Lặng thầm làm đẹp Khu di tích Phủ Chủ tịch
20/05/2024 11:02
Những ngày tháng 5 lịch sử, dòng người từ khắp mọi miền Tổ quốc nối tiếp nhau về thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, nơi Bác Hồ đã sống và làm việc 15 năm cuối đời (1954-1969).
Từ nhiều năm nay, cán bộ, nhân viên công tác tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch vẫn luôn cần mẫn và thầm lặng, dành tâm huyết, trách nhiệm chăm sóc Khu di tích, phục vụ công chúng tham quan.
Tháng Năm, nhớ Bác…
Nằm ở phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (gọi tắt là Khu di tích Phủ Chủ tịch) là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ năm 1954 cho đến khi Người qua đời, ngày 2/9/1969.
Khu di tích rộng hơn 10 ha, gồm hệ thống nhà cửa, sân, vườn, thảm cỏ, ao cá, đường đi, trong đó nổi bật là 3 điểm: Di tích nhà 54 - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở, làm việc từ cuối năm 1954 đến giữa tháng 5/1958; Di tích nhà sàn gỗ - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở, làm việc từ giữa tháng 5/1958 đến năm 1969; Di tích nhà 67- nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc trong thời gian đế quốc Mỹ bắn phá miền Bắc ác liệt (1967 - 1969), nơi Người chữa bệnh và qua đời.
Có thể thấy, nơi đây là một khu di tích có giá trị đặc biệt trên nhiều phương diện. Trong 15 năm sống tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Chính phủ đề ra đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn cho cách mạng Việt Nam và lãnh đạo nhân dân vượt qua nhiều thử thách cam go ác liệt để thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, giải phóng miền Nam tiến tới thống nhất đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, vì hoà bình và tiến bộ xã hội của thế giới.
Khu di tích cũng là nơi sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức các cuộc đón tiếp nhiều đoàn khách quốc tế, gặp gỡ đại biểu nhân dân Việt Nam. Đây chính là nơi lưu giữ hình ảnh một vị lãnh tụ suốt đời quên mình vì đất nước, nhưng cuộc sống thường nhật hết sức giản dị, gần gũi, thanh cao.
Với tất cả những ý nghĩa đó, sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, nơi Người ở và làm việc cùng với các di tích, kỷ vật ở đây đã trở thành vật chứng quý giá, biểu tượng thiêng liêng về cuộc sống, hoạt động của Người trong 15 năm cuối đời, phản ánh những giá trị cao đẹp nhất của tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh. Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (quận Ba Đình, thành phố Hà Nội) là di tích quốc gia đặc biệt.
Đến thăm Khu di tích vào đúng dịp tháng 5/2024, chị Bùi Thị Loan, du khách đến từ Thái Bình, chia sẻ: “Tôi vô cùng xúc động khi được đến đây, thăm nơi Bác Hồ từng sống và làm việc những năm cuối đời. Đặc biệt, khi được tận mắt nhìn thấy vườn cây, ao cá, thấy ngôi nhà sàn Bác Hồ, chứng kiến cuộc sống giản dị của Bác, tôi càng kính trọng Người hơn”.
Anh Trần Minh Huy, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh rất vui khi được đến thăm khu di tích và rất thích cảnh quan, môi trường ở đây. Anh rất thích thú khi được tự tay cho cá ăn, nhìn tận mắt những di vật mà Bác Hồ đã từng dùng, thăm ngôi nhà sàn Bác từng sống… Anh Huy cũng đặc biệt ấn tượng với không gian xanh, sạch đẹp của Khu di tích.
Những người làm đẹp di tích
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất yêu thiên nhiên nên từng nhành cây, ngọn cỏ ở Khu di tích đều gắn liền với cuộc sống của Người tại đây. Khi Người , các cán bộ nhân viên Khu di tích vẫn ngày đêm lặng thầm, cần mẫn lao động, chăm sóc vườn cây ao cá, làm đẹp cho di tích.
Là người phụ trách chăm sóc ao cá Bác Hồ, đều đặn hàng ngày, đúng 5 giờ sáng là anh Nguyễn Văn Mạnh, nhân viên phòng Bảo quản môi trường di tích có mặt tại nơi làm việc. Sau khi kiểm tra, xem xét các loại máy móc quanh ao, anh vớt lá cây rơi xuống ao, làm vệ sinh môi trường dưới ao, kiểm tra và dọn vệ sinh xung quanh bờ ao, cho cá ăn… Mỗi tháng 1-2 lần anh lấy mẫu đất, mẫu nước phân tích để bổ sung thuốc, vitamin… cho đàn cá khỏe mạnh, phục vụ du khách tham quan.
Anh Nguyễn Văn Mạnh chia sẻ, gần 10 năm gắn bó với công việc này, anh vô cùng tự hào, vinh dự khi mình trở thành một trong những người được hàng ngày sống và làm việc gần với Bác Hồ.
Chị Nguyễn Thị Xuân - Phó Trưởng phòng Bảo quản môi trường di tích cho biết, Khu di tích có gần 2.000 đơn vị hiện vật đang trưng bày ở các nhà di tích. Hàng ngày, 6 giờ sáng là các anh chị em bắt đầu quét dọn, lau chùi hiện vật… và tất cả các việc phải hoàn thành trước 7 giờ 30 phút, để đón khách tham quan. Buổi trưa, anh chị em lại vệ sinh, chuẩn bị đến 1 giờ 30 phút chiều mở cửa đón khách. Buổi tối, khi hết khách, anh chị em lại đóng cửa, buông rèm, cất hiện vật…
“Là người trực tiếp lau chùi, bảo quản các hiện vật của Bác, tôi vô cùng xúc động, tự hào và vinh dự, luôn cố gắng làm sao để chăm sóc, bảo quản được hiện vật lâu dài nhất”, chị Nguyễn Thị Xuân chia sẻ.
Anh Lê Nguyên Hưng -Trưởng phòng Bảo quản môi trường di tích chia sẻ, toàn bộ công việc bảo quản cảnh quan môi trường di tích đều phải làm trước lúc khách đến và sau khi khách về. Buổi sáng, anh chị em dọn dẹp vệ sinh sân vườn, tưới cây, dọn ao cá, vận chuyển tài liệu đến những nơi cần trưng bày, vệ sinh môi trường... Buối tối lại dọn dẹp vệ sinh, tưới cây, cho cá ăn, cất tài liệu.
“Nơi đây, mỗi cây xanh, mỗi hiện vật đều là di sản vô giá, nên anh chị em cán bộ nhân viên phòng Bảo quản môi trường di tích đều nỗ lực để gìn giữ di sản. Dù khó khăn, vất vả, nhưng anh vì được làm việc gần Bác, vì được chăm sóc di tích nơi Bác Hồ từng sống và làm việc, nên anh chị em đều vô cùng vinh dự, tự hào và luôn cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ”, anh Lê Nguyên Hưng chia sẻ.
Công tác bảo vệ, giữ gìn an ninh, trật tự Khu di tích cũng là việc quan trọng. Anh Nguyễn Minh Hà, nhân viên bảo vệ Khu Di tích Nhà sàn Bác Hồ, cho biết ngày nào anh cũng ra khỏi nhà từ 5 giờ sáng và 6 giờ đã bắt đầu ca trực. Với đặc thù công việc chủ yếu là đón và hướng dẫn khách tham quan, anh cùng các đồng nghiệp thay phiên nhau thường trực 24/24 giờ, để bảo vệ Khu di tích, đón và hướng dẫn khách tham quan.
Anh Nguyễn Minh Hà kể, nhiều khi các cháu đi tham quan bị lạc thầy cô, bố mẹ, các anh tìm cách liên hệ để đưa về với người giám hộ. Có nhiều lần, các anh phải chở các cháu ra tận bến xe, hỏi từng xe để nhận đúng đoàn. Có cháu nhà gần, các anh chở về tận nhà. Cũng có trường hợp không tìm thấy đoàn, không biết nhà, các anh lại đưa cháu ra công an phường nhờ hỗ trợ…
Hơn 30 năm làm việc tại Khu di tích, anh Hà đã coi nơi đây là "ngôi nhà" thân thuộc của mình. “Được ở đây làm việc, chăm sóc ngôi nhà của Bác là niềm vinh dự, tự hào mà không phải ai cũng có được.Vì thế, tôi đã coi đây là ngôi nhà của chính mình để bảo vệ, chăm sóc và gìn giữ. Tôi chỉ mong mình có nhiều sức khỏe, để có thể tiếp tục được trông coi, gìn giữ nơi ở của Bác”, anh Nguyễn Minh Hà bày tỏ.
Bà Lê Thị Phượng, Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cho biết, Khu Di tích mở cửa đón khách tất cả 365/365 ngày trong năm, không đóng cửa ngày nào. Đặc biệt, những ngày nghỉ, lễ, Tết càng đông. Có những bộ phận như bảo vệ, anh em phải trực 24/24 để đảm bảo an ninh, an toàn các di tích, tài liệu hiện vật của Bác và khách tham quan trong nước, quốc tế. Anh chị em làm công tác bảo quản môi trường di tích (cả trong nhà và ngoài trời) như làm vườn, chăm sóc ao cá, vệ sinh, bảo quản các nhà di tích... đều làm việc từ 5 giờ sáng và phải hoàn thành trước giờ đón khách tham quan. Có những công việc âm thầm như chăm sóc những nơi tưởng niệm về Bác, không có giờ giấc cụ thể mà làm việc với tinh thần phục vụ không kể ngày, đêm.
“Dù ở vị trí công tác nào, anh chị em được làm việc tại nơi Bác ở và làm việc 15 năm cuối đời đều rất tự hào về công việc của mình, luôn làm việc bằng tình cảm và tấm lòng kính yêu Bác. Ban Giám đốc luôn thấu hiểu sự vất vả trong công việc của anh chị em, luôn trân trọng tình cảm anh chị em dành cho Bác, dành cho cơ quan. Chúng tôi luôn cố gắng quan tâm và tạo mọi điều kiện tốt nhất để anh chị em yên tâm công tác, gắn bó với cơ quan và làm tốt nhất nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Bác Hồ trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch”, bà Lê Thị Phượng chia sẻ.
Các bài viết cùng chuyên mục
Biên giới Việt - Lào: Tình thân gắn kết - hữu nghị tỏa sáng
Trở lại thời bao cấp qua chương trình quảng bá du lịch đêm Hà Nội
Hai điểm lạ của cơn đau đầu cảnh báo u não
Chiếc áo Nhật Bình - Lễ phục của Hoàng hậu Nam Phương đã "hồi hương"
22 tác phẩm đoạt giải ảnh nghệ thuật "Tự hào một dải biên cương"
Bắc Mỹ nghiêng ngả trước cặp đôi phù thủy
Nhặt da, sơn sửa nhiều có làm móng tay nhanh hỏng?
Vinh danh tài năng trẻ xuất sắc trong lĩnh vực Tâm lý - Giáo dục
Loại rau nào bổ dưỡng nhất?
Thêm hành lang pháp lý để bảo vệ và phát huy giá trị di sản