Di tích Quốc gia đặc biệt núi Non Nước - kho tàng giá trị lịch sử và văn hóa
07/09/2024 17:36
Di tích Quốc gia đặc biệt núi Non Nước, tỉnh Ninh Bình hiện lưu giữ một kho tàng văn bia có giá trị cả về mặt lịch sử và văn hóa.
Hệ thống di sản văn hóa tại khu di tích núi Non Nước là tài sản tinh thần, nhân văn to lớn của địa phương, có ý nghĩa quan trọng không chỉ với việc phát triển kinh tế - xã hội mà còn trong việc lưu giữ, trao truyền các giá trị di sản văn hóa cho thế hệ sau. Tỉnh Ninh Bình đã và đang quan tâm nghiên cứu, bảo tồn để góp phần làm phong phú hơn những di sản văn hóa của vùng đất Cố đô.
Bảo tàng văn chương độc đáo
Núi Non Nước hay còn gọi là Dục Thúy sơn là thắng cảnh nổi tiếng xưa nay ở thành phố Ninh Bình. Núi Non Nước cùng với núi Hồi Hạc, núi Cánh Diều và núi Kỳ Lân được mệnh danh là "Tứ đại danh sơn" - tức bốn ngọn núi nổi tiếng của thành phố Ninh Bình. Đây không chỉ là một cuốn sử thi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử và chiến công oanh liệt của cha ông ta, nơi đây còn là một tàng thư thiên nhiên, bảo tàng thi ca vô giá.
Hiếm có ngọn núi nào ở Việt Nam có trên 40 bài thơ văn khắc vào núi và hàng trăm bài thơ vịnh cảnh của các nhà thơ, các danh nhân qua các triều đại như: Trương Hán Siêu, Nguyễn Trãi, Phạm Sư Mạnh, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Ngô Thì Nhậm… Các bản khắc trên vách đá không chỉ là các tác phẩm văn học có giá trị mà còn là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc công phu, có giá trị thẩm mỹ cao, được phân bố hài hòa trên các vách đá phẳng, dựng đứng, làm tôn thêm vẻ đẹp và kết tinh giá trị văn hóa của núi Non Nước.
Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Khắc Thuân, Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, những bài thơ, văn bia thời Trần được khắc, viết ở núi Dục Thúy là nguồn sử liệu, văn liệu vô cùng quý giá, lưu giữ được nhiều chứng tích, dấu tích lịch sử với nhân vật lịch sử cụ thể, sự kiện lịch sử cụ thể.
Theo thống kê, hiện nay trên núi có tổng số 63 văn bia, trong đó có 53 bia chữ Hán và 6 văn bia chữ Quốc ngữ. Tuy nhiên, trải qua thời gian dài, dưới tác động của thiên nhiên, chiến tranh và một số tác nhân khác, trên núi chỉ còn lại 43 văn bia; trong đó có 37 văn bia chữ Hán - Nôm và 6 văn bia chữ Quốc ngữ. Toàn bộ các văn bia đều đã được phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vương Thị Hường, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, từ xưa đến nay, núi Non Nước được xem như biểu tượng của Ninh Bình, là nguồn cảm hứng để các thi nhân vịnh cảnh đề thơ. Hiếm có ngọn núi nào có nhiều thi nhân đến thưởng ngoạn, đề thơ khắc lại trên đá như vậy. Hệ thống di sản văn hóa tại Di tích Quốc gia đặc biệt núi Non Nước là tài sản tinh thần, nhân văn to lớn của địa phương, có vai trò trong phát triển kinh tế du lịch, công nghiệp văn hóa của tỉnh, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng thành phố di sản thiên niên kỷ.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt, di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Non Nước đã được công nhận là Di tích danh thắng cấp Quốc gia năm 1962 và Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2019.
Bảo tồn và phát huy giá trị
Thời gian qua, thành phố Ninh Bình đã quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo một số hạng mục của núi Non Nước như: Đường lên đỉnh núi treo cờ, cột cờ, nghênh phong… nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan của nhân dân địa phương và du khách. Thành phố cũng thường xuyên kiểm tra, thực hiện kịp thời các hoạt động bảo vệ, giữ gìn và khôi phục nguyên trạng các văn bia trên vách núi, không để rễ cây và rêu bám làm ảnh hưởng xấu đến các bản khắc...
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di tích Quốc gia đặc biệt núi Non Nước nói chung và hệ thống văn bia nói riêng cũng ngày càng được tỉnh Ninh Bình quan tâm, chú trọng. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm gìn giữ di sản cho nhân dân, tỉnh cũng đẩy mạnh công tác nghiên cứu, thám sát, sưu tầm, nghiên cứu bổ sung để làm rõ hơn nữa các giá trị nổi bật của di tích.
Với các giá trị về lịch sử, văn hóa, tư liệu đặc sắc, núi Non Nước trở thành điểm đến thu hút du khách. Đây cũng là địa chỉ quen thuộc của các nhà trường trên địa bàn tỉnh khi thực hiện các nội dung giáo dục về lịch sử, văn hóa địa phương.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình Nguyễn Mạnh Cường cho biết, núi Non Nước cùng với núi Cánh Diều đang được tỉnh Ninh Bình đề xuất đưa vào Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với không gian chủ đề thương hiệu bảo tồn và phát huy giá trị di sản là Tiếp biến. Đồng thời xây dựng Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xây dựng công viên văn hóa Thúy Sơn làm điểm nhấn phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, đồng thời bổ sung thêm một điểm du lịch văn hóa độc đáo cho du khách khi đến Ninh Bình. Phát triển chủ đề về giao lưu, tiếp biến văn hóa, thương mại và công nghiệp trong lịch sử và hiện đại, hình thành một khu vực tập trung vào các hoạt động văn hóa và nghệ thuật biểu diễn đương đại, công nghiệp văn hóa, chứa đựng tinh hoa hiện đại và truyền thống.
Tỉnh Ninh Bình cũng hướng tới xây dựng hồ sơ đề cử ghi danh hệ thống văn bia tại di tích núi Non Nước, tỉnh Ninh Bình vào các Danh sách di sản tư liệu của UNESCO; góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản theo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2024.
Trên cơ sở bảo tồn, phát huy các tư liệu, di sản vật thể, phi vật thể của khu di tích Quốc gia đặc biệt núi Non Nước sẽ là nguồn tài nguyên giá trị cao trong phát triển kinh tế du lịch, công nghiệp văn hóa của tỉnh. Từ đó góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng thành phố di sản thiên niên kỷ từ những di sản của cha ông để lại.
Các bài viết cùng chuyên mục
Những bản đúc trên Chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế
Thời gian đứng vững 1 chân tiết lộ sức khỏe của bạn
Đưa Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn của Tây Nguyên
Đưa nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đến gần với giới trẻ TP Hồ Chí Minh
Khai mạc Festival Ninh Bình với chủ đề 'Dòng chảy di sản'
Rừng Đỗ Quyên cổ thụ trên núi PuTaLeng lập kỷ lục có diện tích lớn nhất Việt Nam
5 phần thịt lợn khoái khẩu của nhiều người nhưng tiềm ẩn độc hại
Loại rau nào bổ dưỡng nhất?
Cố đô Huế - Nơi di sản thăng hoa
Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)