Những bản tin mang bút tích Chủ tịch Hồ Chí Minh
16/09/2022 07:47
Trong lịch sử phát triển của báo chí Cách mạng Việt Nam, TTXVN là một trong số những cơ quan báo chí được Bác Hồ đặc biệt quan tâm.
Sinh thời, Bác Hồ luôn dành cho phóng viên Việt Nam thông tấn xã, nay là Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) sự quan tâm và tình cảm đặc biệt. Mỗi lần đi làm tin phục vụ Bác, các phóng viên đều xin ý kiến Bác, được Bác xem lại và sửa tin rất kỹ càng. Câu nào chưa chuẩn, Bác góp ý nhẹ nhàng. Trên những bản tin đó, Bác ghi bằng mực đỏ, chữ rõ ràng, đó là những bài học nghiệp vụ sâu sắc cho những người làm báo thông tấn nói riêng và đội ngũ những người làm báo cách mạng Việt Nam nói chung về cách viết, cách biên tập sao cho ngắn gọn, dễ hiểu, gần gũi mà sâu sắc, thấm đẫm tính nhân văn…
Những bản tin của TTXVN có bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được các phóng viên chuyên trách lưu giữ và trân trọng hiến tặng cơ quan để trưng bày ở Phòng truyền thống tại số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
Trong cuộc đời làm báo, nhiều cán bộ, phóng viên TTXVN có hạnh phúc lớn là được gặp và phục vụ Bác Hồ. Một số phóng viên TTXVN vinh dự được cùng ăn cơm với Bác, được Bác thân mật hỏi thăm sức khoẻ và gia đình. Bác luôn dành tình cảm đặc biệt cho tập thể và những cán bộ, phóng viên khi có dịp được phục vụ Bác, tạo điều kiện cho phóng viên trong khi tác nghiệp.
Nhà báo Đinh Chương (đã mất năm 2016) là phóng viên vinh dự được phục vụ Bác Hồ từ năm 1956 - 1969 trong một số hoạt động đối nội, đối ngoại của Người, đã nhiều lần được Bác sửa bản tin. Nhà báo Đinh Chương từng chia sẻ, khi sửa các bài viết, Bác hết sức chú ý đến nội dung chính trị trong từng chữ dùng, từng chi tiết nhỏ. Bác chu đáo đến từng dấu chấm, phẩy, từng cách đặt câu cho câu văn được sáng sủa, dễ hiểu. Từng lời, từng chữ Bác dùng rất chính xác, trong sáng, giản dị, dễ hiểu. Trong suốt quãng đời làm báo của mình và cả những khi có dịp nói chuyện với lớp sau, nhà báo Đinh Chương luôn nhắc lời Bác dạy: “Cán bộ báo chí là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí. Ngòi bút của nhà báo là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”.
Sinh thời, nhà báo Lê Việt Thảo (1928 - 2007) vẫn luôn nhớ mãi sự ấm áp của Người đối với phóng viên TTXVN. Trong một lần đến đưa tin tại Phủ Chủ tịch, dọc đường gặp mưa nên bị ướt hết, nhà báo Lê Việt Thảo đã được Bác quan tâm nhắc nhở lấy khăn lau người và dặn dò. “Nhận tách trà nóng từ tay Bác tôi uống cạn mà nước mắt cứ trào ra. Tiếng Bác dịu dàng: Đi đâu phải mang tơi, đội nón, nắng mưa đều dễ bị cảm. Phải biết giữ gìn sức khỏe, mới làm việc lâu bền và làm việc tốt hơn. Nói xong, Bác bước ra đón khách. Tôi sửa sang áo quần, đầu tóc đứng vào một chỗ, chuẩn bị viết tin”, nhà báo Lê Việt Thảo chia sẻ trong một bài hôì tưởng về Bác trên Nội san Thông tấn.
Không chỉ đồng hành cùng các phóng viên TTXVN trong suốt quá trình làm việc, đến tận cuối đời, Bác vẫn dõi theo thông tin của TTXVN. Bà Vũ Thu Hằng, cán bộ Khu di tích Phủ Chủ tịch từng chia sẻ, trên bàn làm việc của Người ở tầng 2 ngôi nhà sàn tại Khu di tích Phủ Chủ tịch hiện vẫn còn nguyên tập bản tin sinh thời Người đã đọc và nghe đọc. Đó là 12 tập bản tin do TTXVN phát hành từ ngày 5 đến ngày 18/8/1969. Những ngày cuối cùng, tuy sức khoẻ đã yếu nhưng Bác vẫn theo dõi thường xuyên tin tức, báo chí và cho ý kiến những bài, tin mà Bác nghe đọc.
Trong 12 tập bản tin Người đã đọc và nghe đọc tại ngôi nhà sàn trong thời gian cuối đời có 9 tập mà Người đã để lại bút tích trên các tài liệu này gồm các nét gạch, đánh dấu bằng chữ Hán và chữ Việt.
Trước khi đi xa, Bác còn nhận xét bản tin nhanh 7 giờ ngày hôm đó của TTXVN. Đó là lần nhận xét cuối cùng của Bác đối với tin của TTXVN. Những trang giấy Người viết bản Di chúc trước lúc “từ biệt thế giới này” là mặt sau của bản tin nhanh tham khảo đặc biệt của TTXVN ngày 3/5/1969.
Tiếc thương Bác vô hạn, trong lễ truy điệu Người ngày 11/9/1969 do cơ quan tổ chức, Bộ Biên tập, Thường vụ Đảng ủy và Công đoàn TTXVN đã nhắc lại công ơn trời biển, những kỷ niệm sâu sắc của Bác đối với TTXVN và hô vang 7 lời thề để thực hiện tốt những điều Bác Hồ dạy và học tập tấm gương của Bác đưa sự nghiệp thông tấn ngày càng phát triển, phục vụ đắc lực công cuộc giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước lên chủ nghĩa xã hội. Những lời hứa với Bác Hồ, đến ngày nay, các thế hệ cán bộ, phóng viên của TTXVN vẫn luôn khắc ghi, như kim chỉ nam cho mọi nỗ lực, phấn đấu để hoàn thành tâm nguyện của Người.
Các bài viết cùng chuyên mục
Hơn 50 đầu sách được lựa chọn tham dự Hội chợ sách thiếu nhi quốc tế Busan
Người Nhật ăn cơm đều đặn nhưng không béo: 5 thói quen cần học tập
Tổ chức xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số
Thêm 6 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt
Xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ đợt 7
Biên giới Việt - Lào: Tình thân gắn kết - hữu nghị tỏa sáng
Trở lại thời bao cấp qua chương trình quảng bá du lịch đêm Hà Nội
Hai điểm lạ của cơn đau đầu cảnh báo u não
Chiếc áo Nhật Bình - Lễ phục của Hoàng hậu Nam Phương đã "hồi hương"
22 tác phẩm đoạt giải ảnh nghệ thuật "Tự hào một dải biên cương"