Tác động của truyền thông số và mạng xã hội đối với xã hội Việt Nam
02/06/2024 08:07
Công nghệ số và Cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng tạo ra không ít thách thức cho Việt Nam. Mạng xã hội giúp kết nối, học tập và làm việc hiệu quả hơn, nhưng cũng đặt ra nguy cơ về an ninh và văn hóa. Để đối phó, Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách và giải pháp nhằm tăng cường quản lý và phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.
Trung tướng, PGS.TS Phan Xuân Tuy: Truyền thông số và mạng xã hội không chỉ mang lại những tiện ích mới mẻ mà còn đặt ra nhiều thách thức về văn hóa và đạo đức |
Hội thảo khoa học cấp Quốc gia với chủ đề: “Văn hoá, đạo đức, pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay” do Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Học viện Cảnh sát nhân dân phối hợp tổ chức ngày 31/5 tại Hà Nội; với 93 tham luận của các nhà khoa học, chuyên gia và nhà báo đã mang đến góc nhìn tổng thể về nội dung truyền thông số trên mạng xã hội và những khó khăn hiện tại.
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số
Tham luận tại Hội thảo, Trung tướng, PGS.TS Phan Xuân Tuy, Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân nhận định: “Truyền thông số và mạng xã hội không chỉ mang lại những tiện ích mới mẻ mà còn đặt ra nhiều thách thức về văn hóa và đạo đức”.
Trung tướng Tuy cũng chỉ ra rằng, một trong những điểm sáng của thời đại số là khả năng lan tỏa nhanh chóng và rộng rãi thông tin, nhưng đồng thời, nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh và trật tự xã hội. “Việc kiểm soát và định hướng nội dung truyền thông số là một nhiệm vụ cấp thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội” - ông Tuy khẳng định.
Nhân loại đã từng chứng kiến sức ảnh hưởng mạnh mẽ khi máy thu thanh và chiếc vô tuyến đầu tiên xuất hiện, mở ra thời kỳ huy hoàng của truyền thông đại chúng. Và, khi loài người bước vào kỷ nguyên của khoa học, công nghệ, dưới tác động của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng với sự ra đời của Internet, xã hội được đón nhận những dòng chảy thông tin liên tục, xuyên suốt và tác động đến mọi mặt trong đời sống của con người.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra mạnh mẽ, mang lại những biến đổi to lớn về cả lượng và chất cho xã hội loài người. Những tiến bộ trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data) không chỉ tối ưu hóa các quy trình sản xuất mà còn thay đổi căn bản mô hình kinh tế và xã hội. Đánh giá về vấn đề này, Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng: Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ tạo ra biến đổi về lượng mà cả về chất đối với cuộc sống xã hội loài người.
Khi bàn về nội dung này, TS. Đoàn Văn Báu, Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ rằng: Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng đặc biệt quan tâm đến chuyển đổi số. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng nhấn mạnh việc thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Theo số liệu thống kê trong báo cáo thường niên về các xu hướng truyền thông xã hội do Meltwater và We Are Social công bố, lượng người dùng mạng xã hội trên toàn cầu đã vượt mốc 5 tỷ người. Tại Việt Nam, thời điểm đầu năm 2024, thực trạng sử dụng kỹ thuật số được thống kê như sau: có 78,44 triệu người dùng Internet (chiếm 79,1% dân số); 73,3% dân số sử dụng mạng xã hội; có tổng cộng 168,5 triệu kết nối di động đang hoạt động; 92,7% tổng số người dùng Internet tại Việt Nam đã sử dụng ít nhất một nền tảng truyền thông xã hội. Những con số này trở thành yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của truyền thông số. Truyền thông số được hiểu là quá trình cung cấp thông tin qua các nền tảng kỹ thuật số như mạng xã hội, ứng dụng, phần mềm, sách điện tử và trò chơi trực tuyến. Nội dung truyền thông số bao gồm nhiều hình thức như văn bản, hình ảnh, video và âm thanh.
Trong bối cảnh nền tảng kỹ thuật số phát triển, nhu cầu sử dụng công nghệ, mong muốn kết nối thông tin của xã hội tăng lên, truyền thông số cùng với các nội dung của nó có khả năng tác động, chi phối các khuôn mẫu tư duy cho đến hành vi của các cá nhân. Do đó, ở giai đoạn mới của quá trình phát triển truyền thông, các nhà quản lý dành sự lo ngại đáng kể về những nguy cơ tiềm ẩn trong các nội dung truyền thông số, đặc biệt là những vấn đề về văn hóa đạo đức sẽ tác động trực tiếp đến các thành viên trong xã hội.
Biến nguy thành cơ trong quản lý nội dung truyền thông số
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã mang lại những thay đổi to lớn, không chỉ về mặt công nghệ mà còn về cách thức con người tương tác và giao tiếp. Tuy nhiên, cùng với những lợi ích mà truyền thông số mang lại, cũng xuất hiện nhiều thách thức về văn hóa, đạo đức và an ninh. Để vượt qua những thách thức này, việc biến nguy thành cơ là cần thiết.
Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành: Cần xây dựng văn hóa đạo đức số, tạo dựng một môi trường truyền thông lành mạnh và bền vững, góp phần xây dựng xã hội phát triển toàn diện |
Sự thay đổi thói quen sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng bằng việc sử dụng điện thoại thông minh, truy cập nhiều giờ trên Internet để khai thác, tiếp nhận thông tin và tương tác, kết nối, trao đổi đã dẫn đến một bối cảnh truyền thông đầy mới mẻ và tiềm năng. Theo TS. Đoàn Văn Báu, truyền thông số được hiểu là quá trình cung cấp thông tin đến đông đảo các thành viên của cộng đồng, là một hình thức giao tiếp xã hội trên nền tảng kỹ thuật số. Nền tảng kỹ thuật số được biết đến phổ biến như mạng xã hội, các ứng dụng, phần mềm, hình ảnh kỹ thuật số, sách điện tử và trò chơi trực tuyến.
Bàn về mô hình truyền thông hai chiều của Claude Shannon, một trong các yếu tố chi phối vào quá trình truyền thông chính là thông điệp/nội dung thông điệp (Message), Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh rằng, các nhà truyền thông luôn cố gắng để thúc đẩy giá trị của các sản phẩm truyền thông. Từ thời cổ đại, các hình thức truyền thông sơ khai nhất là những hình vẽ, biểu tượng như những "dấu chỉ" được lưu lại trên hang đá, trang phục, đồ dùng; hay những hình thức truyền thông như hùng biện, truyền giáo, văn học, nghệ thuật từ xa xưa đều thể hiện khát vọng được chuyển tải tối đa các thông điệp đến với mọi người.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, những thành tựu tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật đã góp phần nâng cao chất lượng của các sản phẩm truyền thông. Trung tướng PGS.TS Phan Xuân Tuy cho rằng, Internet xuất hiện đã mở ra nền tảng không gian số, nơi con người thỏa sức tương tác và sáng tạo để kết nối. Truyền thông của thời đại mới không còn bị giới hạn bởi các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình - cơ quan ngôn luận của chính phủ. Đến nay, nội dung truyền thông số được tự do sáng tạo, khai thác bởi nhiều cá nhân, tập thể. Nội dung truyền thông số từng bước trở thành giá trị không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần, giải trí của người dân; trở thành một công cụ kinh tế đắc lực của những doanh nghiệp, tập đoàn lớn hay của những người khởi nghiệp trẻ.
Có thể nói, nội dung truyền thông trong bối cảnh hiện nay tỏ rõ vai trò của mình không chỉ trong việc cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời mà còn trở thành một tác nhân cơ bản tham gia vào quá trình định hướng mọi hoạt động của con người trong thực tiễn. Nội dung truyền thông số cần được hiểu là các nội dung được sáng tạo, xây dựng, hình thành trên các thiết bị kỹ thuật số giúp công chúng dễ dàng tiếp nhận.
Văn hoá và đạo đức - vấn đề lớn trong truyền thông số
Văn hoá và đạo đức trong truyền thông số vẫn luôn là vấn đề lớn mà toàn Đảng, toàn dân cần cải thiện từng ngày. Văn hóa đạo đức là một thành tố quan trọng của văn hóa tinh thần xã hội, thể hiện trình độ đạo đức của một cộng đồng. Nội dung truyền thông số trên mạng xã hội phải dựa trên hệ thống giá trị phù hợp với phong tục, tập quán, đức tin và lối sống của người dùng. Các nội dung truyền thông số tích cực giúp lan tỏa giá trị văn hóa, nâng cao trình độ văn hóa và duy trì thiết chế xã hội tích cực. Tuy nhiên, nội dung tiêu cực có thể gây hại cho giá trị văn hóa đạo đức, làm suy giảm niềm tin và ảnh hưởng xấu đến cộng đồng.
Những dấu ấn tích cực của truyền thông số tại Việt Nam là không thể phủ nhận, nhưng đi kèm với đó là vô vàn thách thức, đặc biệt về mặt văn hóa và đạo đức. Theo Trung tướng, PGS.TS Phan Xuân Tuy, truyền thông số không chỉ mang lại những cơ hội mới mẻ mà còn đặt ra nhiều vấn đề về văn hoá và đạo đức cần được giải quyết.
Cũng theo Trung tướng, PGS.TS Phan Xuân Tuy, nội dung truyền thông số trên mạng xã hội hiện nay đang phải đối mặt với những vấn đề về văn hóa và đạo đức. Các thông tin xấu độc, lệch lạc về giá trị truyền thống, đã làm phai nhạt tư tưởng và nhận thức của người dân, đặc biệt là giới trẻ. Ông nêu rõ: “Chúng ta đang chứng kiến sự bùng nổ của thông tin sai lệch, kích động, và điều này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng để bảo vệ giá trị văn hóa và đạo đức”.
TS. Đoàn Văn Báu: Việc tuyên truyền và giáo dục chính trị trên các nền tảng số là một bước quan trọng trong việc đảm bảo thông tin đúng đắn và tạo dựng niềm tin cho nhân dân |
Để đối phó với những thách thức từ truyền thông số, cần có các chính sách và biện pháp nghiêm ngặt để quản lý và kiểm soát nội dung trên mạng xã hội. Theo TS. Đoàn Văn Báu, việc tuyên truyền và giáo dục chính trị trên các nền tảng số là một bước quan trọng trong việc đảm bảo thông tin đúng đắn và tạo dựng niềm tin cho nhân dân. Ông nhấn mạnh: “Cần phải có các chính sách và biện pháp nghiêm ngặt để quản lý và kiểm soát nội dung trên mạng xã hội, đảm bảo rằng các giá trị văn hóa và đạo đức được duy trì và phát huy”.
Việc xây dựng văn hóa đạo đức số là một nhiệm vụ cần thiết và cấp bách. Thượng tướng PGS.TS Nguyễn Văn Thành cho rằng: “Chúng ta cần đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền về sử dụng mạng xã hội một cách có trách nhiệm, và khuyến khích người dân tham gia vào việc xây dựng một không gian mạng lành mạnh. Chúng ta cần xây dựng văn hóa đạo đức số, tạo dựng một môi trường truyền thông lành mạnh và bền vững, góp phần xây dựng xã hội phát triển toàn diện.”
Để vượt qua những thách thức từ truyền thông số, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội và cộng đồng mạng nhằm tạo ra một môi trường truyền thông số lành mạnh, an toàn và bền vững. Với các chính sách quản lý phù hợp, việc giáo dục và nâng cao nhận thức, cùng với sự đóng góp tích cực của lực lượng Công an nhân dân, lực lượng báo chí, truyền thông, Việt Nam có thể tạo ra một môi trường truyền thông số an toàn, lành mạnh và phát triển bền vững./.
Các bài viết cùng chuyên mục
Biên giới Việt - Lào: Tình thân gắn kết - hữu nghị tỏa sáng
Trở lại thời bao cấp qua chương trình quảng bá du lịch đêm Hà Nội
Hai điểm lạ của cơn đau đầu cảnh báo u não
Chiếc áo Nhật Bình - Lễ phục của Hoàng hậu Nam Phương đã "hồi hương"
22 tác phẩm đoạt giải ảnh nghệ thuật "Tự hào một dải biên cương"
Bắc Mỹ nghiêng ngả trước cặp đôi phù thủy
Nhặt da, sơn sửa nhiều có làm móng tay nhanh hỏng?
Vinh danh tài năng trẻ xuất sắc trong lĩnh vực Tâm lý - Giáo dục
Loại rau nào bổ dưỡng nhất?
Thêm hành lang pháp lý để bảo vệ và phát huy giá trị di sản