Địa danh núi Chùa - Một khúc tráng ca của lịch sử dân tộc

21/07/2024 17:38

Tại xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm (Hà Nam) có một di tích lịch sử mà hẳn không nhiều người biết đến, đó là núi Chùa. Tại nơi đây, ngày 21/5/1954 đã diễn ra trận chiến lịch sử bi hùng, hàng trăm chiến sỹ anh dũng hy sinh thân mình vì Tổ quốc.

Nhắc đến địa danh lịch sử núi Chùa ở Hà Nam là nhắc tới những chiến công hiển hách cùng sự hy sinh oanh liệt của bộ đội chủ lực, dân quân, du kích địa phương khi đối mặt và đánh thắng những đơn vị lính Âu Phi thuộc quân đội viễn chinh Pháp thời kỳ “kháng chiến toàn dân, toàn diện” với chiến thắng Chanh Chè lần một (năm 1948), đặc biệt là trận chống càn lịch sử Chanh Chè lần hai (ngày 21/5/1954), một trận đánh đã trở thành khúc tráng ca của lịch sử dân tộc.

Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ Quân sự tỉnh Hà Nam giai đoạn 1945-1975, tháng 5/1954, sau khi bị mất trắng Tập đoàn cứ điểm chiến lược Điện Biên Phủ, lâm vào thế cùng quẫn, chính quyền Pháp ở Việt Nam cố sống chết, dồn quân giữ lấy vùng đồng bằng hòng cứu vớt tình thế trên toàn chiến trường Đông Dương.

Thực hiện âm mưu này, Pháp huy động hơn 1.300 quân từ Phủ Lý, bốt Tâng (Thanh Hương), bốt Cõi (Liêm Cần) với sự yểm trợ của 8 máy bay, 50 xe lội nước mở trận càn lớn vào Thanh Tâm (cùng trên địa bàn huyện Thanh Liêm, Hà Nam). Cuộc chiến diễn ra vô cùng ác liệt. Các đơn vị bộ đội cùng dân quân, du kích và quần chúng kháng chiến kiên cường quần nhau với địch vốn có quân số đông và vũ khí hiện đại hơn gấp nhiều lần để giành giật từng ngõ xóm, mái nhà. Quần chúng cách mạng các thôn xóm Thanh Tâm cũng luôn sát cánh cùng bộ đội, dân quân, du kích tham gia chống càn. Nhiều quần chúng cách mạng bất chấp nguy hiểm, dũng cảm vượt qua làn đạn kẻ thù, mang nước, cơm cháo, hoa quả, tiếp tế, chăm sóc cho thương binh trong thời gian chiến đấu.

Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí, các đơn vị bộ đội chủ lực sát cánh cùng dân quân, du kích Thanh Tâm, Thanh Liêm đã bẻ gẫy trận càn của địch, tiêu diệt 5 xe bọc thép, 144 tên địch, bắt sống 92 tên.

Trận đánh này, mặc dù quân ta giành thắng lợi lớn nhưng cũng rất bi hùng với những tổn thất, thương vong. Nhiều bộ đội, dân quân, du kích đã ngã xuống khắp các chốt điểm trên khu vực núi Chùa. Không thể thực hiện được mưu đồ càn quét nhanh chóng, bọn Pháp điên cuồng gọi máy bay và pháo tầm xa ném bom, bắn phá tiếp viện. Trước hoả lực mạnh gấp hàng chục lần, các đơn vị bộ đội được lệnh rút vào khe núi Chùa. Và thật không ngờ, khi những loạt bom thù điên cuồng trút xuống trong đêm 21/5/1954 đã làm sụt nhiều mảng đất đá lớn, lấp đầy lòng khe núi Chùa nơi một số đơn vị bộ đội trú quân.

Trận chống càn Chanh Chè lần hai trở thành một trong những trận đánh mang dấu ấn lịch sử sâu đậm và bi tráng nhất của quân và dân Hà Nam trong kháng chiến chống Pháp. 241 liệt sỹ hy sinh rải rác khắp chốt điểm của trận địa núi Chùa (trong đó hơn 100 liệt sỹ trúng bom dưới lòng khe) đều không một dòng địa chỉ cụ thể, sau đó đã được du kích, nhân dân địa phương quy tập về Nghĩa trang liệt sỹ xã Thanh Tâm.

70 năm qua, trên 200 ngôi mộ cùng có chung dòng chữ “Phần mộ liệt sỹ chưa xác định được thông tin" phần lớn là của những chiến sỹ bộ đội chủ lực con em quê hương các tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế luôn được những đồng đội, đồng chí và bà con nhân dân vùng chiến trường xưa thành kính hương khói chu đáo. Hằng năm các liệt sỹ được tổ chức giỗ chung một ngày 21/5 - ngày họ chiến đấu và ngã xuống trên mảnh đất này.

 Địa danh Di tích núi Chùa nằm tại địa phận xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm, Hà Nam.
 Để tưởng nhớ công lao to lớn của các Anh hùng Liệt sỹ, năm 2009 Đền thờ Liệt sỹ núi Chùa - xã Thanh Tâm đã được chính quyền, đoàn thể xã hội và nhân dân góp sức xây dựng quy mô trên chính nền trận địa năm xưa.
 Trong Đền thờ còn lưu giữ một số di vật, hiện vật liên quan đến trận chống càn lịch sử 70 năm về trước.

 

 Di vật của các Liệt sỹ hy sinh trong trận núi Chùa được thu thập qua các lần tìm kiếm hài cốt.
 Trong số di vật, một gọng kính vỡ nát của một Liệt sỹ là chiến sỹ quân y còn nhận dạng khá rõ.
 Vị trí khe núi Chùa nơi hàng trăm chiến sỹ hy sinh khi trúng bom của địch.
 Liệt sỹ tại núi Chùa phần lớn là bộ đội chủ lực quê các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế biên chế tại tiểu đoàn 227, trung đoàn 95, đại đoàn 325 ( nay thuộc binh đoàn Hương Giang), tiểu đoàn 884, trung đoàn 48 thuộc đại đoàn 320 ( nay thuộc binh đoàn Tây Nguyên). 
 Bằng "Tổ Quốc Ghi Công" của một Liệt sỹ hy sinh ở núi Chùa.
 Một "Nén tâm nhang" bằng thơ của các Cựu chiến binh Chè Trình (xã Thanh Tâm và Liêm Sơn) tưởng nhớ đồng đội hy sinh.
 Địa danh núi Chùa đã được UBND tỉnh Hà Nam xếp hạng Di tích Lịch sử năm 2010.
 Nghĩa trang Liệt sỹ xã Thanh Tâm
 
Trần Chiến
Nguồn dangcongsan.vn
Viết bình luận mới