Độc đáo Lễ cúng rừng của đồng bào Jrai
24/03/2025 08:06
Lễ cúng rừng của người Jrai là một nghi lễ truyền thống quan trọng, phản ánh tín ngưỡng lâu đời của đồng bào Tây Nguyên gắn liền với ý thức bảo vệ rừng. Không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, lễ cúng rừng còn thể hiện sự tôn kính đối với thần rừng, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên.
Theo thông lệ, cứ vào tháng 3 hằng năm, chính quyền và nhân dân xã Ia Pếch (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) lại tổ chức lễ cúng rừng để tạ ơn thần rừng đã bảo vệ dân làng, phù hộ mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ cúng năm nay được tổ chức tại suối Ia Co, làng Ograng, với sự tham gia của cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm, Công an xã cùng đông đảo người dân.
Trước ngày diễn ra lễ cúng, thanh niên trai tráng trong làng cùng lực lượng quản lý bảo vệ rừng đã vào khu vực rừng cúng để phát dọn, làm sạch thực bì và chọn nguồn nước trong, sạch nhất phục vụ buổi lễ. Các lễ vật được dân làng chuẩn bị chu đáo, tất cả được đặt trang trọng tại góc rừng linh thiêng già làng đã chỉ định.

Các vật tế lễ được chuẩn bị trong Lễ cúng rừng.
Trong không gian rừng thiêng, già làng Siu Dơih (sinh năm 1947) - chủ tế buổi lễ cùng người kế tục đã trang nghiêm đọc lời khấn cầu bằng tiếng Jrai. Sau lời khấn, già làng rót rượu ghè mời thần linh, chia sẻ lễ vật cúng tế với mọi người. Bà con cùng nhau thưởng thức rượu ghè, ăn thịt nướng ngay giữa không gian rừng thiêng, trong không khí trang trọng và ấm cúng.
Lễ cúng rừng không chỉ thể hiện tín ngưỡng của người Jrai mà còn là phương thức hữu hiệu giúp nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai cho biết, khu rừng tự nhiên được giao cho cộng đồng làng Ograng và làng De Chí, xã Ia Pếch quản lý có diện tích 568ha. Người dân sau lễ rừng không còn chặt phá rừng, săn bắt thú rừng mà tích cực tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, thu hoạch măng, mật ong để cải thiện đời sống.
Chủ tịch UBND xã Ia Pếch Ngô Khôn Tuấn nhấn mạnh: Lễ cúng rừng là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào Jrai. Đây không chỉ là dịp để thực hiện nghi thức với đấng siêu nhiên mà còn thể hiện tinh thần gắn bó với rừng, thiên nhiên của mỗi người dân. Người dân đã nhận thức tốt, tham gia cùng chính quyền địa phương bảo vệ rừng. Chính quyền địa phương luôn khuyến khích mọi người gìn giữ nét đẹp truyền thống này và thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng.

Anh Nguyễn Đình Đại (sinh năm 1990, trú thành phố Pleiku) chia sẻ, anh được bạn bè giới thiệu về lễ cúng rừng của người Jrai nên háo hức đến tham gia. Không gian rừng già hùng vĩ, nghi thức linh thiêng, mọi người ai cũng hòa đồng, đoàn kết. Đây là một nét văn hóa đặc biệt cần được bảo tồn.
Lễ cúng rừng của người Jrai không chỉ là nghi thức tâm linh mà còn là minh chứng cho tri thức bản địa trong bảo vệ rừng. Từ bao đời nay, đồng bào Jrai đã có những quy định nghiêm ngặt như không được xâm phạm rừng cúng, không săn bắt hay khai thác trong khu vực thiêng. Đây là cách người Jrai gìn giữ rừng, coi rừng như một phần không thể tách rời của đời sống.
Chính quyền và người dân địa phương kỳ vọng, lễ cúng rừng tiếp tục được duy trì, không chỉ để bảo tồn nét văn hóa truyền thống mà còn gìn giữ nguồn tài nguyên quý giá cho thế hệ mai sau.
Các bài viết cùng chuyên mục
Lịch truyền hình trực tiếp Lễ diễu binh, diễu hành cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Đảm bảo an toàn cho du khách trong mùa cao điểm du lịch
21 loại thuốc tân dược, trị xương khớp giả trong đường dây thu lợi 200 tỷ đồng
Mạch sống du lịch trên Cao nguyên đá
Khám phá nghi thức tắm Phật trong dịp Tết Chol Chnam Thmay
Nhiều hoạt động đặc sắc trong Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025
Di tích Bồn xăng - Kho nhiên liệu VK98 đang xuống cấp, cần nhanh chóng khắc phục
Uống nước dừa tốt nhất vào buổi sáng, 4 nhóm người phải kiêng
Quần thể di tích đình, đền, chùa Tiên Lục (Bắc Giang) đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt
Hào khí Đồng khởi bất diệt của 'Đội quân tóc dài'