Trưng bày gần 100 bức tranh chuyên đề 'Xuân về qua bộ sưu tập tranh dân gian Tứ Bình'
13/01/2025 17:14
Trưng bày chuyên đề “Xuân về qua sưu tập tranh dân gian Tứ Bình” và hoạt động trải nghiệm sắc Xuân diễn ra chiều 10/1, tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương.
Hoạt động do Bảo tàng tỉnh Hải Dương phối hợp Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Công ty cổ phần tư vấn giáo dục và khởi nghiệp Yolo tổ chức.

Các đại biểu chiêm ngưỡng những bức tranh dân gian Tứ Bình.
Từ xa xưa, dân ta đã có tục chơi tranh nhất là mỗi dịp Tết đến Xuân về. Đây cũng là thú vui tao nhã của người Việt xưa.
Trưng bày chuyên đề giới thiệu 20 bộ tranh với gần 100 bức gồm các chủ đề như: tranh Tứ quý, Tố nữ, Tứ dân, Bát tiên, tranh truyện và tranh lịch sử được lựa chọn từ bộ sưu tập tranh Tứ Bình đang lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Bộ sưu tập giúp người xem cảm nhận về loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc.
Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh, tranh Tứ Bình là thể loại rất đặc biệt của tranh dân gian. Bộ tranh Tứ Bình thường có bốn bức, hàm ý ẩn dụ cho bốn giai đoạn trong một năm, bốn giai đoạn trong cuộc đời, bốn giai thoại trong một câu chuyện hoặc bốn vẻ đẹp khác nhau của các cô gái… và thường có những câu thơ chữ Hán hoặc chữ Nôm. Đó là những lời chúc phúc và mong muốn sự bình an phú quý, gợi cảm giác cho người xem liên tưởng đến sự thanh tịnh, ngắm tranh mà coi như mình đang du ngoạn trong trời đất.
Chính vì vậy, tranh Tứ Bình được ưa thích treo trang trí trong nhà để đón Xuân hoặc thờ phụng tùy nội dung của mỗi bộ tranh. Mỗi bức tranh Tứ Bình xưa được xem như một tổng thể hoàn chỉnh, hài hòa và đầy tính trữ tình. Hầu như ở thể loại nào, tranh Tứ Bình cũng có chỗ đứng riêng. Qua những bộ tranh này hậu thế có thể hiểu được phần nào quan niệm về thời gian, lối sống, sinh hoạt và tài nghệ của người dân từ xa xưa.
Cùng với trưng bày tranh Tứ Bình, Bảo tàng tỉnh Hải Dương còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm gắn liền với không gian Tết Việt như: Trải nghiệm in tranh dân gian, viết thư pháp, gói bánh chưng, làm mứt Tết, thưởng trà, trải nghiệm những bộ cổ phục đặc sắc, nghe hát ca trù... Cùng với đó là không gian ký ức Tết Việt được tái hiện mang đậm Tết xưa.
Tại buổi trưng bày, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương đề nghị, Bảo tàng tỉnh tiếp tục nghiên cứu, tổ chức cuộc trưng bày chuyên đề để làm phong phú hơn các hoạt động tại Bảo tàng tỉnh. Đồng thời mong muốn Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tiếp tục hỗ trợ Bảo tàng Hải Dương tổ chức nhiều trưng bày ý nghĩa, có giá trị, độc đáo và ấn tượng để giới thiệu các di sản đến công chúng vào dịp Tết.
Ông Nguyễn Thành Trung cũng mong muốn, cơ quan chức năng, tổ chức, cá nhân tiếp tục đóng góp để công tác bảo tồn, phát huy giá trị đi sản văn hóa của tỉnh ngày càng khởi sắc, góp phần vào mục tiêu chung là xây dựng con người Hải Dương phát triển toàn diện.
Các bài viết cùng chuyên mục
Những điểm mới về Giải thưởng ‘Công nghệ từ trái tim’ hưởng ứng Nghị quyết 57
Thúc đẩy sự phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc
5 không khi uống bia
Ngày Sách Việt Nam 21/4: Nuôi dưỡng tình yêu sách của trẻ em
Tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ các dân tộc qua triển lãm đầy màu sắc tại Hà Giang
Mãn nhãn với đại tiệc ánh sáng, âm nhạc tại trụ sở HĐND - UBND TP Hồ Chí Minh
Đại tiệc văn hóa, công nghệ trình chiếu ánh sáng chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam
Rực rỡ không gian Festival khinh khí cầu Bình Thuận - năm 2025
Ngày Sách Việt Nam 21/4: Bồi đắp tri thức, kết nối cộng đồng
Top 5 loại rau thơm ăn hằng ngày giúp sống thọ hơn