Lan tỏa văn hoá bánh chưng, bánh dày trong đời sống dân tộc
21/01/2023 07:52
Triết lý nhân sinh đậm chất nhân văn của sự tích bánh chưng, bánh dày từ thuở hồng hoang của lịch sử dân tộc có sức sống mãnh liệt và ngày càng lan tỏa trong đời sống cộng đồng…
Từ trong truyền thuyết
Sự tích bánh chưng bánh dày được các thế hệ người Việt Nam lưu giữ và kể lại cho muôn đời sau nghe. Đó là câu chuyện kể về hoàng tử Lang Liêu đã dùng gạo nếp, đỗ xanh, lá dong để gói nên bánh chưng, giã xôi nếp, nặn thành bánh dày để làm lễ vật dâng Vua cha (Vua Hùng Vương thứ 6). Lễ vật đó được Lang Liêu dùng những nguyên liệu vốn dĩ bình dị, gắn với nghề trồng lúa nước, do bàn tay con người làm nên và được Vua Hùng ưng ý, cho rằng, lễ vật không chỉ là giá trị vật chất mà còn có ý nghĩa triết lý sâu xa. Từ đó, Vua Hùng đã truyền dạy muôn dân làm hai món bánh đó để dâng cúng tổ tiên, ăn vào dịp lễ tết.
Hình ảnh bánh chưng, bánh dày mang ý nghĩa tượng trưng cho trời và đất (Ảnh: Thế Lượng) |
Từ trong truyền thuyết, hình ảnh bánh chưng, bánh dày mang ý nghĩa triết lý gắn liền với quan niệm nhân sinh và đời sống lao động của người dân đất Việt. Hai thứ bánh ấy tượng trưng cho trời tròn, đất vuông, gợi sự hài hoà, vẹn toàn trong vũ trụ. Đồng thời, nguyên liệu của bánh nói lên rằng, những loại ngũ cốc như gạo, đỗ xanh do con người làm ra sẽ nuôi sống, gắn bó với cuộc sống thường ngày. Cách thức gói bánh và sự kết hợp các nguyên liệu gợi lên sự gắn kết chặt chẽ và sự hài hoà trong cuộc sống của con người để làm nên những điều tốt dẹp. Khởi phát từ thời đại Hùng Vương, bánh chưng bánh dày còn là minh chứng cho tư tưởng trọng nông, quý trọng hạt gạo, nguồn nuôi sống con người của ông cha ta trong quá khứ. Đó là bài học vừa giản dị vừa sâu xa được mỗi người dân Việt Nam thấm nhuần, truyền lại qua bao thế hệ.
Sự tích bánh chưng bánh dày không dừng lại ở câu chuyện xưa, ở món ăn đơn thuần mà trở thành văn hoá, thành nét đẹp truyền thống, lan toả và trường tồn cùng với thời gian. Gói bánh chưng, bánh dày trở thành phong tục của dân tộc Việt Nam mỗi khi tết đến xuân về. Dù ở vị trí địa lý nào trên dải đất hình chữ S, dù là dân tộc nào, tết Nguyên đán, nhà nhà đều gói bánh chưng để ăn tết. Có thời điểm, dù cuộc sống có khó khăn, thiếu thốn mọi bề nhưng trong mâm cơm tất niên cúng tổ tiên, không thể thiếu chiếc bánh chưng xanh. Ở các dân tộc nơi vùng cao, ngoài bánh chưng, người dân còn giã bánh dày để cúng tổ tiên, trời đất và thưởng thức trong dịp tết.
Thành phong tục cổ truyền
Phong tục gói bánh chưng, bánh dày từ lâu gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, thờ cúng tổ tiên vào dịp tết Nguyên đán và những lễ hội cổ truyền. Bánh chưng, bánh dày là hai thứ bánh không thể thiếu trong lễ vật, trong mâm cơm cúng thần linh, tiên tổ ngày tết. Nó thể hiện sự tri ân công đức tổ tiên của người dân Việt Nam với sự thành kính và tấm lòng thơm thảo. Trong bảng lảng khói hương, chiếc bánh chưng xanh và bánh dày trắng dẻo như gợi lên những giá trị trường tồn trong đời sống của con người, là sợi dây kết nối giữa quá khứ với hiện tại, giữa tổ tiên với con cháu. Và đặc biệt, hình ảnh bánh chưng, bánh dày hiện hữu trên bàn thờ tổ tiên là minh chứng cho sự bảo tồn văn hoá, cho đạo đức của người dân đất Việt đối với tổ tiên.
Ông Phạm Bá Khiêm, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Phú Thọ chia sẻ: “Văn hoá bánh chưng bánh dày có sức sống trường tồn và lan toả trong đời sống của cộng đồng làng xã của người Việt. Dù điều kiện sống có thay đổi nhưng phong tục gói bánh chưng, bánh dày luôn được các thế hệ người Việt Nam lưu giữ và truyền lại như một nét đẹp văn hoá của dân tộc”.
Người dân Hạ Hoà (Phú Thọ) tham gia thi gói bánh chưng trong Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ (Ảnh: Thế Lượng) |
Trong kí ức của người dân Việt Nam, sáng ngày 30 tết, cả nhà quay quần trước sân nhà để cùng nhau gói bánh chưng. Bên bếp lửa, nồi bánh chưng toả hương thơm của gạo hoà vào vị thơm lá dong làm nên dư vị đặc trưng của tết. Vì thế, phong tục gói bánh chưng ngày tết còn có ý nghĩa kết nối tình cảm các thành viên trong gia đình. Cả năm lao động vất vả, những ngày giáp tết, mọi người cùng trở về ngôi nhà bình yên, hoà mình vào tình thân để gói bánh chưng, làm mâm cơm tất niên để cả gia đình cùng đón một cái tết sum vầy. Hình ảnh những đứa trẻ trải chiếu nằm bên bếp lửa canh nồi bánh chưng, rồi được ông bà, bố mẹ gói cho những chiếc bánh chưng nhỏ xinh là kí ức không thể nào phai nhạt trong tâm hồn của những người sinh ra và lớn lên nơi thôn quê ngày nào.
Lan toả sức sống trong cộng đồng
Bước vào thời đại công nghệ 4.0, sự phát triển của khoa học công nghệ và sự đổi thay trong quan niệm, lối sống của người sẽ dẫn đến nguy cơ nhiều giá trị cổ truyền trong đời sống ít nhiều bị thay đổi, mai một và thất truyền. Thế nhưng, xã hội càng phát triển, con người hiện nay đang có xu hướng trở về những điều tốt đẹp xưa cũ, tìm về những giá trị cổ truyền để cân bằng đời sống tinh thần. Phong tục gói bánh chưng ngày tết vì thế mà không bị mất đi, được duy trì trong mỗi gia đình. Việc gói bánh chưng ngày tết ở gia đình người Việt Nam không đơn thuần là giá trị vật chất mà gói ghém trong đó biết bao điều về mong muốn trong không gian ngôi nhà có không khí tết, người già mong muốn con trẻ có những trải nghiệm về văn hoá tết để thêm yêu thương, gắn bó với gia đình, tự hào về truyền thống của dân tộc.
Gói bánh chưng, bánh dày trở thành nét đẹp văn hoá trong đời sống cộng đồng (Ảnh: Thế Lượng) |
Từ trong truyền thống, những làng nghề bánh chưng được hình thành, tồn tại và phát triển qua nhiều thập niên. Những nghệ nhân của mỗi làng nghề luôn đau đáu giữ gìn, bảo tồn nguyên bản công thức gói bánh chưng để truyền lại cho đời sau về đặc sản bánh chưng của quê hương mình. Chỉ tính riêng miền Bắc, đã có 7 làng nghề bánh chưng quanh năm đỏ lửa. Đó là bánh chưng Làng Bạc, Tranh Khúc, Lỗ Khê (Hà Nội), làng bánh chưng Thuỷ Đường (Hải Phòng), bánh chưng làng Đầm (Hà Nam), bánh chưng Bờ Đậu (Thái Nguyên), bánh chưng Hùng Lô, Cát Trù (Phú Thọ)…Với bí quyết gia truyền, niềm say mê giửa lửa trong nghề, những làng nghề bánh chưng là không gian lưu giữ văn hoá, phong tục cổ truyền của người Việt qua bao thế hệ. Mỗi ngày, hàng ngàn chiếc bánh chưng dẻo thơm được bán ra thị trường trong và ngoài nước để phục vụ cho nhu cầu thưởng thức ẩm thực dân tộc của người Việt.
Người dân làng Bờ Đậu (Đại Từ, Thái Nguyên) gói bánh chưng để bán ra thị trường (Ảnh: Thế Lượng) |
Phong tục gói bánh chưng, bánh dày có sức sống mãnh liệt trong những lễ hội đầu xuân và trong cả năm. Không chỉ là lễ vật dâng cúng, những chiếc bánh chưng, bánh dày còn là vật phẩm trong những cuộc thi gói bánh do cộng đồng làng xã tổ chức. Mỗi khi hội làng, ngoài những trò chơi dân gian, những nghi lễ thì phần thi gói bánh chưng, giã bánh dày là một nội dung diễn ra sôi động, thu hút đông đảo các nghệ nhân, người dân tham gia. Ở không gian đó, con người được hoà mình vào miền văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc Việt để cùng nhau làm nên những chiếc bánh dẻo thơm. Ở đó, con người như được gắn kết, dù quen biết hay xa lạ, không phân biệt giàu nghèo, địa vị. Bởi lẽ, tất cả đều hướng tâm thành của mình vào chiếc bánh với tâm niệm thể hiện sự thành kính, tấm lòng hướng về nguồn cội, tổ tiên.
Những năm gần đây, nhằm hướng học sinh đến những trải nghiệm văn hoá cổ truyền của dân tộc, nhiều nhà trường ở các địa phương, đủ các cấp học, mỗi khi tết đến xuân về đã tổ chức các hoạt động ngoại khoá gói bánh chưng, giã bánh dày ngày tết. Tại không gian sân trường những ngày giáp tết, không khí dậy lên hương vị tết xưa bởi thầy và trò các nhà trường cùng nhau gói bánh bánh chưng, nấu bánh ngay tại sân trường rồi lấy những chiếc bánh đó dành tặng cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ở những trường học vùng cao, thầy cô tại các điểm trường đã mời phụ huynh đến, tổ chức giã bánh dày để cho học sinh có những trải nghiệm về thứ bánh ngày tết của dân tộc mình.
Học sinh được trải nghiệm gói bánh chưng trong lễ hội (Ảnh: Thế Lượng) |
Thầy giáo Nguyễn Văn Thạo, trường THPT Quang Thành (Kinh Môn, Hải Dương) chia sẻ: “Học sinh ngày nay rất cần được giáo dục qua hoạt động trải nghiệm về những phong tục ngày tết. Trong đó, gói bánh chưng bánh dày là nét đẹp văn hoá của dân tộc mà các em cần được hiểu và thực hành trong cuộc sống”.
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống bánh chưng bánh dày trong đời sống dân tộc là ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân đất Việt. Có như thế, ý nghĩa triết lý, những bài học từ câu chuyện dâng lễ vật bánh chưng bánh dày của hoàng tử Lang Liêu trong thời đại Hùng Vương mới có sự lan toả và trường tồn với thời gian./.
Các bài viết cùng chuyên mục
5 dấu hiệu cảnh báo suy tim từ lâu
Lễ hội Putaleng năm 2024 - “Về miền đỗ quyên” huyện Tam Đường
Lễ Cấp sắc của người Dao Đỏ giữa đại ngàn Sapa
Tác dụng khi uống trà xanh thêm vài lát gừng
Đẩy nhanh tiến trình UNESCO công nhận Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê là di sản văn hóa thế giới
Cuộc thi trực tuyến “Quân đội nhân dân Việt Nam 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành”
Xây dựng di tích lịch sử chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương chúc mừng các đơn vị giáo dục nhân ngày 20/11
Màn khởi đầu không thật sự bùng nổ của mùa lễ hội cuối năm
Bảo tồn văn hóa K’Ho ở mái trường vùng sâu cao nguyên Di Linh