Khởi công vở diễn “Người đi dép cao su”

18/02/2023 11:42

“Người đi dép cao su” thực chất là một cuộc trình diễn lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam bằng nghệ thuật sân khấu, trong đó hình tượng Bác Hồ là kết tinh tất cả những gì được xem là tinh hoa của quá trình phát triển lịch sử dân tộc Việt Nam. Đồng thời, cũng thông qua vở kịch để chuyển tải đến công chúng tình cảm và mối quan hệ hữu nghị cao quý, gắn bó, gần gũi giữa Nhân dân 2 nước Việt Nam- Algeria. Đây là mục tiêu hướng đến để Nhà hát kịch Việt Nam và Đại sứ quán Algeria tại Việt Nam phối hợp thực hiện thành công dự án này.

Đại sứ Algeria tại Việt Nam Abdelhamid Boubazine phát biểu tại buổi họp báo.

Sáng 15/2, tại Hà Nội, Nhà hát kịch Việt Nam và Đại sứ quán Algeria tại Việt Nam phối hợp tổ chức buổi họp báo khởi công vở diễn “Người đi dép cao su” của nhà văn Algeria- Kateb Yacine. Vở diễn do TS.NSƯT Lê Mạh Hùng biên tập và đạo diễn; Đoàn Nhà hát kịch Việt Nam biểu diễn trong tháng tới. Đây là một trong các hoạt động trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 60 năm Kỷ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Algeria (28/10/1962 - 28/10/2022). 

Thông tin từ buổi họp báo, đại diện Nhà hát kịch Việt Nam cho biết, cách đây hai năm, từ những thông tin đầu tiên nhưng cũng là những gợi ý, đồng thời cũng là định hướng, chỉ đạo của Cục Hợp tác Quốc tế để dự án thực hiện vở kịch “Người đi dép cao su” của nhà văn Algeria- Kateb Yacine được Nhà hát kịch Việt Nam phối hợp với Đại sức quán Algeria tại Việt Nam triển khai, khởi động hôm nay.

Để thực hiện dự án trên, thời gian qua Nhà hát kịch Việt Nam đã gặp gỡ và trao đổi, hợp tác với Đại sứ Algeria tại Việt Nam; đồng thời trên cơ sở tiếp cận cuốn sách “Người đi dép cao su” được GS Phùng Văn Tửu biên dịch công phu từ nguyên bản tiếng Pháp của nhà văn Algeria- Kateb Yacine, Ban lãnh đạo và các nghệ sĩ Nhà hát kịch Việt Nam đã cố gắng nỗ lực để chuẩn bị cho ra mắt vở kịch này trong tháng tới.

“Người đi dép cao su” thực chất là một cuộc trình diễn lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam bằng nghệ thuật sân khấu, trong đó hình tượng Bác Hồ là kết tinh tất cả những gì được xem là tinh hoa của quá trình phát triển lịch sử dân tộc Việt Nam. Đồng thời, cũng thông qua vở kịch để chuyển tải đến công chúng tình cảm và mối quan hệ hữu nghị cao quý, gắn bó, gần gũi giữa Nhân dân 2 nước Việt Nam- Algeria. Đây là mục tiêu hướng đến để Nhà hát kịch Việt Nam và Đại sứ quán Algeria tại Việt Nam phối hợp thực hiện thành công dự án này”- Đại diện Nhà hát kịch Việt Nam chia sẻ.

Trong phát biểu của mình, Đại sứ Algeria tại Việt Nam Abdelhamid Boubazine cho biết: Kateb Yacine (1929-1989) là một trong những người đặt nền móng chính cho văn học Bắc Phi hiện đại dùng ngôn ngữ Pháp; đồng thời ông cũng là “Nhà văn vĩ đại nhất và xuất sắc nhất” của Algeria.

Kateb Yacine là một người chống thực dân, ông dùng ngòi bút của mình để chống lại ách áp bức, cũng giống như bao người chống thực dân khác cầm vũ khí để chống lại kẻ áp bức.

Sau khi Algérie giành được độc lập, Kateb Yacine thể hiện cuộc đấu tranh mang tính toàn cầu của mình thông qua quãng thời gian ba năm lưu lại Việt Nam, từ 1967 đến 1970. Việc lưu lại lần này tại đất nước Việt Nam Hồ Chí Minh là vô cùng thiết thực cho quan niệm của ông về cuộc đấu tranh của các dân tộc trong khuôn khổ một cuộc cách mạng chống thực dân. Và sản phẩm văn học kết tinh từ sự trải nghiệm độc đáo này trong cuộc đời của ông chính là việc sáng tác vở kịch “Người đi dép cao su” mà sau này được đạo diễn Marcel Maréchal dàn dựng ở thành phố Lyon, Pháp và được đạo diễn Mustapha Kateb dàn dựng ở thủ đô Algiers, Algeria.

“Vì đã từng chiến đấu cho nền độc lập dân tộc của đất nước Algeria khi viết cuốn tiểu thuyết “Vòng tròn trả thù”, Kateb Yacine lại tiếp tục cuộc chiến đấu không mệt mỏi của mình để chống lại mọi ách áp bức bằng việc sáng tác vở kịch “Người đi dép cao su”. So với các vở kịch khác viết về “chiến tranh Việt Nam”, vở kịch của Kateb Yacine không chỉ lên án bản thân cuộc chiến tranh mà còn chuyển tải một tư tưởng triết học. Trong tác phẩm này, Nhân dân Việt Nam đang tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, họ hiện diện một cách rất sống động; họ đứng lên, chiến đấu quả cảm và anh hùng. Kateb Yacine thực sự thể hiện nỗi thống khổ mà người dân Việt Nam phải chịu đựng cùng lòng can đảm, câu chuyện lịch sử và nỗi đau giằng xé của họ, sự vĩ đại huy hoàng và cả điểm yếu của họ. Điều đó nói lên rằng, ông đã thực hiện rất nhiều công việc nghiên cứu nghiêm túc hàng loạt các tài liệu lịch sử, rồi tên người, địa danh, sự kiện và sau đó tất cả được thể hiện thông qua sự chọn lọc khắt khe từng câu từ của Kateb Yacine, từ sự mỉa mai, châm biếm và thậm chí cả những cú vỗ vào mặt quân thù”- Đại sứ Abdelhamid Boubazine chia sẻ.

Các tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực cho dự án được Đại sứ Algeria tại Việt Nam trao giấy chứng nhận. 

““Người đi dép cao su” thú vị theo nhiều cách hiểu. Tác phẩm là một tổng thể, với một sợi chỉ xuyên suốt: đó là các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, được thể hiện xoay quanh Chiến tranh Việt Nam.... Và bằng việc ca ngợi Hồ Chí Minh, Kateb Yacine đồng thời ca ngợi ý chí kiên cường chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa tư bản của Người. Tác phẩm đã mang đến một khía cạnh quốc tế cho vở kịch của mình bằng cách đặt cạnh các cuộc chiến tranh giải phóng khác với cuộc chiến tranh của Việt Nam. Và hơn bất kỳ vở kịch nào khác, “Người đi dép cao su” đã thể hiện lập trường tư tưởng quốc tế của tác giả, người luôn đấu tranh chống lại mọi hình thức áp bức, người luôn thù địch với mọi sự cam chịu”- Đại sứ Abdelhamid Boubazine cho biết thêm.

Theo Kế hoạch, vở kịch “Người đi dép cao su” sẽ được Nhà hát kịch Việt Nam chính thức cho ra mắt, trình diễn trong tháng tới./.

 
Tin, ảnh: PV
Nguồn dangcongsan.vn
Viết bình luận mới