Tưởng nhớ công ơn Danh thần Thoại Ngọc Hầu - người có công khai phá vùng đất Nam Bộ

11/07/2024 07:48

Sáng 11/7, tại thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, UBND tỉnh tổ chức lễ tưởng niệm 195 năm Ngày mất Danh thần Thoại Ngọc Hầu (1829-2024).

Chú thích ảnh
Lãnh đạo các sở, ngành trên địa bàn An Giang dâng hương tưởng nhớ Danh thần Thoại Ngọc Hầu.

Danh thần Thoại Ngọc Hầu tên thật là Nguyễn Văn Thoại, sinh ngày 26/11/1761 tại làng An Hải, huyện Duyên Phước, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng). Từ nhỏ,  ông theo gia đình di cư vào Nam, định cư tại cù lao Dài, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Năm 17 tuổi (năm 1777) ông đầu quân cho chúa Nguyễn Ánh, lập nhiều công trạng, làm đến chức Thống chế và được phong tước Ngọc Hầu. 

Năm 1817, ông được triều đình cử làm trấn thủ Vĩnh Thanh, đóng quân ở thành Châu Đốc. Trong thời gian trấn thủ Vĩnh Thanh, Thoại Ngọc Hầu không ngừng huy động nhân dân khai khẩn đất, cải tạo đồng hoang thành làng mạc. Ông đã lập làng Thoại Sơn, dựng bia Thoại Sơn; lập 5 làng Vĩnh Nguơn, Vĩnh Tế, Vĩnh Điều, Vĩnh Gia, Vĩnh Thông và mở đường Châu Đốc đi núi Sam.

Sau khi công trình hoàn thành, ông dựng bia Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương tại núi Sam vào năm 1828. Đây là những đóng góp quan trọng, khẳng định chủ quyền của người Việt trên vùng biên giới Tây Nam thời kỳ đầu triều Nguyễn. 

Chú thích ảnh
Các đại biểu dự Lễ tưởng niệm 195 năm Ngày mất Danh thần Thoại Ngọc Hầu.

Với tầm nhìn chiến lược, ông còn chỉ huy dân binh đào kênh nối liền sông Đông Xuyên với Rạch Giá để việc qua lại giữa trấn Vĩnh Thanh và Hà Tiên không còn ngăn cách trong mùa khô hạn. Để tưởng thưởng công lao, vua Gia Long lấy tên ông đặt cho núi Sập là Thoại Sơn và sông Đông Xuyên là Thoại Hà.

Đặc biệt, Thoại Ngọc Hầu còn chỉ huy binh lính đào kênh Vĩnh Tế (Châu Đốc, An Giang). Đây là một trong những kênh đào lớn nhất trong lịch sử Việt Nam thời quân chủ, với chiều dài hơn 87km và phải huy động hơn 80 vạn nhân công thực hiện trong 5 năm (1819-1824). Kênh Vĩnh Tế được xem là công trình mang tính chiến lược, trở thành tấm “lá chắn” vững chắc bảo vệ biên giới quốc gia trước sự dòm ngó của ngoại bang. Kênh Vĩnh Tế trở thành “kỳ quan” từ sức người đầu tiên ở vùng biên giới Tây Nam đất nước.

Thoại Ngọc Hầu mất ngày mùng 6/6/1829 và được an táng tại Lăng Thoại Ngọc Hầu nằm cạnh triền núi Sam (thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc). Để tưởng nhớ công ơn của ông, nhân dân tỉnh An Giang đã lập đền thờ tại phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc và tại thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước phát biểu tại lễ tưởng niệm 195 năm Ngày mất Danh thần Thoại Ngọc Hầu.

Tại lễ tưởng niệm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước khẳng định: Cả cuộc đời Thoại Ngọc Hầu đã hết lòng vì dân vì nước, là người có công khai phá vùng đất Nam Bộ. Những đóng góp của Thoại Ngọc Hầu đã khẳng định chủ quyền của người Việt trên vùng biên giới Tây Nam thời kỳ đầu triều Nguyễn. Đặc biệt là hai con kênh Vĩnh Tế và Thoại Hà đến nay vẫn đóng vai trò quan trọng trong tuyến thủy lộ nội địa vận chuyển hàng hóa, giao thương mua bán, an ninh quốc phòng và góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho vùng Châu Đốc, An Giang. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhấn mạnh: Lễ tưởng niệm 195 năm Ngày mất Danh thần Thoại Ngọc Hầu là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang nói chung, Châu Đốc nói riêng, thể hiện lòng thành kính, tri ân, luôn mãi ghi nhớ công lao của vị tiền nhân mở cõi. Đồng thời, giáo dục truyền thống cao đẹp đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, giữ gìn bản sắc văn hóa lịch sử dân tộc, tôn vinh công đức người xưa. Lễ tưởng niệm còn nhằm duy trì, phát huy các giá trị di sản văn hóa, nghi lễ truyền thống, thực hành, trao truyền, từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Tin, ảnh: Thanh Sang (TTXVN)
Nguồn baotintuc.vn
Viết bình luận mới