Khát vọng hòa bình qua âm nhạc Trịnh Công Sơn

15/07/2024 17:24

Xuyên suốt đêm nhạc gửi gắm ý nghĩa và khát vọng hoà bình từ quá khứ, hiện tại và tươi lai của toàn nhân loại. Hoà bình là tiếng lòng chung, ước mơ chung của nhân loại; đích đến cuối cùng của lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, lòng nhân ái và tình hữu nghị bao la.

Tối 13/7, Trong khuôn khổ lễ hội Vì Hoà bình 2024, Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Trị phối hợp với gia đình Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tổ chức đêm nhạc Trịnh Công Sơn mang tên “Khúc ca hoà bình” tại Công viên Fidel, thành phố Đông Hà.

Thông qua những tiết mục âm nhạc đặc sắc của các nghệ sỹ và lăng kính lãng mạn, triết học trong ngôn ngữ nghệ thuật âm nhạc của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã để lại cho người xem trên địa bàn một đêm nhạc đáng nhớ. Những tiếng hát ca ngợi hoà bình được cất cao trên mảnh đất từng hứng chịu nhiều nỗi đau do chiến tranh như Quảng Trị đã mang đến một ý nghĩa lớn lao và đầy cảm xúc cho người dân và du khách trong và ngoài nước có mặt tại đây.

Tiết mục nghệ thuật trong chương trình. 

Tại chương trình, đồng chí Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chia sẻ: Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, một nhạc sỹ nổi tiếng của Việt Nam, người được biết đến với những bản tình ca lay động. Ông là người nghệ sĩ của hoà bình. Thông qua âm nhạc, ông đã nói lên tiếng nói của thân phận con người, của khát khao hoà bình từ những ngày tháng cũ, đến những ngày tháng mới đầy bao dung và trong sáng của tình yêu nhân loại.

Các đại biểu và khán giả thả hồn, hòa vào từng giai điệu của các ca khúc nhạc Trịnh Công Sơn.

Xuyên suốt đêm nhạc gửi gắm ý nghĩa và khát vọng hoà bình từ quá khứ, hiện tại và tươi lai của toàn nhân loại. Hoà bình là tiếng lòng chung, ước mơ chung của nhân loại; đích đến cuối cùng của lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, lòng nhân ái và tình hữu nghị bao la. Đêm nhạc diễn ra với 3 phần chính.

 Các tiết mục đã truyền tải đến người nghe cảm nhận rõ khát vọng hoà bình trong từng câu hát. 

Trong đó, phần 1 với chủ đề “Cho tôi đi nâng dậy hoà bình”. Thông qua những ca khúc như: “Chờ nhìn quê hương sáng chói”, “Người mẹ Ô Lý”, “Ca dao mẹ”, “Ta thấy gì đêm nay”, “Xin cho tôi”… đã diễn tả lại một quá khứ hiện thực chiến tranh khốc liệt nhưng cũng đầy tình yêu thương. Các tiết mục đã truyền tải đến người nghe cảm nhận rõ khát vọng hoà bình trong từng câu hát.

Phần 2 có chủ đề “Tình ca hoà bình” đã thể hiện khát vọng “chờ nhìn quê hương sáng chói”, một Việt Nam hoà bình, đẹp giản đơn và thiêng liêng trong những bản tình ca của tình yêu quê hương đất nước, tình yêu thương nhân loại, tình yêu thương con người. Những bài hát như: “Diễm xưa”, “Hạ trắng”, “Này em có nhớ”, “Còn tuổi nào cho em”, “Hành hương trên đồi cao”…  đã mang lại cho người nghe một đêm nhạc đầy ấn tượng và giàu cảm xúc.

Phần 3 với chủ đề “Hãy yêu nhau đi” là thông điệp cực kỳ ý nghĩa với khát vọng hoà bình không phân biệt màu da, quốc tịch, giới tính, thế hệ… mọi người hãy cùng nhau nắm tay hướng đến tương lai tươi sáng của tình yêu, tình hữu nghị, chăm lo cho thế hệ mai sau./.

 
Tin, ảnh: Hoàng Oanh
Nguồn dangcongsan.vn
Viết bình luận mới