Ai là người được giám sát quá trình làm việc của lực lượng CSGT sau ngày 15/11
13/11/2024 15:21
Từ ngày 15/11 tới đây, người dân sẽ không còn được ghi âm, ghi hình để giám sát quá trình làm việc của lực lượng CSGT theo Thông tư 46 của Bộ Công an.
Để hiểu hơn về Thông tư trên, phóng viên báo Tin tức đã có cuộc phỏng vấn với luật sư Hà Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh.
Thưa Luật sư, Thông tư 46/2024/TT-BCA của Bộ Công an sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 15/11 tới đây, trong đó có một số sửa đổi và bổ sung cho Thông tư 67/2019/TT-BCA. Luật sư có thể cho biết một số điểm mới mà người dân cần lưu ý?
Trong Thông tư 46, có hai nội dung sửa đổi đáng chú ý mà người dân, đặc biệt là những người điều khiển phương tiện giao thông, cần quan tâm.
Thứ nhất là quy định về việc ghi âm, ghi hình. Theo Thông tư 46, người dân bị nghiêm cấm thực hiện việc ghi âm, ghi hình trong quá trình làm việc của lực lượng CSGT.
Thứ hai, Thông tư 46 cũng bãi bỏ yêu cầu về việc lực lượng CSGT phải có kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm theo chuyên đề giao thông khi lập chốt kiểm tra như trước đây quy định trong Thông tư 67.
Đối với hai nội dung trên, chúng tôi nhận thấy rằng người dân cần có sự hiểu biết chính xác. Trước đây, khi lực lượng CSGT lập chốt kiểm tra, người dân thường có thể yêu cầu cung cấp tài liệu và chuyên đề liên quan. Việc bỏ đi những yêu cầu này giúp giảm thiểu các thủ tục hành chính phức tạp, tạo điều kiện cho cơ quan CSGT thực thi nhiệm vụ hiệu quả hơn. Người dân không nên quá ngạc nhiên, vì đây là những quy định nội bộ của ngành. Quan trọng là lực lượng CSGT cần làm việc một cách công khai, minh bạch, khách quan và đúng theo chức năng nhiệm vụ; khi đó, người dân nên ủng hộ.
Quyền và nghĩa vụ của người dân trong việc giám sát CSGT bằng ghi âm, ghi hình cần được hiểu như thế nào để đảm bảo đúng quy định pháp luật, thưa luật sư?
Theo Thông tư mới, quy định cấm ghi âm, ghi hình trong một số trường hợp đã được ban hành. Tuy nhiên, cần hiểu rằng việc này vẫn tuân theo các quy định pháp luật hiện hành. Người dân có quyền tự do cá nhân và quyền giám sát hoạt động của các cơ quan chức năng, bao gồm cả lực lượng CSGT khi thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, một bộ phận người dân có thể do thiếu hiểu biết pháp luật, hoặc cố tình vi phạm, thực hiện hành vi cản trở hoạt động bình thường của cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là lực lượng CSGT.
Ví dụ, nếu một người lái xe ôm hoặc YouTuber không có quyền lợi hợp pháp liên quan mà tự ý ghi hình CSGT khi đang thực thi nhiệm vụ rồi phát tán trên các nền tảng như Facebook hay YouTube, sẽ dễ tạo ra dư luận sai lệch, xuyên tạc hoạt động của lực lượng CSGT, gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của cá nhân và tổ chức. Những hành vi lợi dụng mạng xã hội để câu lượt xem, gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của tổ chức và cá nhân, tùy mức độ sẽ bị xử phạt hành chính hoặc có thể xử lý hình sự với mức phạt từ 3 đến 5 năm.
Người có quyền lợi liên quan, như người trực tiếp bị dừng xe mà không có vi phạm, có quyền ghi âm, ghi hình, vì đây là hành động nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Tuy nhiên, trước khi ghi âm, ghi hình, người dân cần thông báo cho CSGT biết để có thể sử dụng làm chứng cứ, cung cấp cho luật sư khi cần khiếu nại hoặc khởi kiện nếu phát hiện sai phạm. Tư liệu này nên được gửi đến các cơ quan có thẩm quyền thay vì phát tán trên mạng xã hội.
Luật sư nhận định thế nào về việc người dân phát tán hình ảnh, ghi âm, ghi hình quá trình làm việc của CSGT lên mạng xã hội?
Hiện nay, mạng xã hội ngày càng phát triển và có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội. Bên cạnh lợi ích tích cực, mặt tiêu cực cũng đáng kể. Nhiều người đã lợi dụng mạng xã hội để lan truyền các thông tin và hình ảnh sai lệch, vi phạm thuần phong mỹ tục. Từ góc độ pháp luật, chúng tôi cho rằng các quy định hiện hành vẫn chưa đủ để giải quyết triệt để vì đây là hiện tượng mới và cần các quy định cụ thể hơn để cơ quan chức năng có thể can thiệp, xử lý hoặc răn đe hiệu quả.
Việc vi phạm trên không gian mạng ngày càng đa dạng và phức tạp, trong khi pháp luật mới chỉ quy định cho từng hành vi cụ thể. Điều này gây khó khăn cho người thi hành công vụ trong việc áp dụng luật để xử phạt. Vì thế, việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật là rất quan trọng để người dân tham gia mạng xã hội hiểu rõ quyền hạn của mình và những giới hạn cần tuân thủ vì lý do trật tự công cộng, an ninh quốc gia…
Bên cạnh đó, Quốc hội và Chính phủ cũng cần nghiên cứu, ban hành, sửa đổi các quy định pháp luật sao cho phù hợp với thực tiễn để người thi hành công vụ có đầy đủ công cụ xử lý các hành vi vi phạm.
Thưa Luật sư, người dân cần lưu ý gì sau khi Thông tư 46 của Bộ Công an có hiệu lực từ ngày 15/11 tới đây?
Nếu người dân có quyền lợi trực tiếp liên quan đến việc bị lực lượng CSGT chặn xe và chuẩn bị lập biên bản xử phạt, mà người dân cho rằng không có lỗi, họ có quyền ghi âm, ghi hình để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Tuy nhiên, trước khi thực hiện việc này, người dân cần thông báo cho cơ quan chức năng biết. Đối với những người không liên quan như xe ôm, YouTuber tự ý chạy tới ghi hình, bình luận lên mạng xã hội là hành vi không được phép vì luật mới đã cấm. Lực lượng chức năng có quyền ngăn chặn nếu hành vi ghi âm, ghi hình này có dấu hiệu gây mất trật tự công cộng hoặc chống người thi hành công vụ.
Đối với người có liên quan trực tiếp, việc ghi âm, ghi hình khi tham gia giao thông cần lưu ý sử dụng tư liệu này đúng mục đích và đúng quy định. Nhiều trường hợp người dân vì bức xúc đã đưa tư liệu lên mạng xã hội, gây ra các phản hồi sai lệch, kích động, đây là hành vi vi phạm. Theo quy định của pháp luật, người dân có thể sử dụng ghi âm, ghi hình làm chứng cứ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình khi khiếu nại hoặc khởi kiện, nhưng cần gửi đúng nơi, đúng địa chỉ. Đây là cách làm đúng và được pháp luật bảo vệ.
Trân trọng cảm ơn Luật sư!
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Sản xuất các sản phẩm công nghiệp số trọng điểm của quốc gia
Sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp
Nối dài tình nhân ái, san sẻ yêu thương
Thời tiết ngày 23/11: Mưa to khả năng gây ngập lụt tại vùng trũng Trung Bộ
Chủ tịch Đại hội đồng LHQ chúc mừng Việt Nam trúng cử UNCITRAL
Tuyên bố chung giữa Thủ tướng Việt Nam và Tổng thống Cộng hòa Dominicana
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi): Cần giảm tối đa về thuế cho ngành báo chí
Nhu cầu sử dụng thuốc y học cổ truyền đạt chuẩn rất lớn
Thời tiết ngày 22/11: Mưa to diện rộng tại Trung Trung Bộ
Khắc phục cơ chế 'xin-cho' trong thực hiện dự án nhà ở thương mại