Nước rau muống luộc sẫm màu là do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật?

02/04/2024 13:19

Màu sắc sẫm hơn của canh rau muống khiến nhiều bà nội trợ lo lắng liệu đây có phải biểu hiện của việc tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.

Phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách Khoa, Hà Nội, tư vấn:

Rau muống là loại rau phổ biến ở nước ta, có nhiều giá trị dinh dưỡng, bổ sung chất xơ. Nước rau muống khi luộc có nhiều màu sắc khác nhau, màu vàng xanh, nâu đục, xanh đậm… Màu nước rau luộc thay đổi có thể do dư lượng canxi và magie, tạo tính kiềm hoặc do nguồn nước bạn dùng luộc rau. Rau tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật sẽ tạo ra mùi nồng, hôi, mùi thuốc hóa học, không tạo màu trên nước rau.

Nếu mua rau về luộc có màu sắc sẫm hơn, bạn không nên lo lắng. Bạn có thể chờ nước canh nguội, vắt thêm chanh trước khi ăn. Cốt chanh sẽ giúp nước canh trong hơn. 

Để luộc rau ngon, bạn nên cho chút muối vào nước luộc. Khi nước sôi đủ 100 độ C, bạn cho rau vào trộn đều và đun to lửa, không đậy vung để rau xanh, chín đều.

Lưu ý, hiện nay một số vùng đất bị ô nhiễm khiến rau muống có thể nhiễm kim loại trong đó có nhiễm chì. Rau muống nhiễm chì có màu xanh đen, thân rau to, có vị chát. Do đó, bạn nên tìm mua rau có nguồn gốc rõ ràng. Tránh rau có ngọn non bấy, nhiều đọt vượt lên.

Một số nhóm người cần kiêng ăn rau muống và nước canh: Bệnh nhân có tiền sử huyết áp thấp; huyết áp cao, nhịp tim chậm, uy nhược nặng, hư hàn. Người có vết thương, mụn nhọt đang trong quá trình lành, rau muống có thể làm sẹo lồi xấu. Rau muống cũng có thể làm ảnh hưởng đến tác dụng của một số loại thuốc Đông Y, đặc biệt là các thang thuốc có vị độc cần thiết để chữa bệnh (độc trị độc). 

Nguồn vietnamnet.vn

Viết bình luận mới