Trải nghiệm “Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa”
07/06/2024 07:54
Chương trình “Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa” được tổ chức với nhiều hoạt động hấp dẫn như Trưng bày về các phong tục dân gian truyền thống, các nghi lễ trong cung đình ngày Tết Đoan Ngọ, thực hành hai nghi lễ đặc sắc ngày Tết Đoan Ngọ trong cung đình (nghi lễ cúng tế tổ tiên và nghi lễ ban quạt), thực hành phong tục dân gian “giết sâu bọ” và trình diễn, giao lưu nghệ thuật thưởng trà.
Ngày 6/6, tại Khu di sản Hoàng Thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã tổ chức Chương trình “Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa” năm 2024 nhằm mang đến cho du khách trải nghiệm văn hóa đậm dấu ấn truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Chương trình, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang cho biết, nhằm tôn vinh truyền thống văn hóa dân tộc, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của khu di sản Hoàng thành Thăng Long, những năm gần đây Trung tâm đã tổ chức, thể nghiệm các nghi lễ cung đình với mong muốn mang đến cho du khách những sản phẩm du lịch đặc sắc, đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Một trong các nghi lễ cung đình đã trở thành hoạt động thường niên tại khu di sản chính là Tết Đoan Ngọ với chương trình “Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa”.
Thực hiện nghi thức Lễ ban quạt trong Tết Đoan Ngọ của cung đình xưa. (Ảnh: H.L) |
Theo PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, Tết Đoan Ngọ hay còn được gọi là tết Đoan Dương, thường được tổ chức vào giờ Ngọ, ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hằng năm. Đây là ngày tết truyền thống của một số quốc gia như Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản, Trung Quốc... Trong văn hóa cổ truyền Việt Nam, Đoan Ngọ được xem là một trong những dịp lễ tết quan trọng bậc nhất.
"Đoan" có nghĩa là mở đầu, "Ngọ" là khoảng thời gian từ 11 giờ đến 13 giờ, ăn tết Đoan Ngọ là ăn vào buổi trưa. Đoan Ngọ là lúc mặt trời ở gần trái đất nhất. Ở Việt Nam, tết Đoan Ngọ còn được gọi là "tết giết sâu bọ". Hiểu đơn giản, đây chính là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài sâu bệnh gây hại cho cây trồng.
Chính vì vậy, ở Việt Nam ta cứ đến ngày mùng 5 tháng 5 hàng năm, từ chốn cung đình hoa lệ, tôn nghiêm cho đến những miền quê mộc mạc đều hân hoan đón tết Đoan Ngọ. Tết Đoan Ngọ trong cung đình hay ngoài dân gian tuy có những lễ nghi, phong tục khác nhau nhưng đều là dịp con cháu tìm về cội nguồn, nhớ ơn công đức tổ tông và những người có công sinh công dưỡng đối với mỗi người.
Trải nghiệm phong tục ẩm thực "giết sâu bọ" của ngày Tết Đoan Ngọ. (Ảnh: H.L) |
Trong cung đình, Tết Đoan Ngọ là lễ thường triều, nhà vua chịu mệnh trời thực hiện một số nghi lễ như cúng tế các tiên đế, báo hiếu bậc sinh thành, ban yến và ban quạt cho văn võ bá quan, với mong ước ban phúc lành, ban sức khỏe, bình an cho muôn nhà. Tết được các vương triều tổ chức trang trọng với những lễ nghi mang tính cung đình.
Các nguồn sử liệu cho biết, dưới thời Lê Trung hưng, tết cũng là dịp để nhà vua, hoàng tộc sửa soạn lễ phẩm dâng tiến lên tổ tiên và các bậc sinh thành. Lễ tế tự ở nhà Thái miếu hoàn tất, thì cũng là lúc xa giá nhà vua chính thức lên điện thiết triều. Với nghi thức thường triều, tại điện Cần Chánh, hoàng thân cùng các quan văn võ từ bậc tam phẩm đều được tham dự. Nhà vua uy nghi ngự trên ngai rồng, bề tôi vui mừng chúc tụng.
Nhằm nêu cao tình thần trung nghĩa của các quần thần, nhà vua làm thơ đề trên quạt để ca ngợi cuộc sống thanh bình của muôn dân, đồng thời để khuyên răn triều thần làm những điều tốt đẹp cho xã hội, cho trăm họ. Theo thông lệ, tết cũng là dịp các bề tôi được ban thưởng.
Tết Đoan Ngọ diễn ra đúng vào lúc thời tiết nóng nực, chiếc quạt là vật dụng làm mát vô cùng thiết yếu, nên ngoài ban yến, nhà vua còn tiến hành ban quạt. Quạt được ban cho các hoàng thân, văn võ bá quan, bính lính, nô tì, tiểu giám... và còn được cung tiến vào văn miếu, vũ miếu. Ân điển ban quạt thể hiện sự quan tâm, chăm lo đặc biệt đến thần dân với ý nghĩa nhân văn là ban "Phúc lành, Sức khỏe, Bình an".
Ngoài dân gian, Tết Đoan Ngọ cũng có những phong tục hết sức độc đáo như dâng cúng sản vật của mùa hạ lên ông bà tổ tiên, dùng thức ăn để "diệt sâu bọ" trong người, hái lá làm thuốc nam vào giờ ngọ, đeo bùa và chỉ ngũ sắc, dùng lá nhuộm móng tay móng chân, mặc áo dấu, bôi rượu hùng hoàng cho trẻ con, treo con giáp tết từ ngải cứu, khảo cây...
Những phong tục này chính là những kinh nghiệm dân gian có nguồn gốc liên quan trực tiếp đến nông nghiệp và thời tiết. Việt Nam là xứ nóng, tháng 5 lại là mùa nóng càng tạo điều kiện cho các loài sâu bọ, vi trùng phát triển làm hại mùa màng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Vì thế, con người phải tìm cách chống lại cái nóng và phòng dịch bệnh thông qua các món ăn, thức uống, đồ dùng. Phong tục tốt đẹp này đã đi vào kho tàng văn học Việt Nam.
Chương trình Tết “Đoan Ngọ Thăng Long xưa” gồm có các hoạt động: Trưng bày về các phong tục dân gian truyền thống, các nghi lễ trong cung đình ngày Tết Đoan Ngọ, thực hành hai nghi lễ đặc sắc ngày Tết Đoan Ngọ trong cung đình (nghi lễ cúng tế tổ tiên và nghi lễ ban quạt), thực hành phong tục dân gian “giết sâu bọ” và trình diễn, giao lưu nghệ thuật thưởng trà.
Những phong tục ăn trái cây, ăn bánh tro, ăn cơm rượu nếp, uống rượu hùng hoàng, xương bồ để “giết sâu bọ” trong người vào lúc sáng sớm; tục hái thảo mộc làm thuốc và làm trà vào giờ ngọ; tục đeo chỉ ngũ sắc, đeo túi thơm có đựng hạt mùi, bột hùng hoàng để xua đuổi côn trùng… trong dịp Tết Đoan ngọ được tái hiện tại không gian thờ cúng và không gian trưng bày các loại thảo mộc, túi thơm.
Khu trưng bày đã làm gợi nhớ đến hình ảnh 2 khu phố cổ quen thuộc là Thuốc Bắc và Hàng Mụn. Vào mỗi dịp Tết Đoan Ngọ, người dân kinh thành Thăng Long xưa lại nhộn nhịp đi mua chỉ ngũ sắc, túi thơm trên phố Hàng Mụn về đeo cho trẻ con; mua lá thảo mộc về làm trà đun nước uống, mua thảo dược về phòng bệnh…
Bên cạnh không gian trưng bày các phong tục dân gian truyền thống, các nghi lễ cúng tế tổ tiên, lễ thiết triều, lễ ban quạt trong cung đình cũng được diễn giải qua tranh vẽ và mô hình hiện vật phỏng dựng.
Ngoài ra, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội còn phối hợp Hội Di sản văn hóa Thăng Long, Công ty CP Ỷ Vân Hiên và Trung tâm Bảo tồn phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam thực hành nghi lễ tiến phẩm dâng hương lên các vị tiên đế và nghi lễ ban quạt. Đây là những nghi lễ mang tính cung đình được thực hiện dưới triều Lê Trung hưng.
Cùng với những hoạt động này, để khách tham quan hiểu thêm về phong tục uống trà giải nhiệt phòng chữa bệnh cho đến nghệ thuật thưởng trà cung đình, Trung tâm phối hợp với các nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng, nghệ nhân trà Nguyễn Cao Sơn tổ chức các buổi trình diễn, giao lưu cùng du khách. Các nghệ nhân sẽ chia sẻ những câu chuyện hay, những bí quyết ướp trà, pha trà, thưởng trà đặc sắc…/.
Các bài viết cùng chuyên mục
Biên giới Việt - Lào: Tình thân gắn kết - hữu nghị tỏa sáng
Trở lại thời bao cấp qua chương trình quảng bá du lịch đêm Hà Nội
Hai điểm lạ của cơn đau đầu cảnh báo u não
Chiếc áo Nhật Bình - Lễ phục của Hoàng hậu Nam Phương đã "hồi hương"
22 tác phẩm đoạt giải ảnh nghệ thuật "Tự hào một dải biên cương"
Bắc Mỹ nghiêng ngả trước cặp đôi phù thủy
Nhặt da, sơn sửa nhiều có làm móng tay nhanh hỏng?
Vinh danh tài năng trẻ xuất sắc trong lĩnh vực Tâm lý - Giáo dục
Loại rau nào bổ dưỡng nhất?
Thêm hành lang pháp lý để bảo vệ và phát huy giá trị di sản