Bệnh về hô hấp gia tăng khi thời tiết chuyển mùa
14/12/2024 13:59
Trong những tuần gần đây, thời tiết các tỉnh phía Nam chuyển lạnh. Các bác sĩ cảnh báo đây là thời điểm trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp và nếu không được điều trị kịp thời, bệnh dễ chuyển biến nặng.
Sau hơn một tháng nằm điều trị tại khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh), bé Quỳnh Anh (19 tháng tuổi, quê Bình Định) đã hồi phục và chuẩn bị được xuất viện vào cuối tuần này. Chị Thu Nguyệt - mẹ bé Quỳnh Anh cho biết, trước đó ở nhà bé bị sốt, ho, sổ mũi và điều trị tại bệnh viện địa phương không hết nên gia đình xin chuyển vào Bệnh viện Nhi đồng 2. Tại đây, bác sĩ cho biết bé bị viêm phổi hoại tử, tràn dịch.
Trong khi đó, thấy cậu con trai ho, sốt nhẹ nên chị Nguyễn Thị Trang (ngụ Bình Dương) cho con uống thuốc hạ sốt và siro ho. Tuy nhiên, cứ hết thuốc hạ sốt thì con trai chị lại sốt cao hơn nên chị đã phải đưa con vào Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) khám và được chỉ định nhập viện.
“Lúc đầu tôi cứ nghĩ do mấy nay thời tiết lạnh nên bé chỉ bệnh nhẹ thôi, tôi cho bé uống thuốc không hết nên đưa bé đi khám và nhập viện, truyền thuốc được 2 ngày. Hiện bé cũng đỡ hơn rồi”, chị Trang nói.
Đang chăm con trai 3 tuổi đang nằm điều trị gần một tuần nay ở Bệnh viện Nhi đồng 2, chị Trâm Khanh (ngụ Bình Định) cho biết, trước đó, con chị nằm điều trị tại bệnh viện dưới tỉnh gần một tháng không hết nên chị đưa vào TP Hồ Chí Minh để khám. “Ở ngoài quê thời tiết mưa nắng thất thường nên tôi cứ nghĩ bé bệnh nhẹ. Thấy bé sốt, ho có đờm, bị chảy máu mũi và máu tai nên tôi đưa bé đi khám. Bác sĩ cho biết bé bị viêm phế quản, áp xe phổi và hoại tử”, chị Trâm Khanh nói.
Theo BS.CK2 Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng khoa Hô hấp 1 Bệnh viện Nhi đồng 2, thời tiết chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn phát triển, dẫn đến các bệnh hô hấp có chiều hướng gia tăng. Thông thường, tỷ lệ trẻ nhập viện mắc bệnh hô hấp trên và dưới cao hơn so với thời điểm đầu năm và giữa năm. Hiện tại khoa đang có khoảng 170 - 200 bệnh nhi, trong đó có khoảng 10% trường hợp nặng.
“Trung bình mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận 30 bệnh nhi chủ yếu là trẻ mắc bệnh viêm phổi, viêm tiểu phế quản cấp, hen. Đây là những bệnh thường gặp phải nhập viện. Với trẻ viêm đường hô hấp dưới sẽ có biểu hiện khó thở dẫn đến mức độ suy hô hấp nặng khi nhập viện và phải hỗ trợ hô hấp, thở oxy, nặng hơn phải thở máy”, bác sĩ Phong cho biết thêm.
BS.CK2 Nguyễn Hoàng Phong nhận định, trẻ thường nhập viện muộn do phụ huynh chủ quan bỏ qua các triệu chứng ban đầu của bệnh như sốt nhẹ, ho, sổ mũi, chảy mũi… Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình chẩn đoán, điều trị bệnh và khiến trẻ sẽ dễ gặp những biến chứng nguy hiểm.
Theo đó, bác sĩ Phong khuyến cáo, ngay khi trẻ có những triệu chứng như sốt, ho, sổ mũi, nghẹt mũi… phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để kịp thời được thăm khám và có hướng xử trí kịp thời. Phụ huynh tuyệt đối không chủ quan, không tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ. Đặc biệt lưu ý các dấu hiệu trở nặng như khi trẻ thở nhanh, khó thở, sốt cao khó hạ, bỏ bú hoặc bỏ ăn...
“Để phòng ngừa bệnh viêm phổi do virus, vi khuẩn do thời tiết chuyển mùa phụ huynh lưu ý cho trẻ uống đủ nước theo yêu cầu, bổ sung thêm vitamin trái cây. Bên cạnh đó, trong thời điểm mùa lạnh như hiện tại, chúng ta cần giữ ấm cho trẻ, vệ sinh nơi sinh sống, đồ chơi sạch sẽ. Ngoài ra, hạn chế đi đến những nơi đông người. Đặc biệt hơn, khi trẻ có những triệu chứng của bệnh lý đường hô hấp như sốt nhẹ, ho, sổ mũi cần đưa đến các cơ sở y tế để được thăm khám sớm và có hướng xử lý kịp thời tránh tình trạng trẻ trở nặng khi vào viện sẽ khó điều trị”, bác sĩ Nguyễn Hoàng Phong nhấn mạnh.
BS.CK1 Lê Công Thiên, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, tình hình thời tiết thay đổi như thời gian qua khiến tỷ lệ bệnh nhiễm siêu vi hô hấp có sự gia tăng. Khởi đầu trẻ có thể có các triệu chứng như sốt, ho, sổ mũi… phụ huynh có thể chủ động chăm sóc trẻ tại nhà. Tuy nhiên, khi trẻ sốt cao khoảng 39 - 40 độ C kèm theo ho nhiều, nghẹt mũi, khó thở hoặc dấu hiệu tiêu hóa, bỏ ăn thì đây là dấu hiệu cảnh báo, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám.
Bác sĩ Thiên khuyến cáo người nhà không lạm dụng thuốc mà cần uống đúng liều theo chỉ định của bác sĩ. Chẳng hạn, trẻ sốt và đã uống thuốc hạ sốt mà chưa hạ, phụ huynh không được sốt ruột cho trẻ dùng thêm thuốc, bởi thuốc hạ sốt dùng quá liều có thể ảnh hưởng đến gan. Bác sĩ lưu ý, sau 2 - 3 ngày trẻ không đáp ứng hoặc các triệu chứng trở nặng, phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên nhi khoa để thăm khám.
Theo lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, tại một số bệnh viện chuyên khoa nhiễm và khoa nhi trên địa bàn thành phố đã ghi nhận các trường hợp viêm phổi nhập viện. Trước tình hình và diễn biến bệnh qua đường hô hấp có chiều hướng khó lường, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề nghị các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố tập trung triển khai một số biện pháp phòng, chống dịch.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện giám sát các trường hợp nghi ngờ viêm phổi nặng do virus (SVP) trên địa bàn thành phố đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế; đồng thời định kỳ báo cáo kết quả giám sát và đề xuất các nội dung nhắc nhở, chấn chỉnh các đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện chưa nghiêm.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Hội thi “Em thuyết trình tiếng Việt” dành cho học sinh dân tộc thiểu số cấp tiểu học
Đối thoại Đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 8
Dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025, dự kiến cần 80.000 đơn vị máu
Những từ khóa tìm kiếm và lướt web của người Việt Nam trong năm 2024
Thời tiết ngày 14/12: Bắc Bộ, Trung Bộ trời rét đậm, vùng núi rét hại
Việt Nam công bố tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2026-2028
Không thể xuyên tạc chủ trương phát triển văn hóa
Quân đội Nhân dân Việt Nam là hình mẫu anh dũng, kiên cường, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc
Khẩn trương cân đối nguồn kinh phí thực hiện xóa nhà tạm
Tinh gọn bộ máy: Không thể 'xếp hàng xong mới chạy'!