Cầu ngói với kiến trúc cổ “hiếm hoi” của Việt Nam sau ngày trùng tu

25/02/2021 07:45

Sau gần 10 tháng hạ giải để trùng tu, di tích lịch sử quốc gia Cầu ngói Thanh Toàn (xã Thuỷ Thanh, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên-Huế) đã hoàn thành, đón người dân và du khách trở lại tham quan vào những ngày đầu năm mới Tân Sửu.

Cầu ngói Thanh Toàn 245 tuổi vừa được trùng tu, đưa vào hoạt động trở lại vào những ngày đầu năm mới Tân Sửu. Ảnh: VGP/Minh An

Dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích cầu ngói Thanh Toàn được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế phê duyệt với kinh phí hơn 13 tỷ đồng. Hạ giải từ giữa tháng 4/2020, Cầu ngói Thanh Toàn được trùng tu lại những hạng mục, chi tiết giống nguyên bản ban đầu để phát huy giá trị bảo tồn văn hóa của công trình.

Trước khi hạ giải, các cơ quan liên quan đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học để lập dự án trùng tu chi tiết với sự góp ý, đóng góp từ nhiều chuyên gia văn hóa, khoa học lịch sử trong nước. Trong đó, xác định việc trùng tu cố gắng duy trì giá trị nguyên bản của công trình, ưu tiên sử dụng các vật liệu nguyên bản để giữ gìn giá trị văn hóa.

Được xem là cây cầu cổ, có kiến trúc độc đáo, cầu ngói Thanh Toàn nổi tiếng với du khách gần xa. Ảnh: VGP/Minh An

Công trình được gia công các cấu kiện sắt, đổ bê tông cốt thép phần móng, mố trụ cầu...; phục hồi hệ mái lợp bằng ngói âm ống men thanh lưu ly, hệ trang trí bờ mái, bờ quyết, ô hộc, bờ nóc, con giống gắn sành sứ. Ngoài ra, phục hồi nguyên gốc hai câu đối, các chi tiết trang trí gắn sành sứ và toàn bộ màu sắc tổng thể công trình bằng sơn truyền thống...

Hệ mái lợp bằng ngói âm ống men thanh lưu ly sau trùng tu vẫn giữ nguyên giá trị xưa cũ. Ảnh: VGP/Minh An

Cầu ngói Thanh Toàn hiện nằm ở xã Thuỷ Thanh, thị xã Hương Thuỷ là chiếc cầu bằng gỗ được dựng vào năm 1776 theo kiến trúc kiểu “Thượng gia, hạ kiều” (trên nhà dưới cầu), dài 18,75 m, rộng 5,82 m, hai bên thành cầu có hai dãy bục gỗ và lan can để ngồi nghỉ tựa lưng. Trên cầu có mái che, lợp ngói ống tráng men, chia làm 7 gian, gian giữa của cầu dành để thờ bà Trần Thị Đạo (người có công xây dựng cầu).

Bên trong cầu ngói có gian thờ bà Trần Thị Đạo – người có công xây dựng cầu ngói Thanh Toàn. Ảnh: VGP/Minh An

Trải qua 245 năm, Cầu ngói Thanh Toàn qua nhiều lần trùng tu (vào các năm 1847, 1906, 1956, 1971), kích thước và vật liệu xây cầu có thay đổi chút ít, kiểu kiến trúc vẫn được giữ nguyên.

Toàn cảnh cầu ngói Thanh Toàn nhìn từ xa. Ảnh: VGP/Minh An

Vào năm 1990, cầu được công nhận là di tích lịch sử quốc gia, được xếp vào công trình kiến trúc cổ rất có giá trị về mặt lịch sử và văn hóa, nghệ thuật cao thuộc vào loại hiếm hoi ở Việt Nam.

Minh An
Nguồn chinhphu.vn
Viết bình luận mới