Đồng Tháp quy hoạch khu bảo tồn các giống tre Việt Nam
06/04/2021 11:57
Rừng tràm Gáo Giồng thuộc ấp 6, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) được quy hoạch là khu bảo tồn tre Việt Nam với hơn 66 ha.
Từ năm 2014 đến nay, Ban Quản lý rừng tràm này đã sưu tầm và nhân giống được 68 giống tre các loại hiện có ở Việt Nam để trồng ở Gáo Giồng như: tre gai, tre tầm vông, sọc vàng, tre hoa hậu, tre bườm móc, tre diễn đá, tre vầu, tre lò ô vàng, tre kiểng, tre đắng, tre đen...

Tre được trồng hai bên đường vào rừng tràm Gáo Giồng. Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN
Ông Huỳnh Thanh Hiền, Trưởng ban Quản lý Rừng tràm Gáo Giồng cho biết, bộ sưu tập tre ở đây là một trong những công trình thuộc Dự án “Khu bảo tồn tre gắn với Khu Du lịch sinh thái Gáo Giồng” và phát triển khu bảo tồn thành rừng thường xanh của Gáo Giồng. Tại rừng tràm Gáo Giồng đều có tre gai, tầm vông, tre sọc vàng… trồng rải rác các nơi, vì đây là loại tre thu hút các loài chim, cò về đây trú ngụ, làm tổ. Tre gai còn là một loài cây để làm nhà, giường ngủ, đũa ăn cơm, phương tiện đánh bắt cá, bẫy bắt chuột…; đặc biệt, khi cây khô sẽ được đưa xuống ao, hồ để cho cá tôm làm nơi trú ngụ.
Đến nay ở Gáo Giồng bước đầu đã trồng được hai hàng tre song song, dài hơn 2km trên đoạn đường dẫn vào Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng. Các giống tre này do Làng Tre Phú An sưu tầm đưa về để ươm tại Gáo Giồng, nay đã xanh tốt và tuyển chọn để trồng theo quy hoạch. Các giống tre này rất thích nghi với thổ nhưỡng nơi đây và phát triển tốt, tạo điểm mới lạ, hấp dẫn khách du lịch đến Gáo Giồng. Mỗi loại tre có đặc điểm, nét đẹp riêng nhưng tất cả đều có điểm chung là mang đến vẻ đẹp bình dị, gần gũi với đời sống làng quê. Tre sọc vàng tạo sự sang trọng, rất đẹp mắt; tre hoa hậu với thân cao to màu xanh đậm, lá thẳng vút lên trời tạo dáng uy nghi…
Bộ sưu tập này còn có ý nghĩa bảo tồn các giống tre Việt Nam, phục vụ các nhà khoa học trong và ngoài nước đến nghiên cứu về các loài tre Việt Nam, giúp du khách hiểu thêm về các giống tre ở Việt Nam.
Khu bảo tồn tre Việt Nam tại Gáo Giồng nhằm phát triển thành điểm du lịch cho khách tham quan sinh thái Gáo Giồng, đồng thời tạo dựng các giá trị độc đáo riêng cho khu rừng thường xanh Gáo Giồng như bộ sưu tập tre của Việt Nam. Bên cạnh dự án còn có khu trung tâm nghiên cứu phát triển và ươm trồng các loại tre nhằm lưu giữ, phát triển và bảo tồn các loại tre hiện có. Ban Quản lý rừng tràm Gáo Giồng tiếp tục sưu tầm thêm các giống tre ở các nước Đông Nam Á, để thực hiện công trình bản đồ Việt Nam và các công trình khác.
Các bài viết cùng chuyên mục
Bế mạc Liên hoan hát văn, hát chầu văn toàn quốc năm 2021
Hàng ngàn du khách về Đất Tổ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng
Ninh Bình sẵn sàng cho Năm Du lịch quốc gia 2021
Du lịch đêm: Đổi mới tư duy, phương thức quản lý
Hà Nội: Bảo vệ di tích trước nguy cơ bị xâm hại
NSƯT Bùi Như Lai dàn dựng kiệt tác sân khấu 'Edip làm Vua'
Du lịch nội địa không đóng 'vai phụ'
Hội sách trực tuyến Quốc gia năm 2021: Sách cho mọi nhà
Nhiều hoạt động kỷ niệm 115 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập
Kon Tum đăng cai Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I