Đặc sắc Lễ hội Điện Trường Bà
25/05/2024 15:49
Trong 2 ngày 22 - 23/5, tại thị trấn Trà Xuân, UBND huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) phối hợp với Ban Quản lý di tích Điện Trường Bà tổ chức Lễ hội Điện Trường Bà năm 2024. Đây là lễ hội dân gian mang tính đặc trưng độc đáo, có sự tích hợp, giao thoa văn hóa của nhiều dân tộc khác nhau.
Lễ hội Điện Trường Bà do cộng đồng người Việt, người Cor sáng tạo và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Lễ hội trở thành ngày lễ thiêng liêng trong tâm khảm của mỗi người con đất quế Trà Bồng và vùng lân cận. Dù ở đâu, làm gì, trong ngày lễ hội, người dân đều hướng lòng thành kính tri ân Thánh mẫu Thiên Y A Na và các vị thần đã có công trong việc khai phá vùng đất này.
Lễ hội diễn ra với các nghi thức truyền thống gồm: Lễ rước sắc, lễ mộc dục, tế lễ chính điện, tế lễ ngoại đàn, học trò lễ; dâng hương tưởng niệm Thánh mẫu Thiên Y A Na và các bậc tiên hiền. Các nghi lễ được thực hiện trang trọng, thành kính, theo đúng truyền thống. Đồng thời, trong suốt thời gian tổ chức lễ hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ như, múa cồng chiêng, múa lân, múa rồng...
Ông Hồ Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trà Bồng cho biết, Điện Trường Bà trở thành di sản vô giá, điểm hội tụ văn hóa tâm linh, biểu tượng sinh động của truyền thống đại đoàn kết dân tộc, ý chí tự lực, tự tôn dân tộc, của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.
"Lễ hội là dịp để du khách trong và ngoài tỉnh tìm hiểu những giá trị văn hóa tinh thần, mang đậm nét lịch sử về cội nguồn dân tộc, thưởng thức sự tinh tế, phong phú của các loại hình nghệ thuật đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc, chiêm ngưỡng vẻ đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho mảnh đất này", ông Hồ Văn Thịnh nhấn mạnh.
Đông đảo người dân địa phương đã tham dự lễ hội Điện Trường Bà. Chị Huỳnh Thị Hà đến từ xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành cho biết, những năm gần đây, cứ đến dịp Lễ hội Điện Trường Bà chị lại sắp xếp công việc về dự. Đến đây, ngoài tham dự lễ hội, chị còn hiểu hơn về nét văn hóa riêng biệt, đặc sắc của đồng bào Cor Quảng Ngãi.
Điện Trường Bà được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2014. Năm 2017, Lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Các bài viết cùng chuyên mục
Biên giới Việt - Lào: Tình thân gắn kết - hữu nghị tỏa sáng
Trở lại thời bao cấp qua chương trình quảng bá du lịch đêm Hà Nội
Hai điểm lạ của cơn đau đầu cảnh báo u não
Chiếc áo Nhật Bình - Lễ phục của Hoàng hậu Nam Phương đã "hồi hương"
22 tác phẩm đoạt giải ảnh nghệ thuật "Tự hào một dải biên cương"
Bắc Mỹ nghiêng ngả trước cặp đôi phù thủy
Nhặt da, sơn sửa nhiều có làm móng tay nhanh hỏng?
Vinh danh tài năng trẻ xuất sắc trong lĩnh vực Tâm lý - Giáo dục
Loại rau nào bổ dưỡng nhất?
Thêm hành lang pháp lý để bảo vệ và phát huy giá trị di sản