Tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho hoạt động quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước
26/01/2025 07:52
Tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho hoạt động quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước
Việt Nam là một quốc gia nằm ở phía đông bán đảo Đông Dương, thuộc khu vực Đông Nam Á, phía bắc giáp Trung Quốc, phía Tây giáp Lào và Campuchia, phía Tây Nam giáp vịnh Thái Lan, phía Đông và phía Nam giáp Biển Đông, với 3.260 km bờ biển và có gần 3.000 hòn đảo, bãi đá ngầm lớn nhỏ, gần và xa bờ. Do vị trí địa lý nằm án ngữ trên con đường hàng hải nối liền giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, nên vùng biển Việt Nam có vị thế đặc biệt quan trọng trong giao lưu kinh tế và văn hóa với các nước trên thế giới. Việt Nam sớm tham gia tích cực vào con đường thương mại trên biển, trong đó mặt hàng xuất nhập khẩu quan trọng nhất là đồ gốm sứ.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, từ năm 1990 đến nay, trên vùng Biển Đông Việt Nam đã phát hiện hàng chục con tàu chở gốm sứ bị đắm, trong đó có 06 con tàu đã được khai quật, gồm: Tàu cổ Hòn Cau (Bà Rịa - Vũng Tàu), tàu cổ Hòn Dầm (Kiên Giang), tàu cổ Cù Lao Chàm (Quảng Nam), tàu cổ Cà Mau (Cà Mau), tàu cổ Bình Thuận (Bình Thuận) và tàu cổ Bình Châu (Quảng Ngãi), Dung Quất (Quảng Ngãi). Kết quả khai quật các con tàu cổ này đã thu được hơn 500.000 tiêu bản hiện vật gốm sứ, có nguồn gốc từ Việt Nam, Thái Lan và Trung Hoa, nằm trong khung niên đại từ thế kỷ XIII cho đến thế kỷ XVIII. Các sưu tập gốm sứ thu được từ những con tàu cổ này có giá trị lịch sử, văn hóa và kinh tế rất lớn, trong đó có nhiều sưu tập độc bản quý hiếm. Một phần trong số những sưu tập này đã được bán đấu giá với giá trị hàng triệu USD.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhằm kế thừa các quy định của pháp luật về di sản văn hoá, kịp thời thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, khắc phục những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc, trong đó có di sản văn hóa dưới nước thì việc xây dựng Nghị định quy định quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước là cần thiết, đáp ứng yêu cầu bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa dưới nước nói riêng trong thực tiễn, để thay thế cho văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Đồng thời, bảo đảm tính liên thông, liên tục với thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật Di sản văn hoá năm 2024 theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo dự thảo Nghị định, di sản văn hóa dưới nước là di sản văn hóa vật thể đang ở dưới nước có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học bao gồm: các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; các di tích, công trình xây dựng, địa điểm; di tích cổ nhân, cổ sinh vật có liên quan đến nguồn gốc của loài người, đã được con người sử dụng cùng với hiện trường tự nhiên và khảo cổ học xung quanh chúng.
Các đường ống, cống ngầm, cáp đặt, các thiết bị và công trình ngầm khác đang được sử dụng phục vụ cho đời sống của con người đặt ở dưới nước không được coi là di sản văn hóa dưới nước.
Nguyên tắc xác định sở hữu di sản văn hóa dưới nước
Dự thảo quy định việc xác định sở hữu di sản văn hóa dưới nước theo nguyên tắc sau:
1. Mọi di sản văn hóa dưới nước có nguồn gốc khác nhau tồn tại trong vùng nước nội địa, nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đều thuộc sở hữu của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Việc xác định quyền sở hữu đối với di sản văn hóa dưới nước có nguồn gốc Việt Nam nằm ngoài các vùng quy định tại khoản 1 Điều này thì căn cứ vào quy định của Luật Di sản văn hóa và các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.
Các hình thức sở hữu và sử dụng di sản văn hóa dưới nước
Dự thảo quy định Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý di sản văn hóa dưới nước thuộc sở hữu toàn dân; công nhận và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước thuộc hình thức sở hữu chung, sở hữu riêng theo quy định của pháp luật.
Việc sử dụng di sản văn hóa dưới nước được thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Quản lý việc phát hiện di sản văn hóa dưới nước
Dự thảo yêu cầu tổ chức, cá nhân khi phát hiện được di sản văn hóa dưới nước có trách nhiệm giữ nguyên hiện trạng khu vực có di sản văn hóa dưới nước và kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa hoặc cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải nơi gần nhất.
Khi cá nhân hoặc đại diện tổ chức đến thông báo về phát hiện di sản văn hóa dưới nước thì cơ quan nhà nước phải kịp thời cử người tiếp và ghi nhận đầy đủ các thông tin, đồng thời báo cáo ngay cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về văn hóa để tổ chức việc bảo vệ di sản văn hóa dưới nước đó.
Bảo vệ di sản văn hóa dưới nước sau khi phát hiện
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sau khi nhận được thông báo hoặc báo cáo về việc phát hiện di sản văn hóa dưới nước phải kịp thời tiến hành các công việc sau:
1. Tổ chức kiểm tra tính chính xác của các thông tin do tổ chức, cá nhân thông báo về địa điểm có di sản văn hóa dưới nước và các dấu hiệu có di sản văn hóa dưới nước.
2. Kịp thời lập kế hoạch triển khai bảo vệ khu vực có di sản văn hóa dưới nước; chỉ đạo và huy động lực lượng vũ trang trong tỉnh tổ chức bảo vệ an toàn, an ninh trật tự khu vực có di sản văn hóa dưới nước được phát hiện; ngăn chặn và xử lý kịp thời mọi hoạt động đánh bắt thủy, hải sản, gây nổ làm nguy hại đến sự an toàn của di sản văn hóa dưới nước.
3. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông tin về việc phát hiện di sản văn hóa dưới nước phải báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thẩm định, giám định sơ bộ các hiện vật và khu vực phát hiện di sản văn hóa dưới nước để đánh giá về di sản văn hóa dưới nước vừa phát hiện và có biện pháp quản lý, bảo vệ thích hợp; nếu di sản văn hóa dưới nước được xác định có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng về lịch sử, văn hóa, khoa học thì kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
4. Chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao (sau đây gọi chung là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức tiếp nhận, bảo quản di sản văn hóa dưới nước được giao nộp; các lực lượng công an thu hồi di sản văn hóa dưới nước được tìm kiếm hoặc trục vớt trái phép; triển khai thực hiện kế hoạch về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa dưới nước.
Những hành vi vi phạm trong quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước
Dự thảo cũng quy định cụ thể những hành vi vi phạm trong quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước gồm:
1. Thăm dò, khai quật, mua bán, vận chuyển trái phép di sản văn hóa dưới nước.
2. Tự ý tìm kiếm, trục vớt làm sai lệch hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa dưới nước.
3. Lợi dụng hoạt động nghiên cứu, thăm dò, khai quật di sản văn hóa dưới nước để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; gây thiệt hại đến tài nguyên, môi trường, sức khỏe con người.
4. Cản trở hoạt động quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
5. Các hành vi khác được quy định tại khoản 6 Điều 9 Luật Di sản văn hóa.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Nước Nước
Nguồn chinhphu.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Ăn dưa cải muối có lên nồng độ cồn không?
Ngân nga điệu Then, nhịp Tính nơi đại ngàn Tây Nguyên
Măng tươi hay măng khô tốt hơn?
Ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết
'Mùa Xuân đỏ': Chương trình đặc biệt của Đài Hà Nội kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng
Hoa cúc tốt đủ bề nhưng không dùng loại bán trưng Tết
Để tiếng cồng chiêng luôn ngân vang, rộn rã nơi vùng biên giới
Nhiều hoạt động, chương trình hấp dẫn hút khách dịp Tết Nguyên đán
Loại đồ uống khoái khẩu dịp Tết làm tăng nguy cơ mắc 7 loại ung thư
Nâng tầm lễ hội đền Trần Thái Bình