Khai mạc Triển lãm trực tuyến “Điện Biên theo dòng lịch sử qua tài liệu lưu trữ”
27/04/2024 11:08
Triển lãm giới thiệu hơn 300 tài liệu lưu trữ phản ánh lịch sử tỉnh Điện Biên từ thuở sơ khai, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên được công bố.
Triển lãm trực tuyến chính thức khai mạc sáng ngày 26/4. |
Triển lãm trực tuyến “Điện Biên theo dòng lịch sử qua tài liệu lưu trữ” chính thức khai mạc sáng ngày 26/4.
Nội dung Triển lãm được xây dựng từ tài liệu của các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, Bảo tàng tỉnh Điện Biên, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp và một số cơ quan, đơn vị tỉnh Điện Biên.
Với thiết kế không gian 3D, Triển lãm tái hiện những địa danh nổi tiếng của tỉnh Điện Biên như Thành Bản Phủ, Khu di tích Chiến trường Điện Biên Phủ, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ...
Đặc biệt, ứng dụng công nghệ làm gia tăng trải nghiệm giác quan của người xem, đưa công chúng trở về với cội nguồn lịch sử và giúp cho công chúng có cái nhìn tổng thể và rõ nét hơn về lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất giàu truyền thống văn hóa, yêu nước, cách mạng; từ đó hiểu thêm về một vùng đất anh dũng trong chiến đấu, hăng hái trong lao động, tích cực trong phát triển kinh tế, cởi mở trong hội nhập quốc tế, đồng thời bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc; qua đó, góp phần vào việc bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, phát huy niềm tự hào về truyền thống tốt đẹp của mảnh đất, con người Điện Biên cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Triển lãm được bố cục gồm 3 phần:
Phần 1: Từ vùng đất của người Việt cổ đến danh xưng Điện Biên. Trong phần này sẽ có giới thiệu về Điện Biên trước thế kỷ XIX và Điện Biên dưới triều Nguyễn. Khách tham quan sẽ trở về thời điểm trước thế kỷ 19, tìm hiều về vùng đất Hưng Hóa và những biến thiên lịch sử dẫn đến sự xuất hiện của danh xưng Điện Biên.
Phần 2: Điện Biên - Điểm hẹn của lòng yêu nước.
Phần này giới thiệu về Điện Biên thời Pháp thuộc và Điện Biên Phủ - Một thiên sử vàng.
Theo các tài liệu lưu trữ, Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công chưa được bao lâu, quân Pháp quay lại nổ súng gây chiến với quyết tâm cướp nước ta một lần nữa, buộc nhân dân ta phải đứng lên chiến đấu bảo vệ nền độc lập.
Đến cuối năm 1953, cuộc kháng chiến bước sang năm thứ 8. Trên khắp các chiến trường, quân đội Việt Nam dồn dập phản công quyết liệt, buộc đối phương phải phân tán lực lượng đối phó.
Bộ chỉ huy quân đội Pháp ra sức tập trung quân, xây dựng lòng chảo Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, nhằm thu hút chủ lực của quân đội Việt Nam vào cuộc chiến.
Nhận thấy đây là thời cơ để tiêu diệt sinh lực địch, Bộ chỉ huy Quân đội Việt Nam quyết định mở chiến dịch tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngày 13/3/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu. Sau 56 ngày đêm chiến đấu gian khổ, đến ngày 7/5/1954, ta đã hoàn toàn chiến thắng.
Từ đây, Điện Biên trở thành một địa danh chói sáng, một bản hùng ca vẻ vang và oanh liệt của dân tộc Việt Nam.
Lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Nguồn: Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ. |
Đến với phần 3 “Điện Biên - Hành trình đổi mới,” người xem nhìn lại quá trình thành lập Nông trường Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ. Nhiều tài liệu, hình ảnh phản ánh những nỗ lực và thành tựu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Điện Biên sẽ được giới thiệu đến công chúng.
Công chúng có thể truy cập triển lãm từ 9h30 ngày 26/4 tại website của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Cổng thông tin điện tử tỉnh Điện Biên, website Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên./.
Theo tài liệu Châu bản triều Nguyễn (hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I - Bộ Nội vụ), danh xưng Điện Biên xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử vào năm 1841 dưới thời vua Thiệu Trị. Khi đó Điện Biên là một phủ thuộc tỉnh Hưng Hóa. Tuy nhiên vùng đất này từ xa xưa đã là một trọng địa, nơi tuyến đầu tổ quốc, với ý nghĩa là vùng biên cương vững chãi (Điện có nghĩa là vững chắc, Biên là biên giới). Đặc biệt từ sau năm 1954, Điện Biên Phủ còn là nơi ghi dấu ấn thắng lợi oanh liệt của quân đội nhân dân Việt Nam trước một cường quốc lớn, đó là thực dân Pháp. Kể từ đây, Điện Biên Phủ đã trở thành một địa danh chói sáng, một bản hùng ca vẻ vang của dân tộc Việt Nam. |
Các bài viết cùng chuyên mục
Người Nhật ăn cơm đều đặn nhưng không béo: 5 thói quen cần học tập
Tổ chức xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số
Thêm 6 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt
Xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ đợt 7
Biên giới Việt - Lào: Tình thân gắn kết - hữu nghị tỏa sáng
Trở lại thời bao cấp qua chương trình quảng bá du lịch đêm Hà Nội
Hai điểm lạ của cơn đau đầu cảnh báo u não
Chiếc áo Nhật Bình - Lễ phục của Hoàng hậu Nam Phương đã "hồi hương"
22 tác phẩm đoạt giải ảnh nghệ thuật "Tự hào một dải biên cương"
Bắc Mỹ nghiêng ngả trước cặp đôi phù thủy