Tập trung triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030

22/08/2024 11:14

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng đến nay, Bộ VHTTDL, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tập trung triển khai kịp thời, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030.

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng vừa thừa ủy quyền của Chính phủ gửi báo cáo việc triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 572/NQ-UBTVQH15 ngày 18/8/2022 về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV (lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch).

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng.  

Theo đó, liên quan đến lĩnh vực văn hóa, Bộ trưởng cho biết, để tập trung triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, xây dựng môi trường văn hóa ở cơ sở, xây dựng con người được chú trọng. Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Hoạt động đối ngoại về văn hóa được đẩy mạnh, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, văn hoá, con người Việt Nam với đông đảo bạn bè quốc tế.

Về kết quả đạt được, Theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL, đến nay, Bộ VHTTDL, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tập trung triển khai kịp thời, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tập trung vào một số nhiệm vụ chính.

Thứ nhất là tiếp tục tổ chức quán triệt sâu sắc, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước.

Thứ hai là hoàn thiện thể chế, chính sách, khung khổ pháp lý: Hệ thống pháp luật về văn hóa đã từng bước được rà soát, bổ sung, hoàn thiện, tạo khung khổ pháp lý cho sự phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng. Công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa thực hiện chủ động, cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra. Thông qua quá trình rà soát, đánh giá định kỳ để phát hiện những chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa chưa được thể chế hóa, những vấn đề bất cập với thực tiễn, từ đó đề xuất các giải pháp để hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng kiến tạo, khơi thông nguồn lực. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã giao Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành 03 Luật, 17 Nghị định, 01 Nghị quyết của Chính phủ, 10 Quyết định và 03 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ ba, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Bộ trưởng cho biết, văn hóa là lĩnh vực rộng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp. Để phát huy sức mạnh tổng hợp của các hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ VHTTDL một số nhiệm vụ như phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Người cao tuổi Việt Nam rà soát, xây dựng mới và tổ chức ký kết Chương trình phối hợp công tác trong giai đoạn 2022 - 2026, theo đó lấy cơ sở là địa bàn trọng tâm để tác nghiệp, bảo tồn, phát huy và nhân lên các giá trị văn hóa; phối hợp với Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam triển khai Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam với 5 nhóm tiêu chí, 40 chỉ số đánh giá đo lường, trong đó có các nhóm tiêu chí hết sức quan trọng như thượng tôn pháp luật và trách nhiệm đối với xã hội.

"Các sự kiện văn hóa, thể thao, nghệ thuật cấp quốc gia, cấp vùng tiếp tục được chỉ đạo tổ chức, gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Các sự kiện: Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc, Ngày hội VHTTDL vùng Tây Bắc, Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer Nam Bộ, Liên hoan Chèo toàn quốc, Liên hoan Cải lương toàn quốc, Hội diễn Tiếng hát công nhân toàn quốc và các chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị được phối hợp tổ chức thành công, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh" - Bộ trưởng cho hay.

Thứ tư, xây dựng và phát triển con người toàn diện. Thể lực, tầm vóc con người Việt Nam được cải thiện, đi cùng với các yêu cầu về tri thức, đạo đức, kỹ năng sống, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ VHTTDL phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức thành công Hội thảo khoa học "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới".

Cùng với đó là triển khai xây dựng các đề án, đề tài nghiên cứu những giá trị văn hóa tốt đẹp cần phát huy và những hủ tục cần được loại bỏ nhằm hướng tới xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần hình thành nhân cách con người Việt Nam như: Đề tài nghiên cứu khoa học "Vai trò của hương ước, quy ước đối với xây dựng đạo đức lối sống hiện nay"; Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình… Triển khai thí điểm Bộ chỉ số gia đình hạnh phúc tại một số địa phương. Xây dựng, nhân rộng mô hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng gắn với giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng cho rằng trong thời gian tới, với vai trò là cơ quan quản lý, Bộ VHTTDL sẽ tập trung thực hiện những giải pháp như:

Thứ nhất, tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, đó là: Hoàn thiện khung khổ pháp lý về huy động hiệu quả nguồn lực, khuyến khích sự tham gia của khu vực ngoài Nhà nước trong phát triển văn hóa; Lồng ghép các cơ chế chính sách về văn hóa trong các ngành, lĩnh vực có liên quan để đảm bảo cách tiếp cận toàn diện. Xây dựng cơ chế chính sách phân cấp, phân quyền, ủy quyền ở từng cấp, cần thực hiện, áp dụng cơ chế đặc thù tại một số địa phương.

Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để các địa phương có tiềm năng, thế mạnh và những điều kiện thuận lợi riêng để tăng cường phát triển văn hóa một cách hiệu quả nhất. Đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ cương, phân cấp và xác định trách nhiệm cụ thể cho các địa phương, các ban, ngành trong quản lý văn hóa đi đôi với kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Thứ hai, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo đó, sẽ nâng cao năng lực đội ngũ quản lý, hoạch định chính sách; cán bộ văn hóa cơ sở, cán bộ làm công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Phát triển nguồn nhân lực thực hành, sáng tạo, quản lý văn hóa, nghệ thuật có các kiến thức, kỹ năng phù hợp.

Xây dựng các chính sách đãi ngộ phù hợp cho nghệ nhân, chuyên gia, nhà sản xuất các sản phẩm và dịch vụ. Tăng cường giáo dục thanh thiếu niên về văn hóa dân tộc; tăng cường tổ chức các khóa học, chương trình nghiên cứu, trao đổi về phương pháp tiếp cận, mô hình và các kinh nghiệm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa với các chuyên gia trong nước và nước ngoài.

Thứ ba, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ. Cụ thể là phát triển khoa học công nghệ, đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ số và thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa. Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào phát triển văn hóa.

Xây dựng hệ thống lưu trữ dữ liệu và công bố dữ liệu số về văn hóa giúp các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, nhà đầu tư và công chúng dễ dàng tiếp cận tra cứu thông tin. Đầu tư các trang thiết bị phục vụ công tác xây dựng kho dữ liệu dùng chung của ngành văn hóa, chuẩn hóa, số hóa dữ liệu và Cổng dữ liệu mở để đảm bảo các dữ liệu lưu trữ sẽ được khai thác chung cho các hệ thống ứng dụng liên quan theo mô hình Chính phủ điện tử. Tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, số hóa để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Việt Nam ra nước ngoài.

Cung cấp các sản phẩm, dịch vụ văn hóa trên không gian số, thúc đẩy thị trường văn hóa trên môi trường số. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và đổi mới kịp thời trong việc áp dụng nền tảng công nghệ 4.0 vào các hoạt động nhằm đưa các sản phẩm, văn hóa Việt Nam tham gia mạnh mẽ vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa toàn cầu.

Thứ tư, phát triển thị trường các ngành công nghiệp văn hóa. Chuyển hóa tài nguyên văn hóa thành các sản phẩm và dịch vụ văn hóa có khả năng cạnh tranh mạnh trên thị trường văn hóa.

Thứ năm, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế: Chủ động mở rộng, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc. Nghiên cứu, xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Phát huy tài năng, tâm huyết của trí thức, văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài. Quảng bá văn hóa, các loại hình nghệ thuật đặc sắc của quốc gia và xuất khẩu các sản phẩm văn hóa của Việt Nam ra nước ngoài. Chủ động tham gia, thể hiện vai trò tích cực tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế về văn hóa. Tăng cường sự hiện diện của Việt Nam tại các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch quốc tế./.

 
HP
Nguồn dangcongsan.vn
Viết bình luận mới