COVID-19 khiến du lịch phải nhìn lại chính mình

21/10/2020 07:27

Dự kiến, với sự sụt giảm từ 60% đến 80% khách du lịch quốc tế trong năm 2020, sẽ có hơn 100 triệu việc làm du lịch trực tiếp đang gặp rủi ro.

Ảnh minh họa. Nguồn internet

Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), với sự sụt giảm với sự sụt giảm từ 60% đến 80% khách du lịch quốc tế trong năm 2020, hơn 100 triệu việc làm du lịch trực tiếp đang gặp rủi ro.

Cuộc khủng hoảng du lịch do đại dịch COVID-19 thấy những lỗ hổng trong khả năng ứng phó và chuẩn bị của chính phủ và ngành. Đây là cơ hội để suy nghĩ lại về phát triển du lịch. Việc phục hồi phải liên quan đến việc chuyển đổi ngành, định hình lại các điểm đến và doanh nghiệp du lịch, xây dựng lại hệ sinh thái du lịch, đổi mới và đầu tư vào du lịch bền vững.

Theo UNWTO, cần hành động mạnh mẽ và khẩn cấp trên ba hướng để duy trì sinh kế cho hàng triệu người.

Thứ nhất, hợp tác đa phương được củng cố và sự hỗ trợ mạnh mẽ là rất quan trọng để kích hoạt lại du lịch. Sự hợp tác và nhất quán của các quy định về du lịch ở cấp độ song phương, khu vực và quốc tế là bước đệm cho phép du lịch khởi động lại một cách an toàn. Điều này bao gồm việc tăng cường an toàn và an ninh cho du khách và người lao động; tạo điều kiện cho việc đi lại qua biên giới an toàn, cũng như xây dựng các điểm đến linh hoạt hơn. Điều quan trọng là tăng cường hợp tác toàn cầu và viện trợ để giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 đối với du lịch và lữ hành, đồng thời giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế - xã hội.

Thứ hai, các chính phủ phải tiếp cận phục hồi du lịch một cách tích hợp hơn- thu hút sự tham gia của tất cả các cấp chính quyền, khu vực tư nhân và xã hội dân sự trong một kế hoạch thiết thực và có thể hành động nhằm phục hồi ngành du lịch.

Tính chất phân mảnh và đa dạng của du lịch nằm trên nhiều lĩnh vực chính sách khác nhau như y tế, giao thông, môi trường, đối ngoại và chính sách kinh tế... UNWTO khuyến nghị các quốc gia củng cố các cơ chế phối hợp để giúp doanh nghiệp, người lao động và các điểm đến, đặc biệt là những doanh nghiệp dễ bị tổn thương nhất như các doanh nghiệp vừa và nhỏ, lấy tính bền vững làm nguyên tắc hướng dẫn phục hồi.

Để đạt được nền kinh tế du lịch bền vững và có khả năng phục hồi, khu vực tư nhân cũng phải tham gia chặt chẽ vào việc thiết kế chính sách. Điều này sẽ giúp giải quyết những thách thức lâu dài như hiệu quả tài nguyên và quản lý, giải quyết các vấn đề  quá tải, áp lực lên cơ sở hạ tầng địa phương, môi trường, cộng đồng. Các chính sách phục hồi cần nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và chuyển đổi hướng tới nền kinh tế carbon thấp trong tương lai.

Thứ ba, chúng ta cần định hình lại du lịch theo hướng trách nhiệm và hòa nhập.Theo một số nghiên cứu, lượng khí thải liên quan đến vận tải du lịch chiếm 8% lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Đại dịch COVID-19 đã "tiết lộ" cơ hội cho những trải nghiệm đa dạng hơn, chậm hơn, nhỏ hơn và chân thực hơn. Tương lai của du lịch gắn liền với các mối liên hệ nhạy cảm giữa du lịch và môi trường. Đầu tư nhiều hơn vào công nghệ, cơ sở hạ tầng xanh,  gia tăng giá trị sẽ là nền tảng cho du lịch bền vững, bao trùm và có khả năng phục hồi cao hơn.
 

Nhật Thy

Nguồn chinhphu.vn

Viết bình luận mới