Không liên kết sẽ phá vỡ tiềm năng

29/11/2020 10:08

Lãnh đạo các địa phương khẳng định liên kết là một trong những giải pháp phát triển du lịch tiết kiệm, hiệu quả, nếu không liên kết mà phát triển tự phát sẽ phá vỡ tiềm năng, nhưng các địa phương cần xác định làm du lịch là làm kinh tế chứ không phải phong trào…

Tại Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2020 diễn ra sáng 28/11 tại Quảng Nam, các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế đã ký kết hợp tác liên kết phát triển du lịch trọng giai đoạn 2021-2025.

Tại Hội nghị, các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế ký kết hợp tác liên kết phát triển du lịch trọng giai đoạn 2021-2025. - Ảnh: VGP/Đình Nam

1 trong 9 giải pháp trọng tâm của TPHCM

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh, khẳng định chiến lược phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030 xác định liên kết vùng là một trong 9 nhóm giải pháp trọng tâm nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh du lịch của Thành phố và các địa phương trong cả nước, từ đó đa dạng hóa sản phẩm du lịch nội địa, nâng cao chất lượng, sức hấp dẫn và tính cạnh tranh của các dịch vụ du lịch, mang lại giá trị gia tăng.

Khởi đầu từ đề xuất của TPHCM, vào tháng 9/2019, liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM và 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long được nâng tầm quy mô lên cấp chính quyền các tỉnh, thành phố và chính thức được ký kết. Từ hiệu quả của liên kết đầu tiên, TPHCM mạnh dạn đề xuất và được sự thống nhất của Chính phủ, Bộ VHTT&DL liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM và vùng Đông Nam Bộ được triển khai vào tháng 6/2020; liên kết với vùng Tây Bắc mở rộng, liên kết với vùng Đông Bắc, liên kết với Hà Nội và Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung được triển khai trong tháng 11/2020, tạo động lực mới cho phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới.

TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục nối kết các liên kết thành một chỉnh thể trong công tác phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá, hợp tác kêu gọi đầu tư phát triển du lịch tạo thế mạnh cho du lịch nội địa.

Có thể thấy, 4 chương trình liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM và các tỉnh, thành trong cả nước trong năm 2020 cùng với Chương trình liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM và 13 tỉnh/thành Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2019 đã kết nối các tỉnh thành và vùng miền theo chiều dài đất nước từ Bắc tới Nam. Thỏa thuận liên kết giữa hai trung tâm kinh tế - văn hóa - du lịch lớn nhất nước với các vùng trọng điểm về văn hóa - du lịch chính là điểm sáng cho nỗ lực của ngành du lịch Việt Nam; là minh chứng cho sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau của chính quyền và hiệp hội du lịch, doanh nghiệp du lịch các địa phương trên cả nước cùng sự tiếp sức của cộng đồng dân cư, các cơ quan truyền thông đã tạo ra sức mạnh tổng hợp cho kích cầu du lịch nội địa, góp phần phục hồi ngành du lịch sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, hướng tới nâng cao năng lực cạnh tranh, sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam.

TP. Hồ Chí Minh cam kết tiếp tục ưu tiên nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện các nhóm giải pháp phát triển du lịch trong đó tổ chức thực hiện các hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM và các tỉnh, thành trong cả nước đi vào thực chất và hiệu quả, mang lại lợi ích cao nhất, đóng góp có hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Không làm phong trào

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, được ví như “Việt Nam thu nhỏ”, Quảng Ninh hội tụ hơn 600 di tích văn hóa và lịch sử, hệ thống danh lam thắng cảnh, trong đó nổi bật là Vịnh Hạ Long và di tích lịch sử danh thắng đặc biệt Yên Tử.

Quảng Ninh cũng là tỉnh đi đầu trong hoạt động liên kết phát triển du lịch với các địa phương trong nước, cụ thể: Liên kết du lịch giữa Quảng Ninh - Thanh Hóa - Ninh Bình; Quảng Ninh - Hải Phòng và mới đây nhất là Hội nghị liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM, tỉnh Quảng Ninh và 7 tỉnh vùng Đông Bắc.

Năm 2019, Quảng Ninh đón trên 14 triệu lượt khách, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó lượng khách quốc tế đạt trên 5,7 triệu lượt, tăng 11,7%. Tổng thu đạt 29,486 ngàn tỷ đồng, tăng 12,3% so với 2018; Thu ngân sách từ du lịch đạt 3.568 tỷ đồng tăng 13,3% so với năm 2018.

Theo bà Nguyễn Thị Hạnh, có được kết quả khích lệ trên, du lịch Quảng Ninh không thể tự thân phát triển bền vững mà luôn cần sự hỗ trợ, hợp tác của các tỉnh, thành phố trên cả nước, nhất là trong bối cảnh du lịch trên thế giới và Việt Nam hiện nay vẫn đang tiếp tục phải đổi mặt với các thách thức do đại dịch COVID-19 gây nên.

“Nếu không có liên kết phát triển du lịch, các địa phương tự phát triển du lịch theo hướng tự phát sẽ phá vỡ tiềm năng, không tạo ra được chuỗi sản phẩm có sức cạnh tranh với các vùng, khu vực, các nước khác. Vì vậy, liên kết vùng chính là một trong những giải pháp phát triển du lịch tiết kiệm nhưng hiệu quả nhằm tối ưu hóa các nguồn lực phát triển du lịch của các địa phương, tạo nên sự đa dạng sản phẩm dựa trên lợi thế riêng biệt vùng miền”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh bày tỏ.

Để có mối liên kết bền vững trong hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành phố và giữa các vùng, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho rằng các địa phương cần coi trọng công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách, cho đội ngũ nhân lực ngành cũng như cộng đồng xã hội; tập trung kết nối xây dựng sản phẩm du lịch liên vùng, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch vùng, kết nối trong công tác xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu; kết nối trong đào tạo nguồn nhân lực và kết nối nhưng không hoà lẫn, mỗi địa phương đều định vị được sản phẩm đặc sắc để tạo nên chuỗi giá trị, hệ sinh thái du lịch vùng đặc sắc, riêng có.

Các tỉnh cần xác định làm du lịch là làm kinh tế chứ không phải phong trào. Vì vậy việc đầu tư, xúc tiến, kích cầu du lịch cần có sự cẩn trọng, đảm bảo tính hiệu quả, tránh việc rập khuôn, bắt chước, ví như việc tổ chức các lễ hội tốn kém (tốn tiền, kém hiệu quả); lấy nụ cười và sự thân thiện làm vũ khí cạnh tranh, bên cạnh việc cải thiện chất lượng dịch vụ…

Xây dựng hệ thống du lịch thông minh

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Chủ tịch Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, khẳng định trong điều kiện dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến phức tạp, chưa mở cửa đối với khách du lịch quốc tế, thị trường du lịch nội địa sẽ được xác định là điểm khởi đầu cần thiết và quan trọng để tái phục hồi, phát triển du lịch. Trong đó, việc liên kết phát triển du lịch vùng là giải pháp quan trọng, hiệu quả cho phục hồi, phát triển du lịch sau đại dịch COVID-19.

Tại hội nghị lần này, lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã thống nhất ký kết thỏa thuận liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Hà Nội, TPHCM và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Qua đó, các tỉnh, thành phố sẽ trao đổi thông tin liên kết xây dựng những định hướng mới trong phát triển du lịch tại địa phương; khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên, đa dạng và đặc trưng của vùng, cùng hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề, ẩm thực phong phú; phát huy lợi thế cửa ngõ vùng, cửa ngõ quốc tế, tăng tỉ lệ khách du lịch, tăng chi tiêu và thời gian lưu trú của du khách.

Tỉnh Quảng Nam cùng các tỉnh, thành phố cam kết sẽ không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường du lịch, xây dựng hệ thống du lịch thông minh, đẩy mạnh tính liên kết trong việc phát triển quy hoạch, kết nối hạ tầng; phát huy giá trị văn hóa di sản, xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến và quảng bá du lịch, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường nhằm tạo bước đột phá mới, chuyển từ phát triển du lịch từng địa phương sang phát triển du lịch Vùng bền vững trong thời gian đến.

Thế Phong

Nguồn chinhphu.vn

Viết bình luận mới