Lý do nhiều người nguy kịch sau khi ăn xà lách

10/07/2024 13:30

Thêm 13 người nữa đã bị nhiễm vi khuẩn E. coli sau khi ăn rau xà lách, nâng tổng số ca bệnh lên 288.

Mới đây, Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) cho biết các bệnh nhân đều có triệu chứng từ trước ngày 10/6. Số lượng bệnh nhân mới được ghi nhận đang có xu hướng giảm dần. Hiện đợt bùng phát nhiễm E. coli sau khi ăn rau xà lách ở Anh đã khiến 1 người tử vong. 

Bà Amy Douglas, Giám đốc Sự cố của UKHSA, thông tin: “Tình hình khả quan hơn khi số trường hợp mắc mới đang tiếp tục giảm. Tuy nhiên, chúng tôi ước tính sẽ ghi nhận thêm một số trường hợp liên quan đến đợt bùng phát này khi tiếp tục xét nghiệm các mẫu được chuyển đến”. 

Phần lớn các ca bệnh do tiêu thụ thực phẩm nhiễm độc. Hai trường hợp được cho là đã truyền từ người này sang người khác, chẳng hạn như cha mẹ chăm sóc con cái mắc bệnh.

xa lach 1.jpg
Xà lách dễ nhiễm bẩn từ nước bắn vào. Ảnh minh họa: AI

Các bệnh nhân nhiễm một chủng vi khuẩn E. coli (STEC) sản sinh độc tố Shiga nguy hiểm. Khoảng một nửa số ca mắc cần phải nhập viện. Các triệu chứng thường khác nhau, từ tiêu chảy nhẹ đến đi ngoài ra máu. Một số người bị nôn mửa, sốt, co thắt dạ dày. Đối với trẻ dưới 5 tuổi, biểu hiện bệnh có thể bao gồm không thích bú mẹ hoặc bú bình và các dấu hiệu mất nước như tã ít ướt hơn. 

Trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể mắc hội chứng urê huyết tán huyết (HUS), dễ dẫn đến suy thận và tử vong. Trong số gần 300 ca bệnh trong đợt nhiễm E. coli ở Anh có tới 7 trường hợp mắc hội chứng trên. 

Sự bùng phát vi khuẩn E. coli được cho có liên quan đến rau xà lách nhiễm độc. Hơn 60 loại bánh sandwich, món cuốn và salad được bán tại 11 cửa hàng lớn đã bị gắn cảnh báo “không ăn” để phòng ngừa nguy hiểm cho người tiêu dùng. 

Các chuyên gia tin rằng xà lách có cách xếp lá ôm tròn dễ tích tụ vi khuẩn E. coli hơn. Ngoài ra, mọi người thường ăn sống loại rau này nên nguy cơ càng tăng cao. 

xa lach 2.jpg
Rửa sạch xà lách không thể ngăn ngừa tuyệt đối nguy cơ nhiễm E. coli. Ảnh minh họa: AI

Giáo sư Eileen Wall, người đứng đầu nghiên cứu tại Trường Nông thôn Scotland (SRUC), giải thích: “Mưa có thể khiến nước bị ô nhiễm bắn vào lá rau trong khi hơi ấm tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển”. Bà Wall cho biết thêm, vi khuẩn có nguy cơ lây lan ở rau qua nước tưới.

Những người nhiễm bệnh được khuyên không nên quay lại nơi làm việc, trường học hoặc nhà trẻ cho đến 48 giờ sau khi các triệu chứng chấm dứt.

Nguồn vietnamnet.vn

Viết bình luận mới