Lạm bàn về lễ hội

19/02/2023 07:55

Cả nước hiện có hơn 8.000 lễ hội, với bình quân khoảng 20 lễ hội lớn nhỏ diễn ra trong ngày, đáp ứng đời sống tinh thần vô cùng phong phú của nhân dân, đồng thời tôn vinh những nét văn hóa đa dạng, độc đáo của dân tộc. Nhưng cũng vì thế mà câu chuyện về việc kiểm soát và quản lý lễ hội…vẫn là vấn đề nhức nhối được đặt ra mỗi khi tết đến xuân về.

 Trong mùa lễ hội cao điểm mỗi ngày Yên Tử đón hàng chục ngàn người đến chiêm bái và tham quan, vãn cảnh

Mùa xuân vốn là mùa trẩy hội, vì thế hầu hết các lễ hội đều diễn ra vào dịp này. Trong tiết trời khoe sắc rực rỡ của những ngày đầu năm, sẽ thật tuyệt vời nếu vừa được du xuân thưởng cảnh, vừa được khám phá văn hóa vùng miền đặc sắc qua các lễ hội nổi tiếng được tổ chức thường niên gắn với văn hóa đặc sắc của các vùng miền như: Hội chùa Hương - Mỹ Đức, Hà Nội; Hội Lim - Bắc Ninh; Lễ hội núi Bà Đen - Tây Ninh; Lễ hội đua thuyền truyền thống - Lăng Cô- Huế; Lễ hội xuân Yên Tử …

Lễ hội vốn là sự kiện sinh hoạt cộng đồng xuất phát từ mong muốn được thỏa mãn những nhu cầu tinh thần chính đáng của con người. Theo thời gian, với sự phát triển mạnh mẽ cùng với những đặc trưng về mặt tâm linh, tín ngưỡng, và tôn giáo, nó đã dần trở thành một nét văn hóa đẹp đẽ, tôn vinh truyền thống của mỗi dân tộc.

Theo thống kê hiện nay, cả nước có hơn 8000 lễ hội lớn nhỏ; trong đó có hơn 88% là lễ hội dân gian, 6% lễ hội tôn giáo, 4% lễ hội lịch sử, 0,12% lễ hội du nhập từ nước ngoài và các lễ hội khác chiếm khoảng 0,5%.

Nhờ sự đa dạng, phong phú về bản sắc của 54 dân tộc anh em, Việt Nam được coi là quốc gia có nhiều lễ hội truyền thống nhất. Trung bình mỗi ngày nước ta có trên dưới 20 lễ hội đã có đăng ký và mỗi lễ hội lại mang đậm giá trị văn hóa cao đẹp. Thông thường, những lễ hội đều hướng đến lối sống “uống nước nhớ nguồn” nhằm tôn vinh cha ông, những bậc anh hùng, những vĩ nhân có công lao to lớn trong việc gìn giữ, bảo vệ và xây dựng đất nước. Do vậy, lễ hội cũng là một hình thức giáo dục vô cùng ý nghĩa đối với lớp trẻ hiện nay, là tư liệu sống về một thời quá khứ vàng son của dân tộc. Ngoài ra, số lượng lớn những lễ hội đã và vẫn đang tiếp tục được duy trì, kế thừa chính là minh chứng rõ rệt nhất cho bề dày lịch sử đáng tự hào mà cha ông đã vun đắp.

Chùa Ba Vàng có ngày cao điểm đón hàng trăm ngàn khách đến tham quan, vãng cảnh. 

 

Tuy nhiên, có lẽ vì có quá nhiều lễ hội diễn ra mỗi năm, mà việc kiểm soát và quản lý cũng vẫn còn nhiều bất cập, nạn chen lấn, xô đẩy, trộm cắp… vẫn tồn tại và trở thành những vấn nạn cố hữu trong mỗi mùa lễ hội mà chưa có những giải pháp hữu hiệu để đẩy lùi.

Lễ tết, vốn là thời điểm giao thoa giữa năm cũ và năm mới, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong tư tưởng của người dân Việt Nam. Vì vậy, đầu năm người dân thường đổ xô lên chùa, đình, các khu di tích… với tâm tư mong cầu những điều may mắn, bình an sẽ đến với bản thân và gia đình. Chính vì lẽ đó mà tình trạng tắc nghẽn đã trở thành vấn đề nan giải mỗi dịp lễ và ở nhiều lễ hội. Không ít nơi chùa, đình, các khu di tích, vốn là nơi thờ cúng linh thiêng, bỗng chốc trở thành một “cứ điểm” để người dân bon chen, xô đẩy hết sức phản cảm và gây ra nhiều hệ lụy trong xã hội. Không chỉ ở Việt Nam, tình trạng này cũng tồn đọng một cách đáng báo động trên thế giới, thậm chí đem đến những hậu quả vô cùng đáng tiếc. Điển hình như vào cuối năm 2022, cả thế giới đã vô cùng bàng hoàng trước thảm kịch Itaewon ở Hàn Quốc vào đúng dịp lễ Halloween. Sau một thời gian dài phải chôn chân tại nhà vì COVID-19, ai ai cũng mong muốn được ra ngoài giải tỏa, vui chung với không khí của lễ hội. Nào ngờ, nó lại đưa đến một khung cảnh thảm thương đến đáng sợ. Dòng người thi nhau xô lấn, chèn ép, từng đợt “sóng người” cứ hấp tấp, vội vã lao về phía trước, giẫm đạp lên nhau để tìm đường sống. Cả con hẻm chật cứng, không một kẽ hở đã trở thành nỗi khiếp sợ và lời cảnh tỉnh với cả nhân loại trên thế giới.

Cũng chính vì có quá đông người tham gia, không ít nơi diễn ra các lễ hội bỗng trở thành địa bàn “bội thu” cho trộm vặt. Tệ nạn trộm cướp mỗi dịp lễ hay tại các lễ hội đã không còn xa lạ với người dân, công tác quản lý an ninh trật tự cũng dường như bị vô hiệu bởi số lượng người tham quan vượt quá tầm kiểm soát. Theo thống kê chưa đầy đủ, chùa Tam Chúc, những ngày cao điểm đầu năm 2023 đón khoảng hơn một vạn khách mỗi ngày; chùa Ba Vàng và Yên Tử (Quảng Ninh) những ngày cuối tuần cũng đón khoảng vài vạn đến chục vạn khách mỗi ngày….Mặc dù đã được rút kinh nghiệm và cải tạo, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất phục vụ người dân cũng như tăng cường các biện pháp quản lý nhưng ở những lễ hội lớn vẫn không tránh khỏi tình trạng chen lấn, xô đẩy. Có những ngày cuối tuần người dân đến tham quan, vãn cảnh chùa Tam Chúc vẫn phải xếp hàng chờ đợi mua vé, và qua cửa soát vé, lên thuyền nhiều tiếng đồng hồ.

Chùa Tam chúc vào những ngày cuối tuần rất đông du khách đến tham quan, chiêm bái khiến cho tình trạng tắc nghẽn xảy ra.

Cũng do ở một số lễ hội tập trung quá đông người cộng với sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân thoải mái xả rác bừa bãi, “tiện đâu ném đó” khiến cho việc bảo vệ môi trường ở các khu di tích cũng như đình, chùa mỗi dịp lễ hội cũng trở nên hết sức nhức nhối. Bên cạnh đó nạn chèo kéo khách, và việc kinh doanh thiếu quy hoạch ở một số nơi khiến cho không ít chốn linh linh thiêng phút chốc trở thành khu chợ ồn ã, xô bồ.  Nếu như du khách từ Hà Nội hay các tỉnh đến chùa Hương vãng cảnh ngay từ quốc lộ cách chùa hàng chục km đã có những “cò mồi” phóng xe máy đuổi theo ô tô chèo kéo khách đi thuyền và tham gia các dịch vụ của họ vô cùng phản cảm và gây nguy hiểm.

Đi lễ hội đầu năm ngày nay không chỉ có các cụ già hay những người trung niên mà ngày nay giới trẻ tham gia lễ hội ngày càng nhiều, trong số đó không ít người đi lễ hội đầu năm theo “tâm lý đám đông” mà không có chút hiểu biết cơ bản về nó, khiến cho văn hóa lễ hội ngày càng bị mai một và mất đi tính truyền thống. Từ đó cũng dẫn đến một thực trạng, nhiều người đi chùa nhưng không biết mình đang cầu khấn ai, cầu khấn điều gì… mà chỉ biết “vung tiền” thay cho những lời thành tâm.

Sau 3 năm dài im ắng do dịch COVID-19, năm 2023, được dự đoán là năm bùng nổ với số lượng người tham gia lễ hội tăng đột biến. Các cơ quan, ban ngành, đặc biệt là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Cục Văn hóa cơ sở đã ban hành nhiều văn bản, Chỉ thị yêu cầu Tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục hồi và phát triển du lịch; yêu cầu xây dựng kịch bản, phương án tổ chức các hoạt động lễ hội một cách khoa học và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của người dân nhưng theo khảo sát của phóng viên mặc dù công tác tổ chức lễ hội cũng đã đi vào nề nếp, nhiều hủ tục mê tín dị đoan như xem bói, xóc thẻ… đã được đẩy lùi nhưng một số hạn chế khác đặc biệt là nạn chen lấn, xô đẩy, trộm cắp… ở một số lễ hội vẫn tồn tại. Điều này cũng đặc biệt nguy hiểm khi dịch COVID-19 vẫn còn tồn tại, đe dọa tính mạng của nhiều người. Chính vì vậy, để mùa lễ hội thật sự được an toàn, đem lại niềm vui cho mỗi người ngoài việc tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị chức năng, đặc biệt là đơn vị quản lý và tổ chức lễ hội ở các địa phương cần lắm ý thức tự giác và văn minh của mỗi người tham gia lễ hội.

 
Dương Thảo
Nguồn dangcongsan.vn
Viết bình luận mới