Giới thiệu gần 100 hiện vật, hình ảnh quý về Văn hóa Đông Sơn
19/04/2024 17:26
Trưng bày “Tiếng vọng” giới thiệu tới công chúng gần 100 hiện vật, hình ảnh, tài liệu quý về Văn hóa Đông Sơn.
Ngày 18/4, tại Bảo tàng Hà Nội (Đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội) đã diễn ra lễ khai mạc trưng bày chuyên đề “Tiếng vọng”. Đây là hoạt động ý nghĩa nhân dịp Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 và kỷ niệm 100 năm nghiên cứu Văn hóa Đông Sơn tại Việt Nam.
Phát biểu tại lễ khai mạc trưng bày, ông Nguyễn Tiến Đà- Giám đốc Bảo tàng Hà Nội nhấn mạnh: Văn hóa Đông Sơn được xác định tồn tại trong khoảng từ thế kỷ VII trước Công nguyên đến thế kỷ I - II sau Công nguyên. Qua hàng trăm di tích cùng với khối di vật đồ sộ đã được phát hiện và nghiên cứu, là minh chứng sinh động cho nguồn gốc bản địa, sự phát triển lâu dài, liên tục và trực tiếp từ các nền văn hóa tiền Đông Sơn (Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun), đến đỉnh cao văn hóa Đông Sơn và văn minh Đại Việt.
Một số mẫu trống đồng độc đáo mà Bảo tàng Hà Nội đang lưu giữ. |
Trưng bày “Tiếng vọng” nhằm tri ân các bậc tiên tổ và những nhà khoa học cách đây 100 năm trước đã phát hiện ra một nền văn hóa đặc sắc của tổ tiên. Cùng với đó giới thiệu đến công chúng gần 100 hiện vật, hình ảnh, tài liệu quý của hơn 2.000 năm trước của dân tộc ta từ thời các vua Hùng với nền Văn hóa Đông Sơn phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc.
Đến với trưng bày “Tiếng vọng”, công chúng được chiêm ngưỡng bộ sưu tập trống đồng giàu giá trị lịch sử, mỹ thuật, kỹ thuật, khoa học cùng một số hiện vật đặc sắc như: Công cụ lao động sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí, nhạc khí…
Công chúng tham quan trưng bày. |
Bên cạnh việc giới thiệu bộ sưu tập trống đồng độc đáo mà Bảo tàng Hà Nội đang lưu giữ, trưng bày còn giải mã kỹ thuật đúc trống đồng và phong tục thờ thần trống đồng –thần Đồng Cổ ở Hà Nội của tổ tiên chúng ta từ ngàn năm trước.
Đây cũng là dịp để Bảo tàng Hà Nội giới thiệu đến công chúng và tôn vinh những hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận công nhận Bảo vật Quốc gia trong đó có trống đồng Cổ Loa.
Trải nghiệm chơi cờ Mặt Trời. |
Cùng với trưng bày "Tiếng vọng", dịp này Bảo tàng Hà Nội còn phối hợp với Trung tâm xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể (VICH), mạng lưới Sáng kiến văn hóa Việt Nam, cổ phục Vạn Thiên Y, nhóm Về làng và các làng nghề của Hà Nội tổ chức một số các hoạt động khác như: Tọa đàm “Sáng tạo vật phẩm, sản phẩm mang văn hóa bản địa - động lực cho phát triển công nghiệp văn hoá Việt Nam”; Trải nghiệm và giao lưu chơi cờ Mặt Trời; Trải nghiệm cổ phục Việt Nam, mặc trang phục truyền thống, chụp ảnh với không gian bảo tàng.
Những hoạt động này nhằm gìn giữ và thúc đẩy tình yêu văn hóa của cộng đồng, tạo ra một sân chơi trải nghiệm văn hóa sáng tạo, giúp nhân dân trong nước và du khách nước ngoài có thêm hiểu biết về Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Đồng thời, góp phần tôn vinh các biểu tượng văn hóa lâu đời của người Việt, khích lệ thế hệ trẻ gìn giữ và phát huy văn hóa bằng cách kế thừa và sáng tạo các hoạt động văn hóa đương đại từ chất liệu truyền thống./.
Các bài viết cùng chuyên mục
Hơn 50 đầu sách được lựa chọn tham dự Hội chợ sách thiếu nhi quốc tế Busan
Người Nhật ăn cơm đều đặn nhưng không béo: 5 thói quen cần học tập
Tổ chức xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số
Thêm 6 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt
Xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ đợt 7
Biên giới Việt - Lào: Tình thân gắn kết - hữu nghị tỏa sáng
Trở lại thời bao cấp qua chương trình quảng bá du lịch đêm Hà Nội
Hai điểm lạ của cơn đau đầu cảnh báo u não
Chiếc áo Nhật Bình - Lễ phục của Hoàng hậu Nam Phương đã "hồi hương"
22 tác phẩm đoạt giải ảnh nghệ thuật "Tự hào một dải biên cương"