Không thu phí khách tham quan Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam năm 2024
27/05/2024 07:39
Sáng 26/5, ông Trương Hữu Tiền, Giám đốc Ban Quản lý Khu Du lịch quốc gia núi Sam (thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang) cho biết: UBND tỉnh An Giang đã đồng ý chủ trương không thu phí trong thời gian diễn ra Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam năm 2024.
Lễ hội năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 22/5- 3/6 tại phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc. Đây cũng là dịp kỷ niệm 10 năm Lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (2014-2024).
Theo Giám đốc Ban Quản lý Khu Du lịch quốc gia núi Sam, kể từ 0 giờ ngày 28/5 đến 23 giờ 59 phút ngày 3/6 (nhằm ngày 21-27/4 âm lịch), Ban Tổ chức sẽ không thu phí khách du lịch đến tham quan, tham gia Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam năm 2024.
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam năm 2024 diễn ra theo nghi thức truyền thống. Ngày 28/5, lễ hội sẽ khai mạc. Từ ngày 29/5 đến ngày 3/6 sẽ diễn ra phần chính lễ với các nghi lễ truyền thống như: Lễ phục hiện rước tượng Bà từ bệ đá trên đỉnh núi Sam và kết thúc tại sân khấu miếu Bà; lễ tắm Bà; lễ thỉnh sắc ông Thoại Ngọc Hầu từ lăng mộ về miếu Bà; lễ hồi sắc, đưa sắc ông Thoại Ngọc Hầu từ miếu Bà về lăng mộ Thoại Ngọc Hầu... Cùng với đó là các hoạt động nhằm quảng bá, giới thiệu đến người dân, du khách trong và ngoài nước về hình ảnh vùng đất, con người, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, giá trị di sản văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của địa phương.
Ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Châu Đốc cho biết: Lễ hội năm nay dự kiến sẽ đón hàng triệu du khách đến tham quan. Để đảm bảo an toàn cho du khách, thành phố Châu Đốc (An Giang) sẽ triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, kiên quyết không để phát sinh các tệ nạn xã hội, cướp giật tài sản. Thành phố cũng đã lên phương án phân luồng giao thông hợp lý, hạn chế tối đa các phương tiện giao thông di chuyển trong khu vực tổ chức lễ hội; không để ùn ứ hay ùn tắc kéo dài.
Năm 2014, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Tây Ninh đang xây dựng hồ sơ trình UNESCO đề nghị ghi danh lễ hội này vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Các bài viết cùng chuyên mục
Biên giới Việt - Lào: Tình thân gắn kết - hữu nghị tỏa sáng
Trở lại thời bao cấp qua chương trình quảng bá du lịch đêm Hà Nội
Hai điểm lạ của cơn đau đầu cảnh báo u não
Chiếc áo Nhật Bình - Lễ phục của Hoàng hậu Nam Phương đã "hồi hương"
22 tác phẩm đoạt giải ảnh nghệ thuật "Tự hào một dải biên cương"
Bắc Mỹ nghiêng ngả trước cặp đôi phù thủy
Nhặt da, sơn sửa nhiều có làm móng tay nhanh hỏng?
Vinh danh tài năng trẻ xuất sắc trong lĩnh vực Tâm lý - Giáo dục
Loại rau nào bổ dưỡng nhất?
Thêm hành lang pháp lý để bảo vệ và phát huy giá trị di sản