Độc đáo trò chơi đánh yến của đồng bào Tày vùng Tây Bắc

19/01/2023 14:26

Tây Bắc là vùng đất sinh thành ra nhiều trò chơi dân gian, có ý nghĩa gắn kết cộng đồng sâu sắc. Một trong số đó là trò chơi dân gian đánh yến đã và đang được đồng bào Tày nơi đây gìn giữ, truyền lại và diễn xướng mỗi khi mùa xuân về.

Vào mùa xuân, đồng bào dân tộc Tày ở vùng cao Tây Bắc lại nô nức cùng nhau đánh yến trên bãi cỏ xanh. Theo lời kể của các nghệ nhân dân gian ở bản Tày Tây Bắc, trong số những trò chơi dân gian thì đánh yến là trò chơi cổ truyền, có từ lâu đời, được đồng bào Tày gìn giữ và diễn xướng mỗi khi Tết đến xuân về.

Trước Tết chừng nửa tháng, những phụ nữ trong các bản Tày sau khi việc đồng áng đã xong, họ cùng nhau ngồi bên nhà sàn để làm những quả yến. Công việc này nhẹ nhàng, không tốn sức nhưng đòi hỏi phải dày công, tỉ mỉ và khéo léo. Quả yến được kết bằng lông gà một bên cánh mềm, mượt, đẹp, thân cây nứa tép, lá cọ. Khi tổ chức trò chơi đánh yến, người dân ở Tây Bắc thường chọn một khu đất bằng phẳng, rộng để tổ chức. Đánh yến phù hợp với mọi lứa tuổi, ai ai cũng có thể chơi được.

 Đánh yến là trò chơi dân gian mang đậm bản sắc dân tộc Tày vùng Tây Bắc. (Ảnh: Thế Lượng)

Trò chơi được chia làm hai đội, có thể nguyên nam, nguyên nữ, có thể cả nam cả nữ xen kẽ hoặc đơn nam, nữ. Thường khi chơi đánh yến, các đội chơi được chia theo bản để tạo sự hứng thú và động lực khi thi đấu. Khi đánh, người chơi có thể dùng tay hoặc dùng vợt tự chế để đỡ và đánh quả yến. Trong quá trình đánh, các thành viên của hai đội chơi cố gắng đỡ và đánh quả yến sang đội bạn, không để quả yến rơi xuống đất. Nếu đội nào để quả yến bị rơi xuống đất thì đội đó bị tính điểm thua.

Đánh yến ở vùng cao Tây Bắc là trò chơi dân gian đòi hỏi sự khéo léo, nhanh nhẹn của đôi bàn tay, sự chú ý của mắt và nhanh trí xử lý. Trong khi chơi, rất cần sự phối hợp của cả tập thể đội chơi, sự cổ vũ của khán giả. Trò chơi này được đồng bào Tày tổ chức vào những ngày đầu xuân tại bản hoặc trung tâm các xã, tại sân vận động, cùng với các trò chơi dân gian khác như đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co... Trong trang phục sắc chàm Tày, các chàng trai, cô gái rất hào hứng và hăng say khi tham gia thi đấu với mong muốn giành phần thắng về cho bản mình.

 Những người phụ nữ Tày quây quần làm quả yến trước mùa xuân để tổ chức trò chơi. (Ảnh: Thế Lượng)

Ông Ma Tấn Côn, dân tộc Tày, trưởng ban Tuyên vận xã Nghĩa Đô (Bảo Yên, Lào Cai) cho biết: “Cùng với đồng bào Tày ở vùng cao Tây Bắc, đồng bào Tày ở xã Nghĩa Đô đã và đang gìn giữ trò chơi đánh yến ngày xuân. Đồng thời phát huy giá trị nhân văn của trò chơi này trong đời sống cộng đồng”.

Trò chơi này có từ xa xưa trong đời sống tinh thần của đồng bào Tày, song, theo thời gian, trò chơi đánh yến bị mai một ít nhiều. Đến nay, trò chơi đánh yến và các trò chơi dân gian khác được đồng bào Tày Tây Bắc phục dựng, tổ chức và truyền lại.

Đánh yến là trò chơi dân gian của các bản Tày ở Tây Bắc, những đội giành phần thắng trong khi chơi coi như mang về cho bản mình sự may mắn trong cả năm. Đồng thời, đây là một trong những trò chơi thể hiện tinh thần đoàn kết, sự gắn kết cộng đồng, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho đồng bào Tày sau những giờ lao động sản xuất vất vả.

 Học sinh trường THPT số 3 Bảo Yên (Lào Cai) tham gia trò chơi đánh yến. (Ảnh: Thế Lượng)

Chị Lâm Thị Tấm, dân tộc Tày (Nghĩa Đô, Bảo Yên, Lào Cai) chia sẻ: “Đồng bào Tày chúng tôi rất thích tham gia trò chơi đánh yến. Vừa vui, vừa đoàn kết và tăng thêm sức khỏe. Mỗi khi xuân về, trò chơi đánh yến lúc nào cũng đông vui, tấp nập”.

Trò chơi này cũng gắn với những mong ước bình dị của đồng bào nơi đây về một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con người được khỏe mạnh, gia đình, bản làng được ấm no và hạnh phúc.

Trong không khí đón Tết hân hoan, náo nức, đồng bào Tày ở vùng cao Tây Bắc đã và đang lưu giữ, truyền lại và diễn xướng trò chơi đánh yến của dân tộc mình. Chính điều đó đã góp phần bảo tồn nét đẹp phong tục để mạch nguồn văn hóa dân gian chảy mãi trong đời sống cộng đồng./.

 
Bài và ảnh: Nguyễn Thế Lượng
Nguồn dangcongsan.vn
Viết bình luận mới