Thành phố Nghi Xương (Trung Quốc) tìm cách thu hút khách du lịch Việt Nam
09/09/2024 17:35
Với hơn 2.400 năm lịch sử và là nơi bắt nguồn của nền văn hóa nước Sở, thành phố Nghi Xương tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) có nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, sông nước hữu tình và văn hóa truyền thống đặc sắc, có ưu thế địa lý và tài nguyên độc đáo về phát triển ngành du lịch.
Nghi Xương là nơi có tài nguyên du lịch đẳng cấp thế giới như sông Trường Giang (hay còn gọi là sông Dương Tử), đập Tam Hiệp, Nhân Gia Tam Hiệp, Thanh Giang Họa Lang và Quê hương của nhà thơ nổi tiếng thời Chiến Quốc Khuất Nguyên… Thành phố hiện có gần 70 danh lam thắng cảnh cấp A quốc gia. Đây được mệnh danh là thành phố du lịch tuyệt vời ở Trung Quốc và là thành phố điểm đến tốt nhất cho du lịch quốc tế ở Tam Hiệp Trường Giang.
Theo đại diện lãnh đạo thành phố Nghi Xương, từ đầu năm đến nay, để thúc đẩy phát triển du lịch, sân bay quốc tế Tam Hiệp Nghi Xương đã mở các chuyến bay thuê chuyến du lịch đặc biệt đến Thái Lan, Việt Nam và Hàn Quốc. Trong 6 tháng đầu năm nay, ba đường bay này đã đón hơn 50.000 lượt khách du lịch quốc tế, tăng 84,42% so với cùng kỳ năm ngoái. Nghi Xương đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách nước ngoài tại Trung Quốc.
Anh Noilublao Kongpob – một du khách đến từ Thái Lan cho biết, đây là lần đầu tiên tôi đến Nghi Xương, cũng là lần đầu tiên đến tỉnh Hồ Bắc. Sau khi thăm quan một loạt các địa điểm du lịch, danh lam thắng cảnh như sông Trường Giang, đập Tam Hiệp, Cát Châu Bá, Nhân Gia Tam Hiệp, tìm hiểu văn hóa của đồng bào dân tộc Thổ Gia…, tôi thấy phong cảnh ở đây rất đẹp, hùng vĩ, non nước hữu tình; văn hóa truyền thống rất đặc trưng.
“Tôi cảm thấy, thành phố Nghi Xương nói riêng và tỉnh Hồ Bắc nói chung còn rất nhiều nơi, rất nhiều phong tục truyền thống rất đáng để trải nghiệm và khám phá. Chuyến đi này đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm rất sâu sắc và đáng nhớ”, anh Noilublao Kongpob chia sẻ.
Hiện nay, Nghi Xương đang nỗ lực hướng đến xây dựng một thành phố điểm đến du lịch đẳng cấp thế giới và đưa ra nhiều sản phẩm du lịch mang đậm văn hóa sông Trường Giang, giới thiệu các dự án thế kỷ... Ngoài ra, thành phố cũng tăng cường trao đổi và hợp tác với các công ty du lịch quốc tế thông qua quảng bá tại chỗ, tham quan khảo sát thực địa; tăng cường tiếp thị thương hiệu và truyền thông quốc tế, đồng thời mở rộng mạnh mẽ thị trường nguồn khách du lịch quốc tế…
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, bà Vũ Nam Phương, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch và Thương mại quốc tế Phương Nam-một trong những đại diện doanh nghiệp du lịch lữ hành quốc tế gồm các nước ASEAN và Đức, Pháp, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc… tham gia khảo sát du lịch tại Nghi Xương cho biết, thành phố Nghi Xương là một điểm du lịch hấp dẫn, đặc biệt đối với khách du lịch Việt Nam đến đây thì chắc là họ rất thích. Phong cảnh ở đây rất hùng vĩ, nên thơ, và có những sự đón tiếp rất là nồng nhiệt, rất là chuyên nghiệp. “Tôi thấy đập Tam Hiệp là một công trình vĩ đại, thật sự tôi rất ấn tượng”, bà Vũ Nam Phương chia sẻ thêm.
Bà Vũ Nam Phương đánh giá, tiềm năng phát triển du lịch giũa Việt Nam với thành phố Nghi Xương nói riêng, hai nước Việt Nam – Trung Quốc nói chung là rất lớn. Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng hữu nghị, có nét văn hóa tương đồng, có khí hậu trong lành, phong cảnh tươi đẹp… Đặc biệt, hiện nay thành phố Nghi Xương đã mở các chuyến bay thuê chuyến đến Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, hiện nay là thời điểm tuyệt vời để hai bên tăng cường xúc tiến, quảng bá, thúc đẩy hợp tác nhằm khai thác thị trường khách du lịch của nhau.
Các bài viết cùng chuyên mục
Những bản đúc trên Chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế
Thời gian đứng vững 1 chân tiết lộ sức khỏe của bạn
Đưa Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn của Tây Nguyên
Đưa nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đến gần với giới trẻ TP Hồ Chí Minh
Khai mạc Festival Ninh Bình với chủ đề 'Dòng chảy di sản'
Rừng Đỗ Quyên cổ thụ trên núi PuTaLeng lập kỷ lục có diện tích lớn nhất Việt Nam
5 phần thịt lợn khoái khẩu của nhiều người nhưng tiềm ẩn độc hại
Loại rau nào bổ dưỡng nhất?
Cố đô Huế - Nơi di sản thăng hoa
Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)