Cần sớm hoàn thiện, ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa

08/08/2024 07:42

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV các đại biểu đều nhất trí cao về sự cần thiết ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 và Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), tuy nhiên, Bộ VHTTDL cũng cần hoàn thiện hồ sơ cũng như giải trình kỹ lưỡng hơn nữa về một số vấn đề kỹ thuật.

Quang cảnh buổi làm việc. 

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục vừa có buổi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận sôi nổi về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Các đại biểu Quốc hội đều nhất trí cao về sự cần thiết ban hành Chương trình này cùng nhiều nội dung lớn đã trình, Hồ sơ đã đáp ứng được các yêu cầu theo quy định của pháp luật, tuy nhiên cần hoàn thiện hơn nữa, tiếp thu đầy đủ, giải trình kỹ lưỡng ý kiến của các đại biểu Quốc hội, nghiên cứu chỉnh sửa kỹ lưỡng một số vấn đề kỹ thuật để có thể tiếp tục trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới.

Nêu một số vấn đề cần lưu ý về việc tiếp thu ý kiến đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa cho biết, sau kỳ họp Quốc hội, lãnh đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã chỉ đạo Tổ thẩm tra triển khai các buổi làm việc cấp kỹ thuật với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để phối hợp tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉnh lý nội dung dự thảo Nghị quyết và các văn bản liên quan.

 Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh kết luận buổi làm việc.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhận thấy, với vai trò chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực, trách nhiệm và cầu thị trong việc tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội và hai bên đã thống nhất được nhiều nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8.

Đến nay, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cơ bản nhất trí với bố cục, các nội dung chính của dự thảo Nghị quyết, bên cạnh đó, còn một số nội dung về Hồ sơ Chương trình và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý.

Tại buổi làm việc, các đại biểu, chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể về các mục tiêu của Chương trình; nguồn vốn thực hiện; giải pháp và cơ chế quản lý điều hành; cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện Chương trình; các nội dung, thành phần của Chương trình.

Về nội dung tiếp thu chỉnh lý đối với Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng cho biết, Tổ thẩm tra dự án Luật đã làm việc với Thường trực Ban soạn thảo, đại diện Vụ Pháp luật của Văn phòng Quốc hội, Bộ Tư pháp và các chuyên gia để nghiên cứu, chỉnh lý nội dung, kỹ thuật trình bày toàn bộ dự thảo Luật theo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 và ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

 Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng giải trình tại buổi làm việc.

Theo đó, nhiều nội dung của dự thảo luật được sửa đổi, chỉnh lý trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội như: Giải thích từ ngữ, quy định về sở hữu di sản văn hóa, chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, kiểm kê di tích, kiểm kê di sản tư liệu, ghi danh, ghi danh bổ sung và hủy bỏ ghi danh di sản văn hóa phi vật thể, các hành vi bị nghiêm cấm, chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể, các loại hình di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh…

Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo luật, các đại biểu, chuyên gia đã thảo luận về nhiều vấn đề như dự án đầu tư, xây dựng công trình, sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới; quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và xử lý di vật, cổ vật được phát hiện, giao nộp; trách nhiệm quản lý nhà nước về di sản văn hóa của các bộ, Ủy ban nhân dân các cấp.

Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ, các ý kiến thảo luận thể hiện sự đồng tình cao với những nội dung tiếp thu, giải trình của cơ quan soạn thảo, tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng.

Ông Nguyễn Đắc Vinh cũng đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra, tiếp thu tối đa ý kiến của các chuyên gia, các đại biểu Quốc hội để đảm bảo các nội dung trình có tính khả thi cao, triển khai tổ chức thực hiện hiệu quả trong thực tiễn; đồng thời hoàn thiện báo cáo tiếp thu, giải trình cùng các hồ sơ, tài liệu liên quan để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8, tháng 9/2024 và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới/.

 
HP
Nguồn dangcongsan.vn
Viết bình luận mới