Khánh thành Đền thờ Anh hùng liệt sĩ và thanh niên xung phong hy sinh trên tuyến đường 1C
28/04/2024 07:50
Đền thờ là công trình mang ý nghĩa chính trị xã hội, nhân văn sâu sắc, thể hiện tình cảm, lòng biết ơn to lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đối với các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trên truyến đường 1C huyền thoại
Các đại biểu tham dự Lễ khánh thành. |
Ngày 27/4, tại huyện Giang Thành, UBND tỉnh Kiên Giang đã tổ chức Lễ khánh thành Đền thờ Anh hùng liệt sĩ lực lượng vũ trang nhân dân và Thanh niên xung phong hy sinh trên tuyến đường 1C và tu bổ cấp thiết di tích lịch sử cách mạng bia tưởng niệm tuyến đường 1C.
Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước; Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Đại tướng Lê Hồng Anh, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng. Cùng dự có đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Đỗ Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang; các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh ủy, Thành ủy Cần Thơ, Quân khu 7, Quân khu 9; các đồng chí nguyên lãnh đạo Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam; Ban Thanh niên xung phong Trung ương Đoàn; đơn vị tài trợ xây dựng đền thờ và gần 600 đại biểu là các cựu thanh niên xung phong.
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình cho biết, tuyến đường 1C ra đời trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ ác liệt, nối tiếp đường Hồ Chí Minh trên bộ, từ Tây Ninh đi trên đất bạn Campuchia, qua biên giới Việt Nam tại Vĩnh Điều (nay thuộc huyện Giang Thành), băng qua rừng tràm Hà Tiên, vượt kinh Tám Ngàn, Mốp Giăng, qua lộ Cái Sắn ... về đến Cái Nứa, Ba Đình (huyện U Minh Thượng). Từ khi thành lập năm 1966 đến năm 1975, tuyến đường 1C đã vận chuyển hơn 13.000 tấn vũ khí từ miền Đông về tận mũi Cà Mau và đưa rước hơn 30.000 người ngược xuôi.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại Lễ khánh thành. |
Dù chỉ tồn tại thời gian ngắn trong chiến tranh nhưng đã có hàng ngàn tấn bom đạn dội xuống, hàng trăm trận càn quét khốc liệt của quân thù trên con đường huyết mạch này. Rất nhiều chiến sĩ lực lượng vũ trang và thanh niên xung phong đã anh dũng ngã xuống hoặc hy sinh một phần xương máu của mình. Đến nay, chúng ta chỉ mới biết có hơn 400 nữ thanh niên xung phong đã hy sinh và hơn 300 người khác bị thương tật sau chiến tranh. Những người chiến sĩ và thanh niên xung phong ấy đã gồng gánh sứ mệnh thiêng liêng của dân tộc trên đôi vai gầy gò nhỏ bé với một niềm tin tất thắng thiêng liêng.
Phát biểu tại Lễ khánh thành, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, Đền thờ Anh hùng liệt sỹ lực lượng vũ trang nhân dân và Thanh niên xung phong hy sinh trên tuyến đường 1C tại huyện Giang Thành là công trình mang ý nghĩa chính trị xã hội, nhân văn sâu sắc, thể hiện tình cảm, lòng biết ơn to lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đối với các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trên truyến đường 1C huyền thoại.
Phó Thủ tướng đã ôn lại lịch sử hào hùng và ý nghĩa hết sức quan trọng của tuyến đường 1C. Ra đời trong giai đoạn chiến tranh ác liệt, đế quốc Mỹ tăng cường đánh phá miền Nam, phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân, đường Hồ Chí Minh trên biển bị địch phát hiện, phong tỏa, đánh phá gay gắt, việc vận chuyển thiết bị quân sự Trung ương chi viện cho chiến trường Tây Nam bộ gặp vô vàn khó khăn, bế tắc. Trong tình thế ấy, tuyến đường 1C trở thành huyết mạch, có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, lương thực, đón bộ đội từ miền Đông Nam bộ về chi viện cho miền Tây Nam bộ.
Các đại biểu cắt băng khánh thành Đền thờ Anh hùng liệt sĩ, lực lượng vũ trang nhân dân và Thanh niên xung phong hy sinh trên tuyến đường 1C tại huyện Giang Thành (Kiên Giang). |
Để giữ vững huyết mạch của tuyến đường 1C huyện thoại ấy, có biết bao người con của đất nước, là cán bộ, thanh niên xung phong đã mãi mãi nằm lại trên mảnh đất thân yêu này, tô thắm truyền thống lịch sử cách mạng vẻ vang. Hiện nay, chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đã hồi sinh tươi đẹp, Giang Thành nay đã trở thành vùng đất nông thôn mới, đóng góp đưa Kiên Giang trở thành tỉnh mạnh của Đồng bằng sông Cửu Long.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu, sau buổi lễ, tỉnh Kiên Giang tiếp nhận và làm tốt công tác quản lý, phát huy giá trị to lớn của đền thờ. Xem đây là địa chỉ đỏ, là biểu tượng để giáo dục truyền thống yêu nước, tạo điều kiện cho Nhân dân, du khách đến thắp hương tri ân các anh hùng liệt sỹ.
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang tặng bằng khen cho 2 tập thể và 2 cá nhân đã có thành tích xuất sắc, đột xuất trong xây dựng Đền thờ Anh hùng liệt sĩ lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong hy sinh trên tuyến đường 1C tại huyện Giang Thành./.
Các bài viết cùng chuyên mục
Tổ chức xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số
Thêm 6 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt
Xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ đợt 7
Biên giới Việt - Lào: Tình thân gắn kết - hữu nghị tỏa sáng
Trở lại thời bao cấp qua chương trình quảng bá du lịch đêm Hà Nội
Hai điểm lạ của cơn đau đầu cảnh báo u não
Chiếc áo Nhật Bình - Lễ phục của Hoàng hậu Nam Phương đã "hồi hương"
22 tác phẩm đoạt giải ảnh nghệ thuật "Tự hào một dải biên cương"
Bắc Mỹ nghiêng ngả trước cặp đôi phù thủy
Nhặt da, sơn sửa nhiều có làm móng tay nhanh hỏng?