Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời về củng cố 'ba chân kiềng' của ngành Y tế
12/11/2024 17:39
Tại phiên chất vấn sáng 12/11, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội; trong đó có vấn đề khắc phục những khó khăn của ngành Y tế như: Thiếu thuốc, vaccine, vấn đề phụ cấp ngành Y tế, năng lực ứng phó với dịch bệnh…
Tại phiên chất vấn sáng 12/11, trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh về việc khắc phục các khó khăn trong các lĩnh vực y tế dự phòng, điều trị; việc thiếu thuốc… Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: “Ba chân kiềng: Dự phòng - điều trị - cung ứng là 3 mảng công tác lớn của ngành Y tế. Để triển khai, khắc phục, củng cố ngành Y tế sau dịch COVID-19; các lĩnh vực này đều được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo bằng nhiều văn bản. Sau dịch COVID-19, những vướng mắc chưa có quy định, những vấn đề còn lúng túng khi triển khai trong tình huống cấp bách đã được rà soát, đưa vào văn bản pháp luật. Với lĩnh vực dự phòng, Bộ Y tế đang xây dựng Luật Dự phòng thay thế Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm để trình Quốc hội, dự kiến trong năm 2025. Về chữa bệnh, Luật Khám chữa bệnh sửa đổi 2023 đã giải quyết được nhiều vấn đề thực tế.
Về đảm bảo cung ứng, Luật Dược, Luật Trang thiết bị y tế, Luật Đấu thầu… thời gian qua đã được Quốc hội thông qua, tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ cho các hoạt động triển khai, thực hiện.
Bên cạnh việc hoàn thiện về luật pháp, nhiều chiến lược như Chiến lược chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân, chiến lược phát triển ngành Dược, đẩy mạnh công tác dự phòng theo Nghị quyết 99 của Quốc hội và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đã đưa ra nhiều giải pháp củng cố và phát triển hệ thống "Ba chân kiềng".
Bộ Y tế đang phối hợp với ngành Y tế các địa phương, chính quyền để chỉ đạo việc triển khai nâng cao năng lực của hệ thống y tế trên tất cả các mặt, để đáp ứng công tác khám, chữa bệnh, nhu cầu ngày càng cao trong bối cảnh thách thức ngày càng lớn của ngành Y tế thời gian tới.
Về thắc mắc của đại biểu việc bệnh nhân thiếu thuốc bao giờ được thanh toán, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết: Hiện Luật Dược, Luật bảo hiểm y tế sửa đổi đã đưa ra các nội dung này để thực hiện. Bộ Y tế cũng ban hành Thông tư 22 về hỗ trợ người bệnh trong các trường hợp thiếu thuốc, vật tư y tế, đã tương đối đầy đủ.
Về vấn đề bùng phát dịch sởi do thiếu vaccine, theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, sau dịch COVID-19, nhiều dịch bệnh đã bùng phát do miễn dịch của người dân giảm sau thời gian giãn cách. Chương trình Tiêm chủng mở rộng cũng triển khai rộng rãi trên toàn quốc. Thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan triển khai mua sắm vaccine phòng sởi và các vaccine trong chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Riêng với bệnh sởi, ngoài triển khai trong tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế đã phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới và đã được hỗ trợ thêm hơn 1,3 triệu liều vaccine sởi để tiêm cho các đối tượng trẻ ngoài độ tuổi tiêm chủng (từ 1-10 tuổi). Hiện nay, Bộ Y tế đã cho phép tiêm vaccine sởi cho trẻ 6-9 tháng tuổi tại TP Hồ Chí Minh để tăng cường miễn dịch cho trẻ. Các chương trình tiêm bổ sung đã được các tỉnh, thành phố triển khai đồng loạt.
Trả lời về vấn đề thu nhập của nhân viên y tế dự phòng hiện nay Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết: “Bộ Y tế đã có các văn bản đề xuất sửa đổi. Bộ mong muốn trong cải cách tiền lương có quy định nhân viên ngành y tế học 6 năm ra làm việc sẽ được xét luôn lương bậc 2 để không bị thiệt thòi so với những ngành khác cử nhân chỉ học 4 năm. Bộ Y tế đề nghị Bộ Nội vụ, Chính phủ ủng hộ chính sách này. Các quy định liên quan đến phụ cấp, tiền trực… Bộ Y tế cũng đang có đề xuất nâng lên, góp phần giảm tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc”.
Về việc nếu có dịch bệnh tiếp tục xuất hiện, ngành Y tế có tự tin ứng phó hay không? Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định: Chắc chắn phải làm, phải ứng phó. Các giải pháp đang được rà soát, triển khai đồng bộ để củng cố lại năng lực của hệ thống y tế.
“Trong đợt bão lớn Yagi vừa qua cũng khẳng định, trước những khó khăn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, ngành Y tế đều không chùn bước. Đó là những cố gắng, nỗ lực chung của tất cả nhân viên ngành Y tế trong việc bảo vệ sức khỏe người dân. Trong thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, tinh thần này đều đã được phát huy. Đây cũng là lời hứa của ngành Y tế đối với cử tri cả nước, với Đảng, Quốc hội và Chính phủ”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Sản xuất các sản phẩm công nghiệp số trọng điểm của quốc gia
Sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp
Nối dài tình nhân ái, san sẻ yêu thương
Thời tiết ngày 23/11: Mưa to khả năng gây ngập lụt tại vùng trũng Trung Bộ
Chủ tịch Đại hội đồng LHQ chúc mừng Việt Nam trúng cử UNCITRAL
Tuyên bố chung giữa Thủ tướng Việt Nam và Tổng thống Cộng hòa Dominicana
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi): Cần giảm tối đa về thuế cho ngành báo chí
Nhu cầu sử dụng thuốc y học cổ truyền đạt chuẩn rất lớn
Thời tiết ngày 22/11: Mưa to diện rộng tại Trung Trung Bộ
Khắc phục cơ chế 'xin-cho' trong thực hiện dự án nhà ở thương mại