Để tiếng khèn ngân vang trên cao nguyên
24/09/2024 15:46
Tủa Chùa là huyện vùng cao của tỉnh Điện Biên có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Tiếng khèn từ lâu đã "ngấm sâu" vào máu thịt đồng bào Mông nơi đây. Âm thanh của khèn du dương, tình cảm, mộc mạc như chính cuộc sống của người dân vùng cao nguyên đá. Họ đã truyền dạy cách chế tác để loại nhạc cụ này lưu truyền giá trị văn hóa cho các thế hệ khác.
Chiếm hơn 70% dân số huyện Tủa Chùa, văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Mông khá phong phú và độc đáo. Các loại hình dân ca, dân vũ, lễ hội, trò chơi dân gian cũng như âm nhạc và nhạc cụ của người Mông đều có những nét đặc trưng riêng biệt. Trong đó, khèn chính là loại nhạc cụ mang đậm bản sắc văn hóa. Khèn Mông còn mang ý nghĩa tâm linh, thường được sử dụng trong các dịp lễ hội, nghi lễ truyền thống và sinh hoạt cộng đồng.
Đội khèn xã Sính Phình (huyện Tủa Chùa) được thành lập nhiều năm nay và đã tham gia biểu diễn ở nhiều nơi. Nghệ nhân Ưu tú Sình A Tâu (thôn 4, xã Sính Phình) cho biết, hầu hết đàn ông trưởng thành ở trong thôn đều biết thổi khèn. Những năm qua, đội khèn xã Sính Phình đã mở các lớp truyền dạy thổi khèn, biểu diễn khèn Mông cho thế hệ trẻ tại các thôn, bản trong xã để tiếng khèn được lưu truyền mãi.
Năm 2022, Nghệ thuật chế tác và múa khèn của người Mông tỉnh Điện Biên được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Việc giữ gìn và phát triển nghề chế tác khèn Mông đang đứng trước nhiều thách thức do sự mai một của nghề thủ công truyền thống và thay đổi trong lối sống hiện đại. Tuy nhiên, tại Tủa Chùa, các nghệ nhân vẫn tiếp tục duy trì và truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ. Họ không chỉ tạo ra những chiếc khèn với âm thanh đặc trưng mà còn khắc họa giá trị văn hóa đặc sắc thông qua từng đường nét, hoa văn được chạm khắc trên khèn.
Ông Sùng A Câu (thôn Háng Đề Dê, xã Sính Phình) thông tin, lúc nông nhàn, ông thường cùng những người đàn ông trong thôn chế tác khèn. Dưới sự chỉ dẫn của ông, mỗi người sẽ làm một công đoạn sau đó ghép lại để thành một chiếc khèn hoàn chỉnh. Người biết nhiều chỉ cho người biết ít, người chưa biết chế tác khèn cũng đến đây để học hỏi dần. Những buổi ngồi chế tác khèn cùng nhau, người làm, người thổi thử khèn là niềm vui, tự hào của những người đàn ông ở thôn Háng Đề Dê.
Khèn Mông có âm thanh rất riêng biệt, mang màu sắc văn hóa và tâm hồn của người Mông. Âm điệu của khèn thường du dương, khi trầm bổng, khi rộn ràng, gắn liền với các bài múa trong các lễ hội và các sự kiện quan trọng. Theo ông Sùng A Câu, để làm một chiếc khèn, người thợ thường sử dụng gỗ, trúc và đồng, đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo trong từng công đoạn, từ chọn gỗ, đẽo khèn đến việc gắn ống trúc và tạo âm thanh. Phần khó nhất là điều chỉnh âm thanh sao cho các nốt trên khèn đều vang đúng tần số chuẩn.
Là địa phương có đông người Mông sinh sống, chuyện Tủa Chùa đã rất nỗ lực để bảo tồn và phát triển nghề chế tác khèn thông qua lớp học truyền dạy, hỗ trợ nghệ nhân, quảng bá sản phẩm ở hội chợ văn hóa và chương trình du lịch. Việc đưa khèn Mông vào các sự kiện văn hóa, nghệ thuật không chỉ góp phần bảo tồn nghề truyền thống mà còn giúp khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập. Nhờ đó, nghề chế tác khèn Mông ở Tủa Chùa vẫn được duy trì, trở thành một biểu tượng văn hóa độc đáo và quan trọng trong cộng đồng người dân nơi đây.
Ông Vừ A Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa cho biết, UBND huyện đã tổ chức Hội thi biểu diễn khèn Mông để các nghệ nhân có sân chơi và giao lưu, học hỏi. Trong tuần Văn hóa - Du lịch huyện Tủa Chùa diễn ra tháng 10/2024, huyện tiếp tục tổ chức hội thi để phát huy giá trị văn hóa khèn Mông và giới thiệu đến du khách di sản văn hóa phi vật thể này.
Năm 2023, Bảo tàng tỉnh Điện Biên đã tổ chức lớp truyền dạy nghề chế tác khèn của dân tộc Mông với sự tham gia của các nghệ nhân và học viên tại huyện Tủa Chùa nhằm phát huy vai trò của các nghệ nhân chế tác khèn, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, trực tiếp là các học viên về bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Qua đó, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào, gìn giữ, phát huy được nghệ thuật trình diễn dân gian, các tập quán xã hội và tín ngưỡng gắn với cây khèn của dân tộc Mông.
Dẫu trong đời sống còn nhiều khó khăn nhưng vang vọng trên cao nguyên đá Tủa Chùa tiếng khèn vẫn trầm bổng theo tháng năm. Những người đàn ông dân tộc Mông nơi đây vẫn đứng trên đá, hiên ngang cùng đá, thổi vang giai điệu khèn của dân tộc. Đây cũng là nét độc đáo trong bức tranh văn hóa đa sắc màu ở Tủa Chùa.
Các bài viết cùng chuyên mục
Đưa nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đến gần với giới trẻ TP Hồ Chí Minh
Khai mạc Festival Ninh Bình với chủ đề 'Dòng chảy di sản'
Rừng Đỗ Quyên cổ thụ trên núi PuTaLeng lập kỷ lục có diện tích lớn nhất Việt Nam
5 phần thịt lợn khoái khẩu của nhiều người nhưng tiềm ẩn độc hại
Loại rau nào bổ dưỡng nhất?
Cố đô Huế - Nơi di sản thăng hoa
Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
Lan toả giá trị tốt đẹp từ những dự án "Hành động vì cộng đồng"
Nhiều hoạt động kỷ niệm 20 năm Phố cổ Hà Nội được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia
Vì sao không nên đi bộ hay chạy trên thang cuốn?