Mối liên hệ giữa uống 1 cốc bia mỗi ngày và cơn đau đột ngột
04/09/2024 13:20
Nghiên cứu kéo dài 13 năm cho thấy uống bia thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout - một dạng viêm khớp gây đau đớn đột ngột.
Trước đây, bệnh gout (một dạng viêm khớp) được mệnh danh là “bệnh của vua chúa” vì hay tấn công những người đàn ông trung niên giàu có, ăn quá nhiều thực phẩm bổ dưỡng kèm các loại rượu. Việc chữa trị căn bệnh này cũng rất tốn kém.
Trong những thập kỷ gần đây, do sự gia tăng của thực phẩm nhiều chất béo, đường và muối nên số ca mắc bệnh gout cũng nhiều hơn.
Ở Anh, khoảng 1,5 triệu người rơi vào tình trạng trên, trong đó hơn 200.000 người phải nhập viện mỗi năm. Các nghiên cứu cho thấy ăn uống vô độ và ít vận động đã dẫn tới bệnh gout. Đây là phản ứng viêm đối với các tinh thể urat hình thành trong và xung quanh khớp, chủ yếu ảnh hưởng đến bàn chân.
Urate là sản phẩm phụ của cơ thể khi tiêu hóa purine - chất hóa học có hàm lượng cao trong một số loại thực phẩm. Thịt đỏ, nội tạng, hải sản, đồ uống có cồn và có đường là những nguồn tiềm năng chứa purin.
Theo Daily Mail, các nhà nghiên cứu đã theo dõi thói quen dùng đồ uống có cồn của hơn 400.000 người Anh từ 37 đến 73 tuổi và không bị bệnh gout.
Trong quá trình theo dõi kéo dài 13 năm, nhóm tác giả phát hiện nguy cơ mắc bệnh gout tăng lên khi mọi người tiêu thụ nhiều bia hơn. Một người đàn ông uống trung bình 1-1,5 lít bia một tuần có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 18% so với người không uống. Nguy cơ này tăng gấp đôi ở những người uống hơn 3 lít một tuần (khoảng 1 cốc bia/ngày).
Nguy cơ | Lượng rượu mỗi tuần | Tác động |
---|---|---|
Thấp | 1-2 cốc bia hoặc 1-2 ly rượu | Không có tác động rõ ràng |
Trung bình | 3-6 cốc bia hoặc 3-6 ly rượu | Tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư, tổn thương não và các vấn đề sức khỏe khác |
Cao | Trên 7 cốc bia hoặc 7 ly rượu | Tăng nguy cơ mắc ung thư và các vấn đề sức khỏe khác và có thể gây tử vong vì các vấn đề liên quan đến rượu bia |
Các nhà nghiên cứu cũng thu thập dữ liệu về mối liên hệ giữa những loại đồ uống khác và bệnh gout. Theo đó, 1 ly rượu vang đỏ mỗi ngày làm tăng khả năng mắc bệnh gout lên 12% ở nam giới nhưng không cho thấy nguy cơ ở nữ giới. Rượu vang trắng và rượu sâm panh làm tăng nhẹ nguy cơ mắc bệnh ở cả hai giới.
Viết trên tạp chí JAMA Network Open, các nhà khoa học từ Đại học Tô Châu (Trung Quốc) đánh giá: “Những phát hiện trên cho thấy một số loại đồ uống có cồn liên quan đến nguy cơ mắc bệnh gout ở cả nam giới và nữ giới. Bởi vậy, bạn nên hạn chế tiêu thụ rượu bia để phòng ngừa bệnh, bất kể giới tính”.
Bệnh gout cũng liên quan đến tình trạng thừa cân và có thể do thuốc gây ra, chẳng hạn như một số loại thuốc điều trị huyết áp cao.
Trong nhiều năm, các chuyên gia hàng đầu đã tranh cãi về tác động của việc uống rượu vừa phải tới sức khỏe. Năm 2023, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng không có lượng rượu nào là an toàn.
Nguồn vietnamnet.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Những bản đúc trên Chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế
Thời gian đứng vững 1 chân tiết lộ sức khỏe của bạn
Đưa Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn của Tây Nguyên
Đưa nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đến gần với giới trẻ TP Hồ Chí Minh
Khai mạc Festival Ninh Bình với chủ đề 'Dòng chảy di sản'
Rừng Đỗ Quyên cổ thụ trên núi PuTaLeng lập kỷ lục có diện tích lớn nhất Việt Nam
5 phần thịt lợn khoái khẩu của nhiều người nhưng tiềm ẩn độc hại
Loại rau nào bổ dưỡng nhất?
Cố đô Huế - Nơi di sản thăng hoa
Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)