“Đồng chí Hoàng Đình Giong - Nhà lãnh đạo kiên trung, tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam”

01/06/2024 07:45

Trong bối cảnh mới của đất nước và thời đại ngày nay, phát huy ý chí, tài năng, tấm gương ngời sáng của đồng chí Hoàng Đình Giong, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục vững vàng, kiên định mục tiêu, con đường đã chọn.

Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Đình Giong (01/6/1904 - 01/6/2024), nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, chiều 31/5, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Đồng chí Hoàng Đình Giong - Nhà lãnh đạo kiên trung, tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam”.

Quang cảnh Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn, GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Hội thảo là hoạt động thiết thực nhằm ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng cao đẹp, vẻ vang của đồng chí Hoàng Đình Giong - nhà lãnh đạo kiên trung, tài năng, đã phấn đấu, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; đồng thời, bày tỏ sự tri ân sâu sắc của các thế hệ hôm nay đối với những cống hiến của đồng chí Hoàng Đình Giong cho thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, góp phần giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho các cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Với hơn 30 báo cáo, tham luận của các cơ quan, của tỉnh Cao Bằng và các nhà khoa học, Hội thảo tập trung làm sáng tỏ những nội dung: Đồng chí Hoàng Đình Giong - từ người đảng viên cộng sản thế hệ đầu tiên, trở thành nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng; Đồng chí Hoàng Đình Giong - Người chỉ huy quân sự tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam; Đồng chí Hoàng Đình Giong - Tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng, mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Các ý kiến đều thống nhất, đồng chí Hoàng Đình Giong là người cán bộ có đạo đức trong sáng, mẫu mực, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân đặc biệt tin yêu, mến phục. Khi hoạt động ở miền Tây Nam Bộ, đồng chí đã khéo léo hòa giải giữa đồng bào các dân tộc, góp phần ổn định chính trị, xã hội tại địa bàn, đoàn kết các lực lượng tôn giáo, đoàn kết lương giáo. Đồng chí đã để lại ấn tượng hết sức sâu sắc trong lòng đồng bào các dân tộc nơi đây, được nhân dân mến phục, quý trọng.

Đồng chí Hoàng Đình Giong luôn tiên phong, gương mẫu đi đầu, sẵn sàng đi vào những nơi gian nguy nhất của mặt trận, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và hy sinh oanh liệt. Đồng chí đã đi vào lịch sử như một biểu tượng ngời sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam và quê hương Cao Bằng. Đồng chí Hoàng Đình Giong mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân học tập, noi theo.

Trong bối cảnh mới của đất nước và thời đại ngày nay, phát huy ý chí, tài năng, tấm gương ngời sáng của đồng chí Hoàng Đình Giong, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục vững vàng, kiên định mục tiêu, con đường đã chọn: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, dân chủ, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Đồng chí Hoàng Đình Giong là tấm gương tiêu biểu của một thanh niên yêu nước nồng nàn, đến với lý tưởng cộng sản, đi theo con đường lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, trở thành người cán bộ chính trị quân sự cấp cao thuộc thế hệ đầu tiên của Đảng và Quân đội, luôn kiên định chiến đấu, hy sinh cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Khi bị tù đày, tra tấn trong nhiều nhà tù đế quốc (ở Cao Bằng, Bắc Mê (Hà Giang), Hỏa Lò (Hà Nội), Sơn La), đồng chí vẫn một lòng kiên trung, không khuất phục trước đòn roi tàn khốc của kẻ thù. Đồng chí Hoàng Đình Giong với ý chí sắt đá của người cộng sản, đã hiên ngang tố cáo tội ác của thực dân Pháp và tay sai; luôn giữ vững tinh thần lạc quan, động viên đồng chí, đồng đội tin tưởng vào tương lai tất thắng của cách mạng. Đồng chí là một trong những người sáng lập Chi bộ đặc biệt ở nhà tù Sơn La, cùng các chiến sĩ cộng sản đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, tranh thủ học tập lý luận, tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cách mạng.

Đặc biệt, khi bị thực dân, đế quốc đày đi biệt xứ tận vùng đảo châu Phi, đồng chí đã mưu trí nhận định, đánh giá đúng tình hình thời cuộc, đã cùng tập thể những chiến sĩ cộng sản trong tù đề ra được chủ trương, sách lược đúng đắn, tranh thủ lực lượng Đồng minh để nhanh chóng được đưa về nước tiếp tục hoạt động cách mạng.

 
Minh Châu
Nguồn dangcongsan.vn
Viết bình luận mới