Phát triển thị trường xuất bản điện tử ở Việt Nam

27/01/2023 11:22

Hiện nay thị trường xuất bản phẩm điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ với nhiều hoạt động đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu đọc ngày càng cao của xã hội. Tuy nhiên, ở Việt Nam, thị trường xuất bản phẩm điện tử nhìn chung phát triển chưa xứng với tiềm năng.

Xuất bản điện tử là xu thế của phát triển

Ngày nay, hoạt động xuất bản của hầu hết các nước trên thế giới không nằm ngoài thời đại số hóa. Thậm chí, hoạt động xuất bản còn là một trong những hoạt động chịu tác động nhiều nhất, lớn nhất từ sự bùng nổ của khoa học, công nghệ trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Về cơ bản, xuất bản điện tử là hình thức xuất bản, phổ biến thông tin ở định dạng số và phân phối cho người dùng tiềm năng trên internet và mạng nội bộ hoặc ở các định dạng độc lập như CD-ROM và đĩa mềm. Các thông tin trong xuất bản số có thể là văn bản, số liệu, đồ họa, hình ảnh tĩnh hoặc chuyển động, video, âm thanh, thậm chí là sự tích hợp của tất cả những dạng thông tin này.

Xuất bản phẩm điện tử có những ưu điểm vượt trội hơn so với các ấn phẩm in truyền thống. Khi được tối ưu hóa trên các thiết bị lưu trữ điện tử, ưu điểm không thể phủ nhận của sách điện tử là khả năng tích hợp cao về nội dung, phương thức, hệ sinh thái, khả năng hỗ trợ tốt về công nghệ phù hợp nhu cầu hưởng thụ, tiếp cận của người dân. Mỗi thiết bị đọc có thể chứa hàng nghìn cuốn sách giúp độc giả có thể đọc mọi lúc, mọi nơi. Không những thế, độc giả cũng có thể chủ động điều chỉnh phông chữ lớn, nhỏ tùy thích, đọc ở trang chọn lựa và làm dấu trang đã đọc, liên kết (links) với những trang mạng để đọc thêm những tài liệu liên quan đến một chủ đề, một từ ngữ, kể cả nghe nhạc và xem các hình ảnh. Ngoài ra, xét về tính thương mại, sách điện tử có lợi thế hơn trong các phương thức phát hành và phân phối.

Xuất bản phẩm điện tử có những ưu điểm vượt trội hơn so với các ấn phẩm in truyền thống.  

Theo dự báo của nhiều nước phát triển, trong tương lai gần, xuất bản điện tử sẽ là một phương thức cơ bản của hoạt động xuất bản. Thực tế ngành xuất bản thế giới cũng cho thấy, các quốc gia có nền xuất bản phát triển hiện đại đều là những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực xuất bản số, xuất bản điện tử, tiêu biểu là các nước: Anh, Mỹ, Trung Quốc, Đức, Pháp... Xuất bản điện tử cũng là mô hình được dự báo có nhiều triển vọng phát triển ở Việt Nam, đáp ứng yêu cầu đổi mới hoạt động xuất bản và bảo đảm cho ngành xuất bản bắt kịp xu thế của thời đại.

Hướng phát triển xuất bản điện tử ở Việt Nam

Tuy còn mới mẻ, song vài năm trở lại đây, xuất bản phẩm điện tử của Việt Nam đang mở ra nhiều triển vọng mới cho ngành xuất bản. Sự phát triển của xuất bản phẩm điện tử ở Việt Nam sau một quá trình tự phát và kinh doanh nhỏ lẻ nay cũng hướng đến việc nâng tầm và chuyên môn hóa. Năm 2015 chỉ có khoảng 1.163 xuất bản phẩm điện tử nộp lưu chiểu nhưng đến năm 2022, con số đã là hơn 2.300 xuất bản phẩm. Năm 2018 mới chỉ có 2 nhà xuất bản tham gia thị trường xuất bản điện tử thì hiện nay đã có tới 19 nhà xuất bản phát hành sách trên các nền tảng số. Thực tế, số lượng nhà xuất bản tham gia xuất bản phẩm điện tử tăng nhưng số đầu xuất bản phẩm chưa tăng tương xứng, khi chỉ đạt 5,6 - 5,7%.

Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Việt Nam hiện có hơn 15 triệu lượt người sử dụng sách điện tử, tương đương với 35 triệu bản sách được đọc, tăng 59% so với năm 2021. Con số này cho thấy xu hướng sử dụng sách điện tử đang có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần mở rộng và nâng cao văn hóa đọc trong mọi đối tượng, tầng lớp nhân dân. Và xuất bản điện tử cũng được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành xuất bản trong năm 2023.

Như vậy, tiềm năng của thị trường xuất bản điện tử ở Việt Nam là rất lớn, nhưng những rào cản đối với sự phát triển của nó cũng không hề nhỏ. Trong đó, nền tảng công nghệ của các nhà xuất bản (NXB) và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất bản còn hạn chế. Ngoài ra, một phần do thói quen chưa tốt, chỉ muốn tiêu dùng miễn phí, ít chịu trả tiền cho những sản phẩm trực tuyến của của một bộ phận không nhỏ bạn đọc cũng khiến doanh thu mảng này kém dẫn đến các đơn vị giảm đầu tư. Đó là chưa kể đến các vi phạm bản quyền với tình trạng phát hành eBook lậu còn tràn lan trên internet mà việc tìm kiếm và ngăn chặn là rất khó khăn.

 Tiềm năng của thị trường xuất bản điện tử ở Việt Nam là rất lớn.

Muốn phát triển vươn lên, đáp ứng yêu cầu của thời đại và xã hội, thực hiện tốt chức năng văn hóa - tư tưởng, ngành xuất bản Việt Nam cần phải xây dựng chiến lược phát triển theo hướng số hóa, gắn kết chặt chẽ với sự phát triển của thời đại công nghệ số và nằm trong chiến lược tổng thể phát triển hạ tầng số, kinh tế số, chính phủ số của đất nước. Các đơn vị xuất bản phải xác định việc xây dựng và phát triển xuất bản điện tử là một xu hướng tất yếu, trong đó cần phải tính đến sự tích hợp giữa xuất bản truyền thống và xuất bản điện tử, để đáp ứng được nhu cầu của xã hội và duy trì, phát triển chính tổ chức xuất bản của mình.

Hiện nay, dòng sách điện tử mới được tích hợp trên nhiều hệ điều hành, như: Window, Mac, Linux, iOS, Android, Blackberry, WebOS… ngày càng chiếm ưu thế rõ rệt. Độc giả ngày nay có thể trải nghiệm việc đọc một cuốn sách giấy, lật giở từng trang sách ngay trên điện thoại thông minh. Các hình ảnh, audio, video được tích hợp trong ebook trên tương tác thời gian thực rất trực quan, sinh động. Do đó, để đáp ứng nhu cầu và xu hướng này, các NXB cần khéo léo kết hợp giữa hai loại hình sách in truyền thống và sách điện tử, để dần thu hút người đọc, đặc biệt là những người thường xuyên sử dụng máy tính và điện thoại thông minh.

Xuất bản trong thời đại công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải có một cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin mở bởi không thể phát triển, tăng trưởng mạnh mẽ phân khúc xuất bản điện tử nếu không đáp ứng được những yếu tố đầu tiên là con người và công nghệ. Do đó, các NXB cần chuẩn bị đầy đủ điều kiện và năng lực để chuyển dần sang xuất bản số; nâng cao chất lượng bản thảo bằng việc chủ động, tích cực tìm kiếm những đề tài có tính thời đại, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người đọc. Cùng với đó, tăng cường năng lực ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ; tăng cường xây dựng các website, đẩy mạnh xây dựng hình ảnh, bộ nhận diện thương hiệu, chiến lược phát triển cho đơn vị mình.

Nhập khẩu sách báo và các thiết bị công nghệ phục vụ cho hoạt động xuất bản phẩm điện tử đã và đang là kênh phân phối trực tuyến hiệu quả các sản phẩm văn hóa, giáo dục, hàng hóa đa dạng giúp thực hiện sự mệnh là cầu nối, nối liền nhịp cầu tri thức Việt Nam và thế giới. Việc tăng cường hợp tác với các quốc gia phát triển trong lĩnh vực xuất bản không chỉ giúp giao lưu văn hóa, mà còn giúp chia sẻ công nghệ, kỹ thuật nhằm góp phần đa dạng hóa sản phẩm xuất bản (trong đó có xuất bản phẩm điện tử) và nâng cao năng lực nội tại của hoạt động xuất bản ở Việt Nam.

Hiện nay, chưa có đơn vị xuất bản nào ở Việt Nam có thể xây dựng, tập hợp, tích hợp được kho dữ liệu số thực sự lớn. Mỗi đơn vị xuất bản hiện nay chỉ mới số hóa được một phần nhỏ nguồn tài nguyên nội dung đang có; còn rất nhiều cuốn sách, ấn phẩm chưa được số hóa, chưa được sắp xếp vào các kho dữ liệu. Do đó, cần phải cải cách thể chế quản lý, cơ chế vận hành và cơ chế sử dụng nguồn nhân lực, tập trung nguồn tài nguyên nhằm vận hành và kinh doanh hiệu quả mô hình xuất bản điện tử.

Ngoài ra là sự thông thoáng trong chính sách pháp lý, làm sao để việc cấp phép sách điện tử được nhanh chóng, thuận lợi cho các đơn vị xuất bản. Bên cạnh đó, vấn đề bảo vệ bản quyền tác giả, xử lý các vi phạm trong quyền tác giả cũng cần được chú trọng.

Các chuyên gia cho rằng, ngành xuất bản cần xây dựng một chiến lược mang tầm quốc gia về xuất bản sách điện tử với các chủng loại như e-book, audiobook và VR book (sách thực tế ảo). Mỗi chủng loại sách điện tử đều cần có những yêu cầu riêng trong đầu tư hạ tầng công nghệ và nhân lực. Có như vậy, chúng ta mới có thể tạo ra một thị trường sách điện tử sôi động, nhiều lựa chọn cho độc giả.

 
Bài, ảnh: Khánh Vy
Nguồn dangcongsan.vn
Viết bình luận mới