Phát triển du lịch sinh thái có trách nhiệm với môi trường

12/04/2024 15:08

Vườn Quốc gia Cúc Phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển du lịch sinh thái bền vững gắn với bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.

Vườn Quốc gia Cúc Phương (nằm trên địa phận 3 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình) là một trong những nơi có tính đa dạng sinh học cao với nhiều loài động, thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Bên cạnh sự đa dạng của thảm thực vật, hệ động vật Cúc Phương rất phong phú và độc đáo. Với những tiềm năng về sản phẩm cứu hộ, bảo tồn, Vườn Quốc gia Cúc Phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển du lịch sinh thái bền vững gắn với bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học. 

Chú thích ảnh

Vườn Quốc gia Cúc Phương. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học

Vườn Quốc gia Cúc Phương là vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam thực hiện nhiều sản phẩm du lịch sinh thái có trách nhiệm với môi trường. Năm năm liền, Vườn được bình chọn là Vườn Quốc gia hàng đầu châu Á. Nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch sinh thái nhưng vẫn đảm bảo môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học, Vườn đã triển khai Đề án Phát triển du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Cúc Phương giai đoạn 2023 - 2030.

Đề án được xây dựng với quan điểm coi bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học là nhiệm vụ quan trọng nhất của Vườn, lấy đó là trọng tâm để phát triển du lịch, hướng tới du lịch sinh thái bền vững; lồng ghép, nâng cao kiến thức, giáo dục trải nghiệm về thiên nhiên, đa dạng sinh học, động vật hoang dã và các loài đặc hữu của Vườn tới du khách. Đề án góp phần phát huy những giá trị văn hóa - lịch sử, là tiềm năng của Vườn trong các hoạt động du lịch, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, trải nghiệm của du khách, đồng thời định hướng tổ chức không gian và cơ sở vật chất kỹ thuật cho du lịch sinh thái; phát triển du lịch sinh thái theo cung - cầu; tăng cường vị thế và hình ảnh của Vườn thông qua phát triển du lịch sinh thái.

Giám đốc Vườn Quốc gia Cúc Phương Nguyễn Văn Chính cho biết, Vườn có diện tích trên 22 nghìn héc-ta, mang đặc trưng rừng mưa nhiệt đới trên núi đá vôi các-xtơ, chứa đựng hệ giá trị đa dạng sinh học, nhiều dấu chỉ khảo cổ vô cùng quý giá. Tuy diện tích chỉ bằng 0,07% so với cả nước nhưng riêng về thực vật, rừng chiếm khoảng 58% số họ, trên 36% số chi, trên 17% số loài trong tổng số chi, họ, loài thực vật của Việt Nam. Về động vật, Vườn cũng sở hữu nhiều loài đặc hữu, có giá trị khoa học cao như sóc bụng đỏ Cúc Phương, cá niết hang Cúc Phương, vọoc mông trắng… Vườn đã chủ động hợp tác thành công nhiều chương trình bảo tồn loài mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Từ cánh rừng này, cùng với việc tổ chức có hiệu quả hoạt động giáo dục trải nghiệm cho học sinh phổ thông các cấp, nhiều sản phẩm du lịch độc đáo được xây dựng và vận hành. Qua đó, để lại ấn tượng cho nhiều thế hệ học sinh, sinh viên, tình nguyện viên, chuyên gia bảo tồn, du khách trong và ngoài nước; làm tiền đề khởi nguồn cho hoạt động du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng ở Việt Nam, đặt nền móng cho các sản phẩm du lịch tại nhiều khu rừng đặc dụng trong cả nước.

Bà Nguyễn Hoàng Mai, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho biết, hiện nay Vườn Quốc gia Cúc Phương vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong phát triển du lịch sinh thái, từ xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, truyền thông và quảng bá du lịch sinh thái theo hướng bền vững. Đến nay, Vườn vẫn hoạt động theo hình thức duy nhất là tự tổ chức các loại hình du lịch, cung cấp dịch vụ cho du khách.

Để tạo bước chuyển biến trong việc bảo tồn thiên nhiên và khai thác hợp lý các thế mạnh, tiềm năng của Vườn Quốc gia Cúc Phương theo định hướng phát triển của ngành Du lịch trong nước và tại địa phương, việc xây dựng Đề án phát triển du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Cúc Phương giai đoạn 2023-2030 là yêu cầu cần thiết, tạo điều kiện phát triển du lịch sinh thái theo hướng bền vững, tăng nguồn thu, góp phần đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học của Vườn và hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Đề án đặt việc bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học là nhiệm vụ quan trọng số một của Vườn, đồng thời lấy đó là trọng tâm để phát triển du lịch. Đề án tôn trọng những nguyên tắc cơ bản như hạn chế tối đa các tác động đến hệ sinh thái và đời sống của các loài động thực vật hoang dã ở Vườn, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và duy trì, khôi phục giá trị văn hóa bản địa thông qua việc gắn kết, lồng ghép với các hoạt động du lịch cộng đồng... Vườn cần phát huy những giá trị văn hóa-lịch sử là tiềm năng trong các hoạt động du lịch nhằm đa dạng hóa sản phẩm, trải nghiệm của du khách; nâng cao chất lượng dịch vụ; truyền tải thông điệp về môi trường thông qua các hoạt động trải nghiệm, giáo dục, diễn giải... một cách trực quan, sống động và thực tiễn.

Vườn Quốc gia Cúc Phương thực hiện nhiều giải pháp nhằm duy trì danh hiệu Vườn Quốc gia hàng đầu châu Á, phấn đấu đạt được các danh hiệu khác cả trong nước và quốc tế; thu hút sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa từ cơ quan quản lý nhà nước các cấp, tổ chức phi chính phủ, cùng sự hợp tác, kết nối với các vườn quốc gia trong và ngoài nước, các đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp...

Lan tỏa thông điệp bảo tồn, phát triển bền vững

Nhằm thực hiện kì vọng xây dựng Cúc Phương thành một Vườn Quốc gia kiểu mẫu, trường học lớn về giáo dục trải nghiệm thiên nhiên, từng bước thực hiện lộ trình chiến lược tái định vị thương hiệu Du lịch Cúc Phương trong giai đoạn mới, lan tỏa mạnh mẽ thông điệp về tình yêu thiên nhiên tới xã hội, Vườn đã triển khai sản phẩm du lịch "Thêm xanh cho cánh rừng già". Đây là một trong những những sản phẩm độc đáo đã tạo nên thương hiệu du lịch sinh thái riêng của Cúc Phương.

Tại đây, du khách sẽ được nhận tư vấn trực tiếp từ cán bộ khoa học của Trung tâm Bảo tồn và Phát triển sinh vật Vườn Quốc gia Cúc Phương về giống cây trồng, vị trí trồng, đặc biệt là trực tiếp trồng những “mầm xanh” ấy với ý nghĩa gieo những ước nguyện xanh, trao gửi tình yêu với thiên nhiên, lan tỏa tình yêu thiên nhiên với tất cả mọi người.

Du khách sẽ được tận tay gắn “thẻ tem” lên cây do mình trồng, truy suất mã vạch để nhận thông tin tại website chính thức của Vườn, như: Tên thông dụng và tên khoa học của cây trồng, tình trạng, số lượng và thời gian trồng cây, thông tin tập thể/cá nhân trồng… Đặc biệt, du khách sẽ được nhận chứng nhận đã tham gia hoạt động trồng cây “Thêm xanh cho cánh rừng già” của Giám đốc Vườn Quốc gia Cúc Phương trao tặng.

Không chỉ dừng lại tại việc trồng cây, du khách sẽ tiếp tục được nhận thông tin về tình trạng cây trồng sau đó và có thêm niềm vui khi quay trở lại, chiêm ngưỡng cây do mình trồng, góp một phần nhỏ bé phủ thêm xanh cánh rừng.

Sau "Thêm xanh cho cánh rừng già", Vườn đã hình thành một số sản phẩm du lịch mới như các chương trình giáo dục trải nghiệm thiên nhiên gắn với lứa tuổi hay đồng hành cùng những chuyến tái thả động vật hoang dã trở lại tự nhiên. Các sản phẩm này đều mang ý nghĩa "thêm xanh", với hy vọng truyền tải tình yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ thiên nhiên tới mọi người.

Ông Bùi Chính Nghĩa, Cục trưởng Cục Kiểm lâm nhấn mạnh, Việt Nam có hệ sinh thái tài nguyên rừng rất phong phú, một hệ sinh thái rừng nhiệt đới có nhiều giá trị về đa dạng sinh học về bảo tồn. Nếu chúng ta phát huy được tốt thì đây là một trong những tiềm năng lợi thế không có nhiều quốc gia ở khu vực Đông Nam Á có được. Tuy nhiên, du lịch sinh thái trong những khu rừng còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố đặc biệt là điều kiện kinh tế của đất nước, của địa phương có rừng và nhận thức của người dân.

Theo ông Bùi Chính Nghĩa, hiện nay, nhận thức của người dân, khách du lịch được nâng lên rất cao. Do vậy, để phát huy tốt giá trị mỗi khu rừng, chủ rừng cần chuyên nghiêp hóa trong quản lý, phục vụ, đảm bảo du lịch sinh thái hướng tới những khách hàng có ý thức tốt trong bảo vệ môi trường. Các chủ rừng cần chú trọng vào văn hóa của từng địa phương, đưa văn hóa truyền thống của người dân vào trong sản phẩm du lịch.

Vườn Quốc gia Cúc Phương vừa tổ chức hội thảo để lấy ý kiến của rộng rãi cộng đồng, các bên liên quan về việc phát triển du lịch sinh thái trong Vườn. Một số giải pháp được đưa ra tại hội thảo là có sự tham gia của các nhà khoa học, các bên liên quan để tính toán được mức độ phát triển du lịch sinh thái; phát huy vai trò hệ sinh thái rừng để làm du lịch chứ không có tác động gây ảnh hưởng đến các khu rừng...

Ông Bùi Chính Nghĩa đánh giá, Vườn Quốc gia Cúc Phương đã phối hợp rất tốt với người dân địa phương vùng đệm và với cộng đồng trong các hoạt động bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học cũng như phát triển hoạt động du lịch. Thời gian tới, Vườn cần tiếp tục xác định phát triển du lịch là một trong những mục tiêu quan trọng nhưng không đánh đổi bằng mọi giá; cần hạn chế tối đa các tác động đến hệ sinh thái và đời sống của các loài động thực vật hoang dã, tạo sự cân bằng, hài hòa giữa phát triển du lịch và bảo tồn; duy trì tốt danh hiệu Vườn Quốc gia hàng đầu châu Á.

Hải Yến (TTXVN)
Nguồn baotintuc.vn
Viết bình luận mới