Hào khí nơi Bạch Hạc Tam Giang
28/04/2024 10:51
Không gian di tích cổ kính soi bóng xuống dòng Lô giang hiền hòa, nơi “tụ thủy” linh thiêng từ lâu trường tồn, lan tỏa hào khí dân tộc thuở xưa và là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc.
Nơi hạc trắng bay về ngã ba sông
Từ cổng chào điểm du lịch cộng đồng Bạch Hạc (Phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, Phú Thọ), đi bộ chừng 300m là đến được quần thể di tích, danh thắng Bạch Hạc Tam Giang. Không gian đền thiêng, chùa cổ trầm mặc dưới những tán cây đa, cây si, cây móng rồng cổ thụ tỏa bóng. Tiếng chuông chùa vang lên phả vào dòng Lô giang xanh thẳm. Nơi đây, tọa lạc ngôi chùa Đại Bi và đền Bạch Hạc có niên đại hằng thế kỷ, hướng nhìn ra nơi hợp lưu của ba dòng sông là sông Lô, sông Đà, sông Hồng. Hòa vào không gian kiến trúc cổ kính, tinh xảo và độc đáo cùng những dấu tích, tư liệu lịch sử và những câu chuyện kể được cư dân đôi bờ sông Lô kể cho nghe, mỗi người như cảm nhận được sự linh thiêng của chốn cổ tự, cảm nhận được hào khí của dân tộc, của đất nước đã và đang hội tụ nơi này.
Vùng Bạch Hạc xưa, nơi hạc trắng bay về lảm nên một huyền thoại linh thiêng. |
Tích xưa đưa du khách trở về ngã ba sông của thuở xa xưa, khi nơi đây dân cư thưa thớt, hai bên bờ sông là lau sậy um tùm. Ở vị trí tọa lạc đền Bạch Hạc ngày nay, xưa có một cây chiên đàn cao lớn, cành lá sum suê, tỏa bóng mát rộng tới hàng chục dặm. Hằng ngày có những đàn chim Hạc bay về đậu trắng cả một vùng nên cư dân nơi đây gọi vùng đất này là Bạch Hạc. Tên địa danh ấy được trao truyền từ bao đời nay và lưu giữ cho đến ngày nay. Câu chuyện gợi lên vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí và chất chứa bao huyền thoại về vùng đất tựa như chốn thần tiên. Ý niệm về chim Lạc thời đại Hùng Vương đã gắn với vùng đất này tự thuở nào. Chẳng thế mà, trên các hoa văn trống đồng, kiến trúc đền miếu trên vùng Đất Tổ Phú Thọ bao giờ cũng hiện diện sắc nét hình tượng chim Lạc, như một biểu tượng thiêng liêng về cội nguồn văn hóa và hào khí của dân tộc Việt Nam.
Tượng Chiêu Văn Vương Tả Thánh Thái Sư Trần Nhật Duật trên chiếc thuyền rồng hướng ra dòng Lô giang. |
Đứng ở đền Bạch Hạc phóng tầm nhìn xa xa theo hướng sông Lô xuôi dòng là ngã ba sông huyền thoại. Nơi đây là vị trí đặc biệt trên hành trình thủy lưu của các dòng sông lớn của đất nước là sông Lô, sông Đà, sông Hồng. Đó là nơi tụ thủy, hợp dòng bằng sự gặp gỡ kỳ diệu của cả ba dòng sông, là “tấm gương” soi bóng núi Nghĩa Lĩnh linh thiêng, nơi các Vua Hùng đóng đô, dựng nước. Chính vì vậy, từ lâu, người dân quanh vùng vẫn gọi chỗ giao nhau ấy là “Thành phố ngã ba sông”. Tại đây, dòng nước của ba con sông trong xanh, trôi lững lờ gợi lên sắc thái êm đềm giữa miền trung du hiền hòa. Dòng nước ở vị trí ấy là nước thiêng trong tín ngưỡng lâu đời của cư dân vùng Bạch Hạc Tam Giang. Sự linh thiêng ấy hòa vào dòng truyền thuyết của thời đại Hùng Vương dựng nước đã làm nên một vùng đất ngút ngàn linh khí, nơi hội tụ mạch nguồn và khí thiêng của đất trời.
Đền Bạch Hạc, nơi hội tụ những giá trị lịch sử, văn hoá và hào khí dân tộc. |
Ông Đặng Đình Thuận - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Phú Thọ cho biết: “Vùng đất Bạch Hạc là nơi lưu giữ những huyền thoại, những tư liệu lịch sử quan trọng nơi đất cội nguồn Phú Thọ. Đây là địa điểm nằm trong bộ Văn Lang, kinh đô nước Văn Lang thời các Vua Hùng dựng nước. Ở Bạch Hạc có tục lấy nước nơi ngã ba sông, mang ý nghĩa đặc trưng của tín ngưỡng nông nghiệp trồng lúa nước”.
Hào khí trường tồn
Lần theo thần tích, ngọc phả và những tư liệu về ngôi đền Tam Giang ở vùng Bạch Hạc, được biết, nơi đây thờ ba vị thần đã có công với giang sơn, đất nước là Đức Thánh Cả (Thổ lệnh Cao quan Bạch Hạc Đại Vương); Đức Thánh Bà (Thánh Mẫu Đức Sinh Quách A Nương); Đức Thánh Hai (Chiêu Văn Vương Tả Thánh Thái Sư Trần Nhật Duật). Công lao trời biển, những chiến tích và sự hiển linh âm phù của các vị nhân thần được sử sách ghi chép, được các thế hệ ngợi ca, hương khói phụng thờ để tri ân công đức với những vị thánh nhân có công với nước, có đức với dân. Huyền tích về các vị đã làm tôn thêm sự thiêng liêng của vùng Đất Tổ nói riêng và hào khí dân tộc Việt Nam nói chung.
Cung thờ Đức Thánh Cả Thổ lệnh Cao quan Bạch Hạc Đại Vương tại đền Bạch Hạc. |
Theo sử sách ghi chép tại đền Bạch Hạc, Đức Thánh Cả Thổ lệnh Cao quan Bạch Hạc Đại Vương sinh ngày 10/3 năm Tân Hợi, họ Trần, tên Lan cùng bọc với người anh tên Ngọc. Năm 19 tuổi hai anh em Thần theo học Đạo lão Thiền Sư trên núi Tản Viên Ba Vì, sau khi đắc đạo được Thiền Sư đổi tên là Thạch Khanh và Thổ Lệnh. Xuống núi, ngài đi chữa bệnh cứu dân nghèo và phò Vua Hùng Vương thứ 18 đắp đê, chống bão lụt, thống lĩnh thủy binh đánh giặc giữ nước. Chiến thắng khải hoàn, ngài được phong là Thổ Lệnh Cao Quan Bạch Hạc Đại Vương.
Sống phò giúp Vua Hùng, khi thác về trời cũng không quên âm phù trợ giúp đất nước đánh giặc, giữ nước. Chuyện kể rằng, vào đời Trần, Hưng Đạo Đại Vương trên đường dấy binh đi đánh giặc Nguyên Mông, nghỉ tại đền Cao Quan Bạch Hạc Đại Vương, nửa đêm mơ thấy một vị tướng quân cưỡi Hạc trắng, mặc mũ áo hoàng bào, tay cầm đại đao nói: “Ta là Tam Giang Bạch Hạc Đại Vương đây, nghe tin nguyên soái đi đánh giặc ta muốn âm phù hộ Quốc”. Sau khi chiến thắng, Vua Trần gia phong Thần là “Bạch Hạc Cao Quan Đại Vương Hộ Quốc Bảo Dân”, hằng năm vào ngày 10/3 quan triều đình về tế lễ tại đền Bạch Hạc.
Trong những năm Hai Bà Trưng dấy binh khởi nghĩa chống lại quân Đông Hán, ở vùng Bạch Hạc Tam Giang đã có một nữ tướng yêu nước, căm thù giặc, sẵn sàng đứng lên dấy binh cùng Hai Bà Trưng khởi nghĩa. Đó là Quách A Nương, Đức Bà được thờ ở đền Bạch Hạc ngày nay. Theo tư liệu lưu giữ tại đền, Quách A Nương sinh năm 24 tại xóm chài, làng Bạch Hạc. Với lòng căm thù giặc Đông Hán sâu sắc, nàng đã cắt tóc đi tu ở tòa miền cổ (Huyền Tự) bên bờ sông Lô. Trong thời gian đó, nàng đã chiêu tập binh mã, dựng cờ hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Sau khi thắng lợi được Trưng Nữ Vương phong “Đức Hạnh Đoan Trang Chinh Thục Công Chúa”. Khi thác về trời, Quách A Nương vẫn linh ứng phù trợ cho đất nước. Năm Mậu Thân 968, khi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh qua Bạch Hạc, nghỉ tại Huyền Cổ Tự đã mộng thấy Quách A Nương đến xin âm phù cứu nước. Sau khi dẹp xong các xứ quân, Đinh Tiên Hoàng đã phong Quách A Nương là “Quách A Nương Đức Sinh Thượng Đẳng Phúc Thần”.
Cung thờ Thánh Mẫu Quách A Nương tại không gian quần thể đền Bạch Hạc. |
Tại vị trí ngôi đền Bạch Hạc xưa, Tả Thánh Thái Sư Trần Nhật Duật đã cùng quân sĩ cắt tóc ăn thề trước Thần Tam Giang nguyện cùng nhau diệt giặc Nguyên Mông báo ơn vua đền nợ nước. Sau khi thắng giặc trở về, Trần Nhật Duật cho xây dựng đền, đúc chuông lớn cung tiến vào đền. Cùng Công chúa Thiên Thụy quản hương dân Bạch Hạc công đức tiền bạc và vật liệu xây dựng Thông Thánh Quán (Đền Tam Giang) và Chùa Đại Bi. Vì vậy, khi Trần Nhật Duật mất, Nhân dân Bạch Hạc lập đền thờ. Đồng thời ở phía trước đền, có tượng Chiêu Văn Vương Tả Thánh Thái Sư Trần Nhật Duật cao lớn, uy nghi, tỏa rạng hào khí đang cưỡi thuyền rồng hướng ra dòng Lô đang cuộn chảy.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, đền Tam Giang, chùa Đại Bi đã được Bộ VH, TT&DL công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia theo Quyết định số 1628 ngày 11/5/2010. Ngày 27/8/2019 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2967/QĐ- BVHTTDL công nhận Lễ hội Đền Tam Giang là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Gắn với phát triển du lịch
Khu danh thắng vùng ngã ba Bạch Hạ gồm có đền, chùa Tam Giang từ lâu là điểm đến tâm linh nổi tiếng vùng Đất Tổ Phú Thọ nói riêng và khu vực phía Bắc cũng như cả nước. Năm 2023, Điểm du lịch văn hóa cộng đồng Bạch Hạc đã được tỉnh Phú Thọ công nhận là điểm du lịch theo Quyết định số 925/QĐ-UBND ngày 08/5/2023 của UBND tỉnh Phú Thọ .
Trong tổng thể các tiềm năng, lợi thế của điểm du lịch văn hóa cộng đồng Bạch Hạc thì quần thể di tích, danh thắng đền, đình, chùa, miếu là những công trình góp phần quan trọng để địa phương phát triển du lịch tâm linh về cội nguồn. Tại Bạch Hạc hiện nay có 06 di tích có giá trị về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, trong đó có 01 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, 05 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Trong đó, di tích đền, chùa Bạch Hạc Tam Giang là điểm nhấn quan trọng.
Điểm du lịch văn hoá cộng đồng Bạch Hạc đã và đang là điểm đến của du khách mọi niền. |
Hằng năm, đền Bạch Hạc, chùa Đại Bi và các di tích trong vùng đón hàng ngàn du khách ở mọi miền về chiêm bái, tìm hiểu và nghiên cứu. Ngôi đền thiêng bên bờ sông Lô là không gian thực hành tín ngưỡng thờ Thần hoàng Thổ Lệnh, thờ Thánh Mẫu Quách A Nương và Chiêu Văn Vương Tả Thánh Thái Sư Trần Nhật Duật. Đây là quần thể kiến trúc cổ kính, độc đáo và hiện đại gồm các công trình di tích như Đình Tam Giang, đền Tam Giang và Tam quan, đền Mẫu, chùa Đại Bi, vết chân Thổ Lệnh Cao Quan Bạch Hạc Đại Vương, Bến bơi chải, Tượng đài Chiêu Văn Vương Tả Thánh Thái Sư Trần Nhật Duật; Bức phù điêu 18 ngôi chùa tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam.
Đến Bạch Hạc vào dịp lễ hội hay các ngày lễ quan trọng, du khách được hòa mình để trải nghiệm những giá trị văn hóa cổ truyền được lưu giữ gắn liền với ngôi đền Bạch Hạc và các di tích trong quần thể như lễ rước kiệu, lễ rước nước thiêng nơi ngã ba sông, hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh dày, lễ hội bơi chải trên sông Lô…với những nét tín ngưỡng độc đáo mang đậm sắc màu văn hóa cổ truyền vùng Bạch Hạc xưa. Ẩm thực vùng Bạch Hạc nổi tiếng với cá Anh Vũ nơi ngã ba sông, hồng Hạc Trì, bánh chưng, bánh dày… Sản phẩm du lịch tâm linh gắn với phát triển du lịch cộng đồng của Bạch Hạc đã và đang đáp ứng tốt nhu cầu thụ hưởng văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của du khách mọi miền.
Du khách mọi miền chiêm bái, trải nghiệm đền Bạch Hạc Tam Giang. |
Dừng chân chiêm bái di tích, danh thắng đền, chùa Bạch Hạc Tam Giang, mỗi người dân đất Việt lắng sâu những triết lý nhân sinh cao đẹp về những vị anh hùng đã có công lao to lớn đối với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Họ là những người con ưu tú sinh ra và lớn lên nơi hội tụ linh khí của đất trời, nơi những dòng sông hợp tụ, sẵn sàng đứng lên cứu nước, cứu dân độ thế để góp phần làm nên những chiến thắng khải hoàn, nền độc lập trường tồn, hào khí ngàn năm rạng ngời trong những giai đoạn phát triển của đất nước./.
Các bài viết cùng chuyên mục
Tổ chức xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số
Thêm 6 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt
Xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ đợt 7
Biên giới Việt - Lào: Tình thân gắn kết - hữu nghị tỏa sáng
Trở lại thời bao cấp qua chương trình quảng bá du lịch đêm Hà Nội
Hai điểm lạ của cơn đau đầu cảnh báo u não
Chiếc áo Nhật Bình - Lễ phục của Hoàng hậu Nam Phương đã "hồi hương"
22 tác phẩm đoạt giải ảnh nghệ thuật "Tự hào một dải biên cương"
Bắc Mỹ nghiêng ngả trước cặp đôi phù thủy
Nhặt da, sơn sửa nhiều có làm móng tay nhanh hỏng?