Phát triển sân khấu cho thiếu nhi: Trách nhiệm chung của cộng đồng

02/06/2024 11:08

Phát triển sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng là rất cần thiết. Bởi, thiếu niên, nhi đồng vừa là khán giả, vừa là nguồn lực của sân khấu Việt sau này. Để làm được điều đó, lực lượng làm nghệ thuật, cũng như cộng đồng, xã hội cần chung tay, góp sức.

 Cảnh trong vở nhạc kịch sử Việt “Lá cờ thêu 6 chữ vàng” của Sân khấu Sen Việt, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TIẾN ĐẠT 

* Còn ít tác phẩm sân khấu thiếu nhi

Có mặt tại đêm diễn vở “Bộ quần áo mới của hoàng đế” - Nhà hát Kịch Việt Nam tại sân khấu Galaxy Star, chứng kiến các khán giả thiếu nhi hào hứng theo dõi vở kịch, đồng thời vui vẻ, hăng hái tham gia các trò chơi, màn hỏi đáp, giao lưu thú vị với các nghệ sỹ…, rồi những tràng pháo tay sôi nổi liên tục vang lên rộn rã, làm nóng cả khán phòng.

Không khí sôi nổi, hào hứng tương tự cũng xuất hiện khi các em đến xem các vở diễn dành cho thiếu nhi như “Bữa tiệc của Elsa”, “Bầy chim thiên nga”, “Con mèo dạy hải âu bay” của Nhà hát Tuổi trẻ; “Rồng thần trở lại” của Nhà hát Kịch Việt Nam; vở diễn xiếc “Giấc mơ tuổi thần tiên” của Liên đoàn Xiếc Việt Nam…

Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam kể, tại Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất, diễn ra vào trung tuần tháng 5 vừa qua, ông đã chứng kiến có gia đình đưa con đi xem 3 đêm liên tục. Có những cháu nhỏ xem hết chương trình vẫn không chịu về, chờ bằng được để nhận quà và lên sân khấu chụp ảnh với nhân vật mình yêu thích. Thậm chí có hôm trời mưa dông lớn, nhiều người nghĩ khán phòng sẽ vắng, nhưng trước giờ biểu diễn, nhà hát vẫn kín khán giả, không còn một chỗ trống.

Quả thực, phải đến tận khán phòng, chứng kiến không khí sôi nổi của các buổi diễn, chứng kiến sự cuồng nhiệt của khán giả nhí, mới thấy sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng cần thiết tới mức nào. Tuy nhiên, theo Nghệ sỹ Nhân dân Xuân Bắc, hiện nay, các tác giả, tác phẩm sân khấu dành cho thiếu nhi còn quá ít, một số thành phần sáng tạo - diễn viên vẫn đưa cái nhìn của người lớn vào tác phẩm của mình, cách diễn của một số nghệ sỹ khiến nhiều tác phẩm không có góc nhìn ngây thơ, trong sáng, đáng yêu để thu hút khán giả nhỏ tuổi. Bên cạnh đó, vẫn còn có sự nhầm lẫn giữa tác phẩm sân khấu đề tài thiếu nhi và tác phẩm dành cho thiếu nhi…

Nghệ sỹ Ưu tú Cao Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, cũng thừa nhận, lâu nay vấn đề kịch bản cho thiếu nhi là tương đối khó vì ít tác giả viết cho trẻ em. Nhiều năm qua, Nhà hát Tuổi trẻ đã phải vận dụng tìm kiếm từ nhiều nguồn. Gần đây, Hội Nghệ sỹ Sân khấu đã phát động cuộc thi sáng tác kịch bản cho trẻ em, giúp nhà hát tìm được một số kịch bản phù hợp và đưa vào kế hoạch dàn dựng ngay trong năm 2024. Bên cạnh khâu kịch bản, đội ngũ sáng tạo, như: biên kịch, đạo diễn, nhạc sỹ, biên đạo, thiết kế mỹ thuật, âm thanh ánh sáng thường xuyên cập nhật những yếu tố mới, văn minh hiện đại trên thế giới, ứng dụng vào các vở diễn dành cho thiếu nhi, tăng tính hấp dẫn cho khán giả...

Theo Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, sân khấu vốn là một loại hình mang đủ yếu tố để có thể thu hút và khiến khán giả nhỏ tuổi yêu thích. Tuy nhiên, sân khấu hiện nay đang gặp vấn đề nan giải là khan hiếm kịch bản dành cho đối tượng khán giả này. Các tác phẩm sân khấu dành cho thiếu nhi ít, chất lượng chưa đồng đều, còn chú trọng nhiều đến tính giải trí và phổ cập đối với thiếu nhi hơn những yếu tố văn hóa, giáo dục. Những bài học lồng ghép trong tác phẩm còn gượng ép, chưa thiết thực, chưa phát huy được hết tác dụng, vai trò quan trọng trong việc giáo dục, định hướng nhân cách, tình yêu nước và sự hiểu biết về văn hóa dân tộc.

* Cần sự chung tay

Với nhiều năm kinh nghiệm phục vụ khán giả thiếu nhi, được trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với các em, Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho rằng, việc phát triển sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng là rất cần thiết. Bởi, thiếu niên, nhi đồng vừa là khán giả, vừa là thế hệ tương lai của sân khấu Việt sau này.

Đồng quan điểm, Nghệ sỹ Nhân dân Trung Hiếu cho rằng, những thế hệ khán giả nhí ngày hôm nay cần phải được chăm chút, đầu tư để trở thành những con người biết thưởng thức, yêu thích và đam mê nghệ thuật. Đó cũng chính là nguồn nhân lực đầy tiềm năng cho sân khấu Việt trong tương lai.

Nghệ sỹ Nhân dân Lệ Ngọc - người sáng lập Sân khấu Lệ Ngọc cũng thừa nhận, hơn 50 năm hoạt động trong nghề, bà nhận thấy các đề tài và tác phẩm sân khấu về thiếu nhi, dành cho thiếu nhi còn rất ít, đây là thiếu sót lớn. Là đơn vị sân khấu xã hội hóa với hàng nghìn buổi diễn “cháy vé”, Sân khấu Lệ Ngọc rất quan tâm đến đầu ra cho tác phẩm. Mỗi lần dựng tác phẩm mới, ê kíp sáng tạo luôn phải suy nghĩ, nghiên cứu, tính toán và thực hiện thật chỉn chu thì mới có thể đưa các em nhỏ đến với sân khấu nhiều nhất.

Theo Nghệ sỹ Nhân dân Lệ Ngọc, trẻ thơ phải được tiếp xúc với sân khấu, tìm hiểu về sân khấu từ bé, để nuôi dưỡng tình yêu với sân khấu của các em. Để làm được điều này, cần có nguồn kinh phí rất lớn và cần sự chung tay của cộng đồng, xã hội.

Phó Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Đăng Chương cho biết: 70 năm qua, cho đến năm 2024, mới có một liên hoan nghệ thuật mang quy mô toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng. Không chỉ liên hoan, các giải thưởng sân khấu cũng rất hiếm tác phẩm dành cho đối tượng khán giả nhỏ tuổi.

Theo ông Nguyễn Đăng Chương, số lượng 14 đơn vị nghệ thuật có mặt tham dự Liên hoan sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất vừa qua tại Hải Phòng đã cho thấy, đó là con số rất ít ỏi, so với số lượng các đơn vị nghệ thuật hùng hậu trên toàn quốc hiện nay.

Ông Nguyễn Đăng Chương bày tỏ mong muốn, lực lượng làm nghệ thuật cũng như cộng đồng, xã hội quan tâm nhiều hơn tới thế hệ khán giả tương lai cho sân khấu, bởi đây cũng là nguồn nhân lực để đào tạo tài năng nghệ thuật cho sân khấu Việt sau này.

Nghệ sỹ Nhân dân Lê Chức, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam bày tỏ mong muốn, các ban, ngành, từ Trung ương đến địa phương cần quan tâm, vào cuộc để phát triển sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng, từ xây dựng cơ sở vật chất, cho đến nguồn kinh phí, đào tạo nhân lực…, để sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng nói riêng, sân khấu Việt nói chung phát triển hơn, có nhiều tác phẩm chất lượng đến với công chúng, đặc biệt là các khán giả trẻ, thiếu niên, nhi đồng.

Cuối năm 2023, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam đã phát động cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng và đạt được những kết quả tốt, có nhiều vở diễn từ cuộc vận động sáng tác đưa lên sân khấu ngay trong năm 2024, nhưng như vậy là chưa đủ. Cùng với Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất, diễn ra vào tháng 5/2024, những người yêu nghệ thuật sân khấu, yêu thiếu nhi mong muốn, đây sẽ là một “cú hích”, để các đơn vị nghệ thuật, các tỉnh, thành phố, các bộ, ban, ngành dành sự quan tâm xứng đáng với nghệ thuật sân khấu cho thiếu niên, nhi đồng, để các em từ biết đến hiểu, từ hiểu đến yêu thích, từ yêu thích đến say mê và bằng cảm quan trong tâm hồn để có thể thẩm định một tác phẩm sân khấu theo cách riêng của mình./.

 
Phương Lan/TTXVN
Viết bình luận mới