Thừa Thiên Huế: Hai cổng vòm mới phát hiện là nơi đặt đại pháo

05/07/2020 14:08

Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế ngày 04/7 cho biết, qua nghiên cứu các nguồn tư liệu, nhất là với ảnh bản đồ và mô tả cụ thể của Ardant du Picq, khẳng định hai cửa vòm mới phát hiện là đại pháo môn của vệ binh triều Nguyễn (cửa đặt đại pháo) tại Đông Thành Thủy Quan.

Linh mục Cadière gọi tên là cửa tả và cửa hữu, đánh dấu số 121 trên bản đồ kinh thành Huế, cùng với 13 pháo môn (dạng lỗ tròn) còn lại trên lan can của cầu Lương Y, tạo thành lá chắn phòng thủ khá chắc chắn cho một phần khu vực Đông Bắc kinh thành Huế.

Trước đó, một cổng vòm nằm bên phải cống Lương Y dạng vòm dày khoảng 60 cm, cao 108 cm, rộng 85 cm (phía dưới là những tảng đá xanh còn nguyên vẹn) đã phát lộ khi người dân sinh sống trên di tích Thượng Thành, phường Thuận Lộc, tự tháo dỡ nhà cửa để bàn giao mặt bằng cho chính quyền trong đề án “Di dời dân cư khu vực 1 Kinh thành Huế”.

 Hiện trường cổng vòm bên trái (Ảnh: Nguyễn Quyết)

Một chiếc cổng có kiến trúc tương tự, phía sau nhà bà Lê Thị Đào (số 126 đường Xuân 68) cũng được phát hiện cách cổng thứ nhất khoảng 80 m, bị bịt kín bởi lớp mái che nhà dân. Cả 2 cổng xây bằng gạch vồ.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế, Đông Thành Thủy Quan là khu vực phòng thủ trọng yếu của hệ thống kinh thành Huế xưa. Chắc chắn những cổng vòm này được xây dựng cùng thời điểm với kinh thành Huế bởi nó mang lối kiến trúc và cách thức xây dựng đồng dạng với kinh thành, có tính thẩm mỹ độc đáo. Tuy nhiên, có thể vì một số lý do bí mật về phòng thủ nên ít được nhắc đến.

 Cánh cổng bên phải Đông thành Thủy Quan bị che lấp bởi nhà dân. (Ảnh: Võ Thạnh)

Dữ liệu từ Phòng Nghiên cứu Khoa học, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế chỉ rõ, Đông Thành Thủy Quan được vua Minh Mạng xây dựng kiên cố trên nền chiếc cầu gỗ Thanh Long có từ thời vua Gia Long (1806) và chức năng, công năng sử dụng cũng thay đổi, trở thành một trong hai cống sập trọng yếu trong hệ thống Thủy lộ của Kinh thành (quan trọng hơn nhiều so với công năng giao thông đi lại của chiếc cầu gỗ Thanh Long cũ). Đáng chú ý, nó được canh giữ nghiêm ngặt khi thuyền Ngự đi ra khỏi thành để bắn pháo hiệu.

"Chúng tôi đã từng khảo sát hệ thống pháo đài trên kinh thành và lô cốt trên Thượng Thành, lưu giữ hình ảnh, trong đó có hai cổng này. Tới đây, Trung tâm sẽ có các giải pháp để tôn tạo, bảo vệ, trùng tu và phát huy giá trị 2 cổng vòm cùng các điểm di tích trong quần thể di tích cố đô Huế", ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cho hay./.

Anh Tuấn
Nguồn dangcongsan.vn
Viết bình luận mới