Tuyên truyền sinh động, thiết thực gắn liền với thực tiễn của địa phương, đơn vị

11/07/2020 08:08

640 điểm cầu trong cả nước, với 3 điểm cầu của Ban Tuyên giáo Trung ương tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh; 55 điểm cầu cấp tỉnh; 234 điểm cầu cấp huyện và 350 điểm cầu cấp xã đã tham gia Hội nghị trực tuyến Báo cáo viên Trung ương tháng 7/2020 diễn ra ngày 9/7.

Đáng chú ý, một số tỉnh ủy mở nhiều điểm cầu như: Lạng Sơn (194 điểm cầu), Sóc Trăng (121 điểm cầu); Quảng Ninh (54 điểm cầu); Hà Nội (29 điểm cầu); Kon Tum (24 điểm cầu); Tây Ninh (21 điểm cầu)…

Tăng trưởng kinh tế thấp nhưng vẫn ở mức tăng trưởng dương

 Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương thông tin chuyên đề tại điểm cầu Hà Nội (Ảnh: HNV)

Tại Hội nghị lần này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương đã thông tin chuyên đề về “Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối 2020”. Theo Thứ trưởng, sự bùng phát và lây lan nhanh của dịch bệnh COVID -19 đã khiến cho tăng trưởng kinh tế thế giới âm, lưu lượng hàng hóa giảm,... Riêng với Việt Nam, không nằm ngoài quy luật tác động đó, nước ta cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Cụ thể, về nguồn cung, đóng cửa đầu vào, không lưu chuyển - vận chuyển hàng hóa, hàng hóa sản xuất ra không bán được, nhiều lao động phải nghỉ việc. Đặc biệt, với việc xác định du lịch là ngành mũi nhọn, thì dịch COVID-19 đã đánh đòn mạnh do toàn bộ lượng khách quốc tế không thể di chuyển. Cùng với du lịch chịu tác động nặng nề, cũng phải kể đến những ngành, lĩnh vực khác chịu ảnh hưởng đáng kể, thậm chí “điêu đứng” như: ngành hàng không; ngành thương mại; ngành xây dựng; các dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí tạm dừng.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ KH&ĐT, quý I/2020, cả nước tăng trưởng kinh tế đạt 3,8%, sang quý II/2020, bước vào giai đoạn chống dịch, thực hiện giãn cách xã hội, tăng trưởng tháng 6 rất thấp chỉ đạt 0,38%. Tính chung mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm nay thấp nhất trong tăng trưởng kinh tế của nước ta từ trước tới nay. Ngoài tác động của dịch bệnh COVID-19, nước ta còn chịu ảnh hưởng không nhỏ của dịch tả lợn châu Phi, tình trạng xâm nhập mặn.

Đáng chú ý, công nghiệp chế biến chế tạo là nguồn đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng, lượng hàng hóa bán được, sản xuất được rất ít, tỉ lệ tồn kho hiện tại cao (tới 30%, trong khi thông thường, lượng dự trữ chỉ khoảng 10%).

Thêm vào đó, các chỉ tiêu vĩ mô, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đều đi xuống, xuất hiện một số nguy cơ lạm phát trong những tháng cuối 2020 khi học phí tăng do nhiều trường thực hiện tự chủ thu – chi…

Tuy nhiên, điểm tích cực của kinh tế nước ta 6 tháng đầu 2020 là thu, chi ngân sách, cân đối được đảm bảo. Các chính sách của nhà nước đưa ra như miễn giảm một số ngành trong sản xuất kinh doanh; giảm 10% trong chi các khoản; giảm lãi suất huy động…

Liên quan tới công tác tuyên truyền, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, tới đây, Bộ mong muốn công tác tuyên truyền tập trung vào đẩy mạnh đầu tư công hiệu quả.

“Tập thể lãnh đạo Bộ cũng xác định từ nay đến cuối năm, không được phép chủ quan, vẫn nêu cao tinh thần chống dịch, không để dịch bùng phát đợt 2; tính toán kỹ các phương án phục hồi và phát triển kinh tế cũng như chuẩn bị tốt cho Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng” – Thứ trưởng Phương nói.

Vị thế Việt Nam được nâng cao khi bước đầu kiểm soát dịch bệnh COVID-19

Các đại biểu dự điểm cầu tại Ban Tuyên giáo Trung ương, Hà Nội (Ảnh: HNV) 

Thông tin chuyên đề về “Tình hình thế giới và hoạt động đối ngoại của Đảng; Nhà nước 6 tháng đầu 2020; dự báo tình hình thế giới và nhiệm vụ công tác đối ngoại 6 tháng cuối 2020, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết: đại dịch COVID-19 có ảnh hưởng mang tính toàn cầu hết sức phức tạp. Từ tác động của dịch bệnh, sự lo ngại về khủng hoảng kinh tế, bất ổn an ninh xã hội; cạnh tranh thương mại ngày càng cao nhất là với sự “đứt gãy” quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, toàn cầu hóa hội nhập quốc tế vẫn là xu hướng khách quan và tiếp tục được đẩy mạnh.

Dịch bệnh COVID-19 dẫn tới sự điều chỉnh quan hệ hợp tác quốc tế, như: điều chỉnh đầu tư giữa các nước (một số nước điều chuyển giao dịch kinh doanh từ Trung Quốc sang các nước khác. Tuy nhiên, Trung Quốc có nhiều thế mạnh nên một số một số nước vẫn giữ nguyên); sự điều chỉnh lại quan hệ theo hướng an toàn, nhân văn và dựa vào truyền thống để phát triển. Đặc biệt, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhắc đến vấn đề an ninh phi truyền thống với các nội dung về an ninh, an toàn kinh tế; an ninh mạng (tình hình an ninh mạng cần bảo mật nghiêm trọng); an ninh nguồn nước (hạn hán, xâm nhập mặn, ảnh hưởng tới an ninh lương thực, sự phối hợp giữa các bộ chủ quản giữa các vùng bị ảnh hưởng của các nước thượng nguồn giữa các nước ở khu vực sông Mê Công mà Việt Nam cần phải hết sức chú ý trong bối cảnh hiện nay.

Khái quát về công tác đối ngoại 6 tháng qua, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ khẳng định, Việt Nam đã bám sát trọng tâm, tổ chức các hoạt động họp trực tuyến thông tin đối ngoại chặt chẽ, đặc biệt, đẩy mạnh đối ngoại hơn trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp (Việt Nam đã gửi 18 điện thư của Đảng, Nhà nước chia sẻ với các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, chủ trì 16 Hội nghị đa phương trực tuyến, hỗ trợ khẩu trang, máy thở và nhập thiết bị từ 8 nước, dùng dòng vốn đầu tư nước ngoài một cách linh hoạt trong bối cảnh đại dịch; chủ động, tích cực hợp tác đối tác bằng các hình thức trực tuyến nhất là với nước láng giềng như Lào, Campuchia.

Riêng với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã ứng phó với tình trạng khẩn cấp trong phòng, chống dịch COVID-19 bước đầu khá hiệu quả; ứng dụng công nghệ bằng việc mở các hội nghị, tọa đàm theo hình thức trực tuyến; phối hợp với các nước trong khu vực về phòng chống dịch (lập hành lang đi lại giữa các quốc gia, truy xuất nguồn gốc lây nhiễm, nghiên cứu thuốc phòng dịch…)

Thực hiện tuyên truyền sinh động, thiết thực, gắn liền với thực tiễn của đơn vị, địa phương

 Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng phát biểu kết luận Hội nghị (Ảnh: HNV) 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng yêu cầu các cấp Ban Tuyên giáo, nhất là lực lượng báo cáo viên cần bám sát nhiệm vụ trọng tâm để định hướng tuyên truyền một cách sinh động, thiết thực hơn, gắn tình hình thực tiễn vào đơn vị, địa phương.

Đồng chí Lê Mạnh Hùng nhắc nhở, trong trong thời điểm bùng nổ thông tin, với vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, lực lượng báo cáo viên cần ý thức một cách sâu sắc rằng thông tin để phản ánh, để miêu tả sự việc, và đặc biệt là thông tin kiến giải để tìm ra bản chất của vấn đề. Trong bối cảnh công nghiệp 4.0 như hiện nay, càng cần phải chủ động, linh hoạt và sáng tạo hơn trong tiến hành tuyên truyền, vận động nhân dân nói chung và đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng.

Phó Trưởng Ban Lê Mạnh Hùng cũng chỉ rõ, tới đây, tiếp tục quan tâm tuyên truyền, báo cáo với các đối tượng cần tuyên truyền về đại hội cơ sở, tuyên truyền Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng; tuyên truyền 5 điểm mới trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng; tuyên truyền những kết quả tích cực ở cấp cơ sở và cấp trên cơ sở (Quán triệt đầy đủ Chỉ thị 35-CT/TW, cả về công tác nhận sự, chỉ đạo điều hành). Song song, báo cáo, đánh giá sát đúng, đề ra giải pháp trọng tâm và đột phá trong góp ý văn kiện (các tỉnh vận động nhân dân đóng góp tích cực vào văn kiện đại hội của cấp mình, địa phương mình, cơ quan, đơn vị mình). Lần này báo cáo của các địa phương có nhiều tín hiệu lạc quan hơn về kinh tế, chính trị, văn hóa… Tuy nhiên, trong kiểm điểm đánh giá chỉ đạo, phải nêu rõ khuyết điểm rõ ràng, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm đồng thời xác định khâu đột phát, giải quyết tức thời ngay tại mỗi cơ quan, đơn vị, đặc biệt chú trọng xây dựng khối đoàn kết, dân chủ, trong đó, coi trọng chất lượng đánh giá cán bộ.

Tiếp theo, cần tập trung tuyên truyền Chỉ thị số 46-CT/TW về Hội đồng nhân dân các cấp; tuyên truyền về công cuộc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; tập trung tuyên truyền kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7); kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Hữu Thọ; kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của đồng chí Nguyễn Duy Trinh; kỷ niệm 90 năm Ngày Truyền thống ngành Tuyên giáo (1/8)…/.

 
Hà Anh
Nguồn dangcongsan.vn
Viết bình luận mới