tỉnh.

Giá bán và nhu cầu tiêu thụ thịt lợn, gà những tháng trở lại đây tăng cao so với trước. Vì vậy, đây là thời điểm tốt để các trang trại, hộ chăn nuôi tái đàn, khôi phục sản xuất, bảo đảm nguồn cung cho thị trường, đặc biệt là trong dịp Tết sắp tới.

Tuy nhiên, những tháng cuối năm, thời tiết diễn biến thất thường khiến dịch bệnh phát triển. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi dù giảm nhưng vẫn còn ở mức cao so với trước, đẩy chi phí chăn nuôi tăng lên, chính vì vậy, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo người chăn nuôi vẫn cần thận trọng, tính toán mức độ tăng đàn hợp lý.

Song song đó, cần tăng cường phòng, chống dịch bệnh; ngoài việc tiêm vaccine phòng bệnh định kỳ, người chăn nuôi phải tiêm phòng bổ sung khi tái đàn; tiến hành tiêu độc khử trùng chuồng trại.

Khi phát hiện dịch bệnh phải thông báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý, không để dịch bệnh lan ra diện rộng.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng khuyến khích người chăn nuôi thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chú trọng bảo đảm chất lượng và phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết từ khâu chăn nuôi đến giết mổ, sơ chế, chế biến và tiêu thụ./.

 

Nguồn: vietnamplus.vn

Viết bình luận mới